Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Phát huy tinh thần và ý chí quật khởi của Ngày Toàn quốc kháng chiến

(TGAG)- Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đoàn kết một lòng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang. Hơn 70 năm đã qua, ý nghĩa lịch sử của Ngày Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với mong muốn đất nước được hòa bình, ổn định để tập trung củng cố chính quyền, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên Hiệp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên Hiệp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu.

Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15, 16 và 17/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn, cho xe phá các công sự của ta, gây ra vụ tàn sát đẫm máu tại nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 18/12/1946, tướng Môlie gửi cho ta hai “tối hậu thư” đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.

Vậy là kẻ thù đã đặt dân tộc Việt Nam trước hai con đường: một là, khoanh tay, cúi đầu trở lại đời nô lệ; hai là, đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta lựa chọn cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.

Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19/12/1946) được phát đi khắp cả nước.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước ta với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã đoàn kết đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến.

Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân và dân cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến: Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Hơn 70 năm đã qua tinh thần Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, cần được ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

HOÀI TRƯỜNG


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40071753