Truy cập hiện tại

Đang có 112 khách và không thành viên đang online

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030


Ngày 27-6-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.


Từ sau đổi mới đến nay, ngành Nông nghiệp An Giang liên tục có bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định vai trò nền tảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, như: lúa gạo, cá nước ngọt, rau màu... là những sản phẩm hàng hoá lớn, có bước tăng trưởng mạnh, tạo dựng được uy tín trên thị trường. Trình độ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến trên các sản phẩm hàng hoá chính luôn được đẩy mạnh áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh với công nghệ khai thác hiện hữu đã chạm trần tăng trưởng, cùng với nguy cơ mất cân bằng sinh thái, yếu tố thoái hoá chất lượng tài nguyên nông nghiệp, như: đất, nước, môi trường,... ngày càng nghiêm trọng. Do đó, đòi hỏi tái cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp An Giang nhằm tạo ra tăng trưởng mới gắn với phát triển nông nghiệp bền vững là yêu cầu tất yếu khách quan. Mặc khác, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp một số mặt của An Giang vẫn còn lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác và phát huy đúng mức; trong khi đó hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp vẫn còn thấp; việc ứng dụng khoa học và công nghệ tuy được quan tâm nhưng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp chưa cao cũng như chưa nhất quán trong chỉ đạo và phân bổ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính tương xứng, nên chưa tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển chưa đồng bộ.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung như sau:

I- QUAN ĐIỂM - MỤC TIÊU - ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1- Quan điểm và mục tiêu tổng quát

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì tốt nhất tài nguyên sinh thái, tài nguyên nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phải dựa trên cơ sở phát huy mạnh mẽ nội lực kết hợp huy động ngoại lực, và các nguồn lực khác theo hướng xã hội hoá, tiếp thu có chọn lọc công nghệ mới, tiên tiến trong và ngoài nước. Trên cơ sở quy hoạch phát triển đồng bộ vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chính sách đầu tư, thu hút và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đồng thời và đồng bộ 04 yếu tố: quy hoạch vùng và sản phẩm; lựa chọn công nghệ; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; và thị trường; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm có mối quan hệ hữu cơ.

2- Mục tiêu đến năm 2020

- Trên cơ sở quy hoạch kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm Công nghệ sinh học của tỉnh; xây dựng trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp; trung tâm nghiên cứu - phát triển dược liệu theo hướng xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Cùng với tiến trình này, triển khai và không ngừng hoàn chỉnh các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vào đầu tư phát triển sản xuất, tạo môi trường phát triển các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành đội ngũ cán bộ, chuyên gia các thành phần kinh tế, (trong đó có khu vực nhà nước, Trường Đại học An Giang, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp cổ phần nhà nước…) đủ năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được các yêu cầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh theo yêu cầu từng giai đoạn. Đào tạo và thu hút được một số chuyên gia đầu ngành am hiểu chủ trì nghiên cứu, triển khai công nghệ.

- Tự sản xuất và chọn tạo được một số giống, nhất là giống rau màu, cây cảnh, dược liệu có giá trị để nâng cao tính chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào giống nhập ngoại.

- Phấn đấu có ít nhất 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
- Tăng giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong 01 năm có ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất từ 30% trở lên so với thời điểm 2012.
- Hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng nhóm sản phẩm phải đạt cao hơn bình quân toàn tỉnh so với thời điểm 2012 ít nhất từ 30% trở lên. 

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý, hợp tác, đối tác thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực cả trong và ngoài nước.

3- Định hướng phát triển đến năm 2030

- Phấn đấu có ít nhất 30% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

- Tăng giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong 01 năm có ứng dụng công nghệ cao phải đạt ít nhất từ 50% trở lên so với thời điểm 2020.

- Hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng nhóm sản phẩm phải đạt cao hơn bình quân toàn tỉnh so với thời điểm 2020 ít nhất từ 40% trở lên.

- Đào tạo và thu hút nhân lực để mỗi sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có ít nhất 01 chuyên gia đầu ngành am hiểu chủ trì nghiên cứu, triển khai công nghệ. 

- Tự sản xuất và chọn tạo được nhiều giống, nhất là giống rau màu, cây cảnh, dược liệu,… có giá trị để nâng cao tính chủ động trong sản xuất, hạn chế tối đa sự lệ thuộc vào giống nhập ngoại.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Quy hoạch vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch xác định rõ các vùng, ngành hàng ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản; Vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; vùng sản xuất rau màu; Vùng sản xuất hoa, cây cảnh; Vùng bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học; Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu; Vùng cây ăn quả, cây đặc sản; Vùng sản xuất thủy sản,... Đặc biệt, chú trọng quy hoạch Vùng sản xuất giống đáp ứng yêu cầu cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long và các sản phẩm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Hình thành và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút, ươm tạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thu hút, ươm tạo nguồn nhân lực và các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Hình thành, đưa vào hoạt động có hiệu quả và phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm của tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhưng phải hiệu quả cho nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 

- Tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước, phối hợp các nguồn lực khác đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, kể cả những ngành phụ trợ khác phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo đầu tư có chọn lọc trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao. Chú trọng huy động nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp và người sản xuất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Xây dựng và triển khai Đề án thu hút đầu tư và phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cả sản xuất, chế biến và thương mại. Xây dựng và triển khai Đề án hoàn thiện và đầu tư xây dựng mới đối với các khu, các trung tâm, các phòng nghiên cứu, thí nghiệm trọng điểm về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, cụ thể như: Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang; các khu, trung tâm, trại thực nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao; các khu, phòng nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao của Trường Đại học An Giang và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

- Xây dựng và triển khai các đề án, dự án nghiên cứu trọng điểm, cụ thể như: (1) Dự án Nghiên cứu khảo nghiệm, phục tráng, di nhập và nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống đặc sản có năng suất và chất lượng cao; (2) Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà lưới, nhà kính phù hợp ứng dụng trong sản xuất tại An Giang; (3) Xây dựng các mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và truy xuất nguồn gốc; (4) Dự án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; (5) Dự án phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản hàng hoá chính, trong đó có các sản phẩm hàng hoá từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của An Giang; (6) Dự án nghiên cứu phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh; (7) Dự án phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu... 

2- Chọn lựa công nghệ

- Trên cơ sở quy hoạch và tiềm năng, lợi thế tài nguyên nông nghiệp An Giang, các công nghệ định hướng phát triển bao gồm: 

- Công nghệ sinh học trong nông nghiệp như sinh học phân tử; công nghệ nhân giống, truyền giống, nuôi cấy mô tế bào; công nghệ gen; công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ kit chẩn đoán bệnh; công nghệ sinh học trong sản xuất và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, cải tạo đất,…

- Công nghệ cao về canh tác, bảo quản, chế biến sau thu hoạch như công nghệ mới trong canh tác (thủy canh, màng dinh dưỡng, khí canh, trồng cây trên giá thể), bảo quản và chế biến sau thu hoạch; công nghệ kiểm soát tiến trình sinh trưởng, cải thiện độ phì của đất; hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà màng; công nghệ sản xuất vật liệu mới; công nghệ thông tin; công nghệ tự động hóa; công nghệ Nano; công nghệ sản xuất năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo, công nghệ chiết suất dược liệu…

- Công nghệ quản lý chất lượng cho tất cả các sản phẩm nông sản hàng hoá chính theo tiêu chuẩn mà thị trường cần gắn với việc truy xuất nguồn gốc. 

3- Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực

- Đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia có trình độ cao: tiến sĩ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên có tay nghề cao về nông nghiệp công nghệ cao. Đào tạo theo nhóm nghiên cứu, theo các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm đáp ứng các nhu cầu về lượng và chất trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Tổ chức xúc tiến, hợp tác và huấn luyện chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

- Xây dựng chương trình hợp tác, đối tác với các viện, trường, địa phương trong nước với các địa phương, vùng lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới, đây là một bộ phận quan trọng trong chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. 

- Xây dựng Đề án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh theo lộ trình và tiến trình thực tế đòi hỏi của phát triển. Trong đó, đào tạo và thu hút 50 thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước tiên tiến về nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo và thu hút 200 thạc sĩ, tiến sĩ trong nước về các lĩnh vực, như: công nghệ sinh học, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ chế biến, bảo quản, cơ khí, tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chiết suất dược liệu... Đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, kỹ năng canh tác cho nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.       

4- Thực thi và phát triển hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển nguồn lực, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm,  thị trường ứng dụng và phát triển công nghệ

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể như: 

- Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư (thuế, đất đai, vay vốn, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ…) đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan. Chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. 

- Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

- Chính sách hỗ trợ phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản hàng hóa chính, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia, nhất là doanh nghiệp và nông dân; vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

- Thu hút đầu tư, hình thành và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, tập trung thu hút, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo tiền đề, cơ sở để phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho toàn xã hội.

- Phát triển thêm các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ và khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 

5- Công tác truyền thông về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và hành động về vị trí, tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm năng suất, giá trị gia tăng cao và đảm bảo các yêu cầu, quy định về chất lượng sản phẩm theo thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trong quá trình hội nhập.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chú trọng công tác xúc tiến, kêu gọi, tranh thủ nguồn vốn ưu đãi, các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thị, thành uỷ, đảng ủy tổ chức thực hiện tốt nghị quyết này. Phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện. Định kỳ hằng năm báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết quả triển khai thực hiện nghị quyết và đến năm 2015 tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. 

2- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết này; chỉ đạo Ban Điều hành nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn. Định kỳ 06 tháng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

3- Các huyện, thị, thành ủy phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tỉnh tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ và người dân. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương. 

4- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền quán triệt nghị quyết sâu rộng và có hiệu quả đến tất cả các cán bộ đảng viên, các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân.

5- Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết ở các ngành và địa phương; kịp thời phát hiện, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

T/M TỈNH ỦY

 BÍ THƯ

(đã ký)

Phan Văn Sáu

____________________


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710272