Truy cập hiện tại

Đang có 107 khách và không thành viên đang online

Huyện Chợ Mới 105 năm thành lập và phát triển (1917 - 2022)

(TUAG)- Chợ Mới là vùng đất khai phá và định cư đầu tiên ở An Giang, vì từ trước năm 1699, Cù lao Giêng ngày nay đã có quân binh của chúa Nguyễn đóng đồn trấn giữ, bảo vệ lưu dân người Việt làm ăn sinh sống. Tháng 11/1699 Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn đem quân vào dẹp loạn Nặc Thu bảo vệ lưu dân người Việt cuộc dẹp loạn đến mùa hè năm 1700 giành thắng lợi. Đại Nam Thực Lục ghi: “Tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu Cảnh báo tin thắng trận rồi lui quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới”. Sách Gia Định thành thông chí cũng ghi lại sự kiện này và nói rõ hơn chỗ đóng quân của Nguyễn Hữu Cảnh: “Đến tháng 4 Nặc Thu đến cửa quân chịu tội. Lễ công mở thành vỗ về yên ủi, cho Nặc Thu về La Bích… Lễ công đem quân về bãi Cây Sao (bãi này trước nhiều gỗ sao tức là bãi Ông Chưởng bây giờ) báo tin thắng trận đợi lệnh”. Như vậy Lao Đôi, bãi Cây Sao, bãi Ông Chưởng chính là Cù lao Ông Chưởng Chợ Mới ngày nay.

Năm 1700 dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn, cư dân Việt chính thức là chủ nhân khai phá và khai thác vùng đất Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới. Sau năm 1700, lưu dân Việt từ miền Trung, từ hai huyện Phước Long và Tân Bình tiếp tục di cư vào đây, mang theo mô hình quản lý xã hội từ họ, vì thế tổ chức xã hội tự quản ở Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới hình thành bộ máy quản lý xã hội. Năm 1732 chúa Nguyễn Phúc Chu lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, sát nhập vùng đất ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long vào Đại Việt. Vùng Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới được chính quyền chúa Nguyễn quản lý hậu thuẫn.



Năm 1884, sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng hoàn toàn, thực dân Pháp nhanh chóng thiết lập chế độ cai trị trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Năm 1887, tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, chia đặt lại các vùng lãnh thổ gắn với bộ máy cai trị vừa thiết lập. Nước ta bị chia thành 3 xứ với 3 chế độ khác nhau. Nam Kỳ lục tỉnh là chế độ thuộc địa, do một thống đốc đứng đầu. Đầu năm 1917, Nghị định của toàn quyền Đông Dương thành lập 3 trung tâm hành chính trực thuộc tỉnh Long Xuyên (Chợ Mới; Châu Thành; Thốt Nốt). Đây được coi là cột mốc thành lập huyện Chợ Mới (theo sách Cù lao Ông chưởng - Chợ Mới 320 năm hình thành và phát triển - xuất bản tháng 7 năm 2022)1.

Như vậy Huyện Chợ Mới được thành lập và là một trong ba khu trung tâm hành chính cấp quận trực thuộc tỉnh Long Xuyên theo phân cấp quản lý của chính quyền thực dân. Tên gọi Chợ Mới có nhiều cách lý giải khác nhau, song cách lý giải được nhiều người đồng tình hơn hết là khoảng năm 1876 ở làng Long Điền có chợ Ông Chưởng - một trong bảy chợ lớn của tỉnh Long Xuyên. Về sau, thực dân Pháp cho xây dựng chợ mới khá bề thế tại vị trí phía trước một ngôi miếu cổ để thay thế chợ Ông Chưởng. Nhà lồng chợ mới làm bằng gỗ dầu, lợp ngói, đầu nhà lồng chợ gắn bảng chữ in hoa “CHỢ MỚI”, từ đó người dân quen gọi chợ mới để phân biệt với chợ cũ. Khi thực dân Pháp thành lập đơn vị hành chính cấp quận cũng lấy tên “Chợ Mới” để làm danh xưng. Tên gọi quận (huyện) Chợ Mới tồn tại từ đó.
Huyện Chợ Mới khi thành lập có phạm vi lớn hơn so với ngày nay, gồm 3 tổng (Tổng An Bình, Định Hòa và Phong Thạnh Thượng) với 20 làng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng phân chia quản lý theo địa giới hành chính của chính quyền thực dân nhưng bỏ cấp tổng, bỏ danh xưng “quận” gọi là “huyện”, huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên.

Tháng 3/1948 thực hiện Chỉ thị 50-CT của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ: 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc sắp xếp lại địa giới hành chính để thành lập 2 tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Long Châu Tiền. Đến tháng 6/1951, tỉnh Sa Đéc sáp nhập với tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa, huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Long Châu Sa.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định giải thể các tỉnh Long Châu Sa, Long Châu Hà, thành lập lại các tỉnh Long Xuyên, Chấu Đốc, Sa Đéc, Hà Tiên. Huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên.

Giữa năm 1957, Xứ ủy Nam Bộ nhập Long Xuyên và Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Huyện Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang. Tháng 12/1965 huyện Chợ Mới được giao về tỉnh Kiến Phong; đến tháng 6/1974 giao về tỉnh Sa Đéc. Tháng 2/1976, lại trở về thuộc tỉnh An Giang cho đến ngày nay.

Chợ Mới là huyện cù lao, huyện lỵ bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu cách trung tâm tỉnh lỵ - thành phố Long Xuyên 29 km theo tỉnh lộ 944, diện tích tự nhiên 354,9 km2. Cơ cấu hành chính huyện có 16 xã, 2 thị trấn với 142 ấp; dân số 344.175 người phía Bắc giáp huyện Thanh Bình (Đồng Tháp); phía Nam giáp thành phố Long Xuyên; phía Đông và Đông Nam giáp Cao Lãnh và Lấp Vò (Đồng Tháp); phía Tây và Tây Bắc giáp các huyện Châu Thành và Phú Tân.

Chợ Mới là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, khi thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta, nơi đây đã nổ ra các phong trào chống Pháp với mức độ, sắc thái khác nhau. Ngay sau khi Đảng ra đời ngày 03/2/1930, nhiều cán bộ của Đảng được cử về nước xây dựng tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương Chợ Mới.

Tháng 4/1930 chi bộ Long Điền (Chợ Mới) được thành lập, gồm các đồng chí đảng viên: Lưu Kim Phong, Đoàn Thanh Thủy, Bùi Trung Phẩm. Đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Chợ Mới cũng là chi bộ đầu tiên của cả vùng Long Xuyên - Châu Đốc lúc bấy giờ. Chợ Mới là một trong nhiều địa phương đầu tiên ở Nam Bộ đã phất lên lá cờ đỏ búa liềm, được treo trên đỉnh cao Cột Dây Thép (Long Điền) nhân dịp chào mừng Đảng ta ra đời, sau đó khu vực Cột Dây Thép (Long Điền) còn là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình sôi sục của Nhân dân một lòng đi theo Đảng, góp công, góp sức cùng các địa phương khác trong toàn quốc tạo nên bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Trong suốt 45 năm (1930 - 1975) có những lúc Chợ Mới phải trãi qua những thời kỳ khó khăn đen tối, phong trào cách mạng bị địch khủng bố nặng nề, cơ sở cách mạng tiêu hao, lực lượng cán bộ, đảng viên mất mát, có những vùng hoàn toàn trở thành trắng, có những cuộc khởi nghĩa đấu tranh sau đó nhiều lần Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, nhiều đồng chí cộng sản hy sinh kiên cường, bất khuất để gầy dựng lực lượng cách mạng, củng cố tổ chức đảng.

Chợ Mới luôn luôn đi đầu trong việc xây dựng tổ chức cách mạng, đi đầu trong khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, làm lực lượng nòng cốt cướp chính quyền toàn tỉnh. Nhân dân Chợ Mới hăng hái đóng góp cho cách mạng, giữ vững thành quả cách mạng cho địa phương. Dù trong điều kiện của một địa bàn bị kiềm kẹp chặt, cả một hệ thống chi khu, đồn, bót, cảnh sát… và bọn phản động đội lốt tôn giáo, sống bên địch. Trong vòng vây của kẻ thù, nhưng suốt 45 năm (1930 - 1975) Chợ Mới phong trào cách mạng chưa bao giờ bị dập tắt, quần chúng nhân dân luôn tin tưởng Đảng, thương Đảng, thương cách mạng như thương cuộc đời nghèo khổ của mình, luôn luôn đùm bọc, tin yêu, theo Đảng và làm theo lời Đảng gọi đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng (riêng huyện Chợ Mới đến ngày 06/5/1975 hoàn toàn giải phóng).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất lúa một vụ, lực lượng lao động dư thừa nên nhiều người dân chưa có việc làm ổn định. Hệ thống cầu, đường xuống cấp, kênh rạch bị bồi lắng, việc đi lại và sinh hoạt của Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân lao động còn thấp, cả huyện chỉ có 2 trường trung học phổ thông, một số xã không có trạm y tế. Mặt khác vào năm 1978 và nhiều năm tiếp theo lũ lụt đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, làm tiêu hao sức người và sức của Nhân dân. Nói chung cái ăn, cái ở, việc học hành đi lại và vui chơi giải trí của Nhân dân thiếu thốn, khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn trên, với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và cần cù, sáng tạo. Đảng bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới trong 47 năm (1975 - 2022) qua đã chủ động tiến hành xây dựng cơ bản hoàn thành hệ thống thủy lợi, quy hoạch đê bao chống lũ, theo từng tiểu vùng, chủ động tưới tiêu, nâng diện tích đất sản xuất lên 3 vòng/năm, từ sản xuất lúa 1 vụ lên sản xuất lúa 3 vụ, đáp ứng nhu cầu lương thực cho tỉnh, huyện. Có thể nói mô hình đê bao khép kín, kết hợp với hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, với việc thực hiện nhựa hóa lộ giao thông nông thôn và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa là nét đặc trưng nổi bật thời bấy giờ. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là thế mạnh thứ hai của huyện, các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống của huyện được mở rộng giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Thành tựu nổi bật hiện nay là kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới tiếp tục phát triển; thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí nông thôn mới là 54.970.000 đồng/người/năm. Sản xuất đạt 6,43 tấn/ha; giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 125.410.000 đồng/ha. Có 13 làng nghề truyền thống, 5 cụm công nghiệp được quy hoạch và đang mời gọi đầu tư; có 44/90 trường học đạt chuẩn quốc gia; có 87 bác sĩ đạt 2,8 bác sĩ/10.000 dân. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển (1 bệnh viện huyện, 1 phòng khám khu vực, 18 trạm y tế). Có 13/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao) và thị trấn Chợ Mới đạt đô thị loại 4, thị trấn Mỹ Luông và xã Hội An đạt đô thị loại 5. Được tỉnh phê duyệt đề án “Xây dựng huyện Chợ Mới đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025”2.

Với thành tích đạt được trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Huyện Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới cho Nhân dân và Đảng bộ huyện Chợ Mới.

Tự hào những thành tựu đạt được trong 105 năm thành lập và phát triển. Đảng bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết sáng tạo, xây dựng quê hương Chợ Mới giàu đẹp với 3 mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới là xây dựng huyện đạt nông thôn mới (2022 - 2025); xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch; xây dựng nâng cấp đô thị, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông, Hội An. Đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Mới lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tạo tiền đề vật chất bước vào thế kỷ 21 với niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi trên con đường tiến lên CNXH - con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Chợ Mới 105 năm Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển.

Trần Phước Lĩnh
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới

____________
(1) Tài liệu tham khảo: Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới 320 năm , xuất bản tháng 7/2020
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713270