Truy cập hiện tại

Đang có 82 khách và không thành viên đang online

Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) lại xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam

Vẫn như hằng năm, ngày 19-6-2017, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình thường niên” về tình trạng nhân quyền thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Phúc trình năm nay dài 65 trang… được Hãng BBC rút “tít”: “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền” ở Việt Nam! Vậy Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) là gì? Nội dung, bản chất của “Phúc trình” năm nay có gì khác những năm trước?

Tổ chức theo dõi nhân quyền (tiếng Anh: Human Rights Watch- HRW) là một tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động về nhân quyền, có trụ sở tại Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở một số quốc gia. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch, thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc thực hiện hiệp ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và “hỗ trợ” các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này.

Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác đổi tên thành Human Rights Watch (HRW). Ra đời từ thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1989, 1991), có thể vì vậy cho đến nay tổ chức này vẫn giữ quan điểm kỳ thị đối với các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền, đặc biệt là Việt Nam. Hoạt động chính của HRW là: Kết nối giữa các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực “nhân quyền”; Lượm lặt/ sưu tập tài liệu, soạn thảo Phúc trình thường niên, đồng thời mặc nhiên cung cấp thông tin cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo “Phúc trình Nhân quyền và Phúc trình Tôn giáo thế giới hằng năm; Cổ vũ cho cá nhân “đấu tranh cho nhân quyền” bằng hình thức trao giải thưởng nhân quyền. Mục tiêu của HRW là dùng vấn đề nhân quyền làm suy yếu, thúc đẩy các chế độ xã hội do các Đảng Cộng sản lãnh đạo và các chế độ xã hội khác chuyển sang chế độ xã hội “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” kiểu phương Tây.


 Ảnh minh họa/nguồn internet.

Phúc trình thường niên năm nay (về tình hình nhân quyền năm 2016), ngày 19-6-2017, phần viết về Việt Nam, bản chất vẫn không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Các nhà vận động dân chủ, blogger hoạt động vì nhân quyền” bị bắt bớ, bỏ tù, bị côn đồ đánh đập “chỉ vì họ thực thi các quyền cơ bản của mình” (!).

Phúc trình năm nay, HRW tập trung vào bao che, chạy tội cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, nhất là blogger, sử dụng internet-facebook… và có thêm những kẻ lợi dụng bảo vệ môi trường để phá hoại an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Chẳng hạn, HRW viết: Việt Nam “kiểm duyệt báo chí, internet gắt gao”, bắt nhiều người “bất đồng chính kiến”, các cựu “tù nhân lương tâm”, blogger, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) ở Nha Trang, Khánh Hòa, tháng 10-2016. Hoặc bắt Hoàng Đức Bình-người đấu tranh bảo vệ môi trường, đòi Formosa bồi thường cho người dân ở Diễn Châu, Nghệ An, tháng 5-2017.

Cuối cùng HRW viết “yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng được gọi là “hành hung những người đấu tranh cho nhân quyền”; “Quốc hội Việt Nam cần hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội dung “mơ hồ”, hình sự hóa hành vi “bất đồng chính kiến ôn hòa” với các tội danh về an ninh quốc gia được định nghĩa không chính xác”. Và “kêu gọi Việt Nam chấm dứt chế độ độc đảng” (!).

Trước hết về cơ sở dữ liệu. Như chính Phúc trình viết và Người phát ngôn của HRW nói khi công bố: Phúc trình dựa trên “Tin tức trên báo chí nước ngoài, như Đài Á châu Tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài BBC, Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn (SBTN), các mạng xã hội như facebook và youtube, các trang mạng độc lập về chính trị như: Dân làm báo, Dân luận, Việt Nam Thời báo, Tin mừng cho người nghèo, Defend the Defenders và các blog cá nhân”. Như vậy có thể nói, Phúc trình hoàn toàn không dựa vào một nguồn tin chính thức nào của cơ quan, tổ chức Nhà nước Việt Nam, kể cả báo chí Việt Nam. Họ cũng không dựa trên bất cứ nguồn tin nào của các tổ chức của Liên hợp quốc, như UNDP, UNESCO, Hội đồng nhân quyền… hoặc của các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB… mà đều dựa trên những nguồn tin mạng vốn kỳ thị với các chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thậm chí cả những “blogger cá nhân”.

Về các thông tin trên internet, không phải chỉ cán bộ, công chức mà các bậc phụ huynh ngày nay vẫn phải khuyên con em mình phải cẩn trọng với thông tin mạng, thế nhưng HRW thì khác, với họ đây lại là nguồn thông tin chính, chủ yếu cho Phúc trình, thử hỏi như vậy HRW có trách nhiệm với xã hội và người dân không?

Về mặt pháp lý, HRW chỉ dựa vào khái niệm “nhân quyền” một cách trừu tượng (như quyền tự do ngôn luận báo chí, internet, quyền lập hội và hội họp hòa bình…) mà không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng quyền của mỗi người chỉ có thể được bảo vệ, bảo đảm bởi pháp luật và các cơ quan tổ chức quốc gia. HRW cũng cố tình không hiểu rằng nhiều quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hội họp… (trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, 1966) đều bị hạn chế nhất định. Điều 19 (Quy định về quyền tự do ngôn luận): “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2… kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội".

Những quyền trên trong Hiến pháp 2013 cũng quy định như vậy.

Những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet bị cơ quan chức năng bắt giữ, xét xử cầm tù mà Phúc trình, HRW đưa ra đã vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là vi phạm an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng.

Nhân đây, xin được chia sẻ với những người soạn thảo Phúc trình 2016 của HRW rằng, hiện nay, Việt Nam có tới 35 triệu người dùng facebook hoạt động hằng tháng, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số tại Việt Nam (92 triệu người) sở hữu tài khoản facebook. Trong số đó, 21 triệu người dùng facebook tại Việt Nam truy cập hằng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động… cho nên không thể nói ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, báo chí. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước Việt Nam còn khuyến khích báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Về quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tham nhũng, lợi ích nhóm, mọi người còn nhớ, từ bài báo “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó chủ tịch Hậu Giang”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan Đảng và Nhà nước vào cuộc, dẫn đến phát hiện Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ cao cấp của Nhà nước bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố trước pháp luật và đang bị truy nã quốc tế…

Về lập luận mà HRW bao che cho những kẻ vi phạm pháp luật rằng  “họ hoạt động “ôn hòa” và chỉ làm những điều thuộc về “quyền (QCN) của họ”! Đây lại là một nhận thức ấu trĩ về pháp luật. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới không xem hoạt động “ôn hòa” hay bạo lực là tiêu chí để xác định tội phạm, mà căn cứ vào tất cả các hành vi (“ôn hòa”, “bất bạo động” hay bạo lực) liên quan đến lợi ích của quốc gia dân tộc và các chủ thể khác làm tiêu chí. Tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999 (sửa đổi): “Là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, chẳng hạn như “xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức…” (Điều 8 Bộ luật Hình sự).

Về mặt chính trị, Phúc trình năm 2016 của HRW vẫn phạm sai lầm nghiêm trọng, đó là có hành vi xúc phạm thô bạo vào chủ quyền quốc gia của Việt Nam:

Căn cứ vào đâu mà HRW “Yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng được gọi là “hành hung những người đấu tranh cho nhân quyền”. HRW lấy tư cách gì để yêu cầu “Quốc hội Việt Nam cần hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội dung hình sự hóa hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa với các tội danh về an ninh quốc gia được định nghĩa không chính xác”.

Còn nhớ trong nhiều Phúc trình trước đây, tổ chức này còn kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chế độ “độc đảng” thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”…

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là quan điểm, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện trong những thành quả lớn lao, nhất là trong công cuộc Đổi mới: Đó là sự hoàn thiện hệ thống pháp luật đến bảo đảm thực tế các quyền từ dân sự, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Cho đến nay Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có “Công ước chống tra tấn” (CAT). Đồng thời Nhà nước ta đã nội luật hóa các công ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia. Những thành tựu nói trên đã được cộng đồng quốc tế đánh đánh giá cao. Còn nhớ, năm 2013 với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Nói tóm lại, “Phúc trình” của HRW năm 2016, vừa công bố hoàn toàn không có giá trị vì nó không dựa trên cơ sở dự liệu đúng đắn, khách quan; Về quan điểm chính trị, HRW vẫn bám giữ quan điểm cổ hủ kỳ thị với chế độ XHCN, với Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Phúc trình năm 2016 vừa công bố đã đi ngược lợi ích của nhân dân Việt Nam và lợi ích của Hoa Kỳ (nơi “đứng chân” của HRW).
BẮC HÀ/QĐNDVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40063305