Truy cập hiện tại

Đang có 143 khách và không thành viên đang online

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2015-2020

Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020”

(TGAG)- Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đánh giá: Năm năm qua, cùng với khó khăn chung của cả nước, kinh tế An Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và sự nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước vượt qua thách thức và duy trì sự phát triển ổn định.

 
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 cho thấy còn một số chỉ tiêu của Nghị quyết thực hiện không đạt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với 5 năm trước. Một số lĩnh vực, tỉnh ta đang tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp còn chậm. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh kém, chưa xây dựng được thương hiệu. Khoa học công nghệ chưa được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực sản xuất. Công nghiệp chậm phát triển. Dịch vụ, du lịch chưa khai thác hết thế mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Môi trường đầu tư kém hấp dẫn, chưa huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Công tác xã hội hóa, việc đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, dịch vụ công còn chậm. Thiếu cơ chế, chính sách để nhân rộng những mô hình có hiệu quả....

Do đó, để khắc phục những khó khăn, hạn chế và để định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà được lâu dài, bền vững, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung trong giai đoạn 2015-2020 là phải “Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”.

Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả Đề án “Liên kết vùng đồng bằng Sông Cửu Long phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân”. Tập trung 04 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, trong đó, cấu trúc lại cây lúa, con cá để thích ứng với thị trường. Xây dựng trung tâm giống lúa, cá, rau màu tầm khu vực. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.

Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, khu (vùng) nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp - nông nghiệp hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín. Hoàn thiện, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (chiều dọc và ngang) để có mối liên kết bền vững; nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” trên nhiều sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là chính sách về cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ và thị trường; ưu đãi đối với tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản, dược liệu; khuyến khích phát triển các loại hình công nghiệp chế biến có hàm lượng khoa học, công nghệ nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống ở các địa phương. Đề xuất Trung ương cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng trung tâm chế biến khí tại tỉnh để cung cấp cho vùng và cả khu vực.

Rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng nguồn lực cho Quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp theo chuẩn toàn cầu hóa, phấn đấu hình thành một số doanh nghiệp lớn, có khả năng vươn ra thị trường quốc tế với vai trò đầu tàu, dẫn dắt, đặt hàng cho sản xuất nông sản và thủy sản. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Có chính sách và hỗ trợ về kiến thức giúp các doanh nghiệp chủ động nắm bắt, hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới mô hình quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu cạnh tranh có hiệu quả khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Có giải pháp đột phá huy động các nguồn lực đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

_______________
Biên soạn theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa IX, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39926632