Truy cập hiện tại

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Lấy dân làm gốc

Tháng 5 này, trong mỗi người dân Việt Nam yêu nước, thương nòi lại dâng trào niềm bồi hồi, thương nhớ đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta. Còn vang mãi trong ta những lời Bác ghi trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng từ lúc bị tù đày, gian nan bao chặng, đến khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, Bác ngày đêm chỉ canh cánh bên lòng lo cho nước độc lập, dân tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành!

Có bao mẩu chuyện làm chúng ta rơi lệ. Ấy là vào năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền bắc, Bác vẫn xuống thăm tỉnh Thái Bình, nơi đang phát triển phong trào xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”. Sau mùa gặt, lãnh đạo tỉnh gửi biếu Bác mấy cân gạo ngon; Bác cảm ơn và không quên dặn đồng chí thư ký Vũ Kỳ: “Chú nhớ trả tiền gạo cho Thái Bình theo giá ở chợ”. Lát sau, Bác lại nói thêm: “Không lao động mà ăn của biếu xén cũng là tham ô đấy các chú ạ”. Một lần Bác đi thăm nhân dân Hà Tây đang đắp đê quai chống lụt, đúng lúc trời đổ mưa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị Bác lui lại để tránh mưa, nhưng Bác nhắc: “Mưa cũng đi. Đừng để dân đợi”.
Chiều 30 Tết hằng năm, Bác thường đi thăm một số gia đình trí thức, công nhân, dân nghèo, quân đội... ở thủ đô. Sau khi thăm một số gia đình ở khu lao động, Bác dặn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng cần hỗ trợ giúp bà con nghèo vui Tết. Đi trên đường gặp nhiều hố cá nhân tránh bom đạn Mỹ, Bác nhắc: “Hố phải có nắp, không thì đêm hôm dân đi lại ngã gãy chân, vỡ đầu; lúc bom đạn cũng che được mảnh”. Khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lên tới đỉnh cao, nhiều người khuyên Bác rời Hà Nội đi sơ tán, Bác nói: “Thế còn dân? Chẳng lẽ mình bỏ dân đi sơ tán à”. Trong câu chuyện thường ngày, Bác luôn trăn trở: “Nông dân là những người chịu thiệt thòi nhất trong chiến tranh”. Chính vì vậy, Bác đã di chúc miễn thuế cho nông dân, giảm bớt gánh nặng chiến tranh cho đồng bào.

Trong chỉ đạo, Bác không chỉ nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình, mà còn dành thời gian đi thực tế xuống cơ sở. Một lần cùng đi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm một tỉnh nông nghiệp, phát hiện trước đó lãnh đạo địa phương đã cho dân cắt hết những bông lúa lép, Bác nói với Thủ tướng: “Họ sợ bị phê bình nên mới làm như thế”. Nhiều lần, Bác lưu ý các đồng chí lãnh đạo: “Nếu đi thăm dân, làm việc gì chỉ để quay phim, chụp ảnh thì sao hiểu được thực tế đời sống của nhân dân?”. Hơn ai hết, Bác thấu hiểu sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Nói chuyện với ngành Công an nhân dân, Bác chỉ rõ: “Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai, mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được...”. Bác nhắc lại điều tổng kết quý báu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình:

Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Thấm nhuần sâu sắc những lời dạy quý báu ấy, Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) mới đây, đặc biệt là Nhà nước ta trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sau khi khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhấn mạnh một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng là xây dựng mối liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình...

Mới hay, bốn chữ “lấy dân làm gốc”, không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu sâu lời Bác dạy. Điều mà đông đảo nhân dân đang mong là từ nhận thức đúng, mỗi cán bộ, đảng viên cần hành động đúng và có hiệu quả qua mỗi việc làm cụ thể!

HỒNG VINH/Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40142599