Nam Kỳ khởi nghĩa, diễn biến và bài học rút ra
- Được đăng: Thứ sáu, 23 Tháng 11 2018 13:55
- Lượt xem: 6320
(TGAG)- Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức đem quân xâm lược Ba Lan mở đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần 2. Sau khi thôn tính Ba Lan, Đức tiếp tục chiếm các nước Bắc Âu; tấn công Pháp, cuối tháng 6/1940 Pháp đầu hàng. Nhân cơ hội này, tháng 9/1940, phát xít Nhật chiếm Đông Dương từ tay Pháp. Từ đây, nước ta bị hai thế lực cùng thống trị là thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân miền Nam chống phát xít Nhật và thực dân Pháp, do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo.
Từ tháng 8/1936, Trung ương Đảng về đóng tại Sài Gòn. Tư tưởng chiến lược lớn của Hội nghị Trung ương VI (tháng 11/1939) là làm “cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức “bạo động” được đồng chí Võ Văn Tần, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ tiếp thu và xây dựng đề cương thực hiện từ tháng 3/1940, được Thường vụ Trung ương Phan Đăng Lưu góp ý kiến và trực tiếp tham gia Hội nghị Xứ ủy triển khai.
Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt. Đồng chí Tạ Uyên thay Võ Văn Tần đã triệu tập Hội nghị toàn xứ từ ngày 21 đến 27/7/1940 tại Tân Hương (Mỹ Tho), với sự tham dự 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh thuộc Nam Kỳ. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình thế giới và trong nước, đánh giá tình hình địch và lực lượng của ta cho thấy tình hình quần chúng rất khẩn trương, tình thế cách mạng đã đến gần và đề ra những công việc cần kíp phải làm (kiện toàn cơ quan lãnh đạo, từ Xứ tới quận; phát triển mạnh các đoàn thể quần chúng tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế toàn xứ; tổ chức lực lượng du kích, mua sắm thêm vũ khí và luyện tập quân sự, đẩy mạnh công tác binh vận…).
Sau hơn 1 tháng các địa phương tiến hành chuẩn bị cho khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo ngày 4/9/1940 đối với thời cuộc hiện tại. Nội dung của Thông cáo cho thấy Xứ ủy chủ trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa vào lúc phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, đây là nhiệm vụ rất cấp bách.
Sau đó, Xứ ủy họp đại biểu toàn xứ tại xã Tân Xuân (Hóc Môn) từ ngày 21-23/9/1940, vạch rõ cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra 2 tháng sau đó và thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn được chọn làm trọng điểm, là nơi phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn Nam Kỳ. Sau Hội nghị Tân Xuân 10 ngày, Ban Thường vụ Xứ ủy lại họp để uốn nắn những sai lầm, lệch lạc về tư tưởng và hành động xuất hiện trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa và nhắc thêm một số việc chưa đề cập tới trong Hội nghị Tân Xuân, như: Uốn nắn những lệch “tả” và “hữu”; Nhắc nhở công tác bí mật để đối phó với chính sách khủng bố thực đân Pháp; Nhắc nhở công tác tuyên truyền và vấn đề lạc quyên để có điều kiện hoạt động; Cuối cùng là vấn đề cờ đỏ sao vàng 5 cánh được phất cao trong khởi nghĩa và thành lập chính phủ lâm thời cách mạng sau khi khởi nghĩa thành công - Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, đồng chí Phan Đăng Lưu đi ra Bắc để bàn với Đảng bộ Trung Kỳ và Đảng bộ Bắc Kỳ phối hợp hành động với Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 15/11/1940, Xứ ủy họp, Phan Đăng Lưu đi Bắc chưa về, Thường vụ Xứ ủy nhất trí quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11, Thường vụ Xứ ủy phát lệnh thông báo cho các cấp cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940.
Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã tích cực chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng do không giữ được bí mật thời điểm khởi nghĩa, cuộc khởi nghĩa không nổ ra. Ngày 22/11/1940, thực dân Pháp quyết tâm ngăn chặn cuộc khởi nghĩa. 12 giờ trưa trên đường nhận lệnh khởi nghĩa, Bí thư thành ủy Nguyễn Như Hạnh bị mật thám vây bắt. Từ đó, chúng vây bắt được Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên, Trưởng ban khởi nghĩa thành. Sau đó, chúng bắt được đồng chí Phan Đăng Lưu, vừa đi ra Bắc trở vào, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương yêu cầu hoãn lại cuộc khởi nghĩa. Mặt khác, ta đã sơ hở để kẻ địch đã chui sâu vào lực lượng của ta (như tên Nguyễn Văn Cự, bí danh Tư Chà, Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên(*).
Tuy nhiên, cuộc khơi nghĩa vẫn nổ ra ở 20 tỉnh, với 56/75 quận thực hiện chuẩn bị nổi dậy, trong đó 38 quận có hoạt động khởi nghĩa và ta đã làm chủ 2 quận: quận Vũng Liêm (Vĩnh Long) và quận Hóc Môn (Gia Định). Tại một số quận thuộc các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long… hầu như tất cả các làng trong quận đều khởi nghĩa, làm cho chính quyền của thực dân ở những nơi đó hoang mang tan rã.
Riêng tỉnh Mỹ Tho, ta chưa giành được quyền làm chủ ở tỉnh lỵ, nhưng chính quyền cách mạng tỉnh đã ra mắt ở Long Hưng (quận Châu Thành), đã lập tòa án cách mạng để xét xử những kẻ chống phá cách mạng. Ở Cái Ngang (quận Tam Bình, Vĩnh Long), nghĩa quân làm chủ tới 12 ngày…
Nhưng sự thiệt hại về tinh thần của thực dân Pháp mới thật nặng nề. Thực dân Pháp bị hầu hết dân ta vô cùng căm thù và oán ghét vì đã dùng công cụ bạo lực và quân đội chính qui với vũ khí hiện đại đàn áp tàn bạo. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy thất bại và bị dìm trong biển máu, nhưng không làm cho dân ta nhụt chí đấu tranh, rèn luyện thêm tinh thần chiến đấu, chờ thời cơ vùng dậy giành độc lập tự do cho đất nước và dân tộc.
Từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
1- Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra khi tình thế cách mạng đã xuất hiện nhưng chưa chín muồi cho một tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước hoặc cả Nam Kỳ. Mâu thuẫn của đế quốc dẫn tới xung đột, nhưng chúng vẫn còn mạnh và còn dễ dàng dàn xếp với nhau.
2- Chủ trương chọn Sài Gòn – Chợ Lớn làm nơi phát lệnh và đóng vai trò quyết định trong cuộc tổng khởi nghĩa. Thực tế, cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra mạnh ở vùng nông thôn.
3- Quyết tâm phát lệnh khởi nghĩa nhưng chủ quan đơn giản, chỉ có một phương án, thiếu phương án dự phòng để duy trì cuộc nổi dậy lâu dài, chờ thời cơ.
4- Thiếu cảnh giác cách mạng để cho kẻ địch chui vào hàng ngũ của ta, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ./.
----------------
(*) Tên Tư Chà là lính kín chui vào hàng ngũ ta. Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, hắn ém lại để báo cho địch có thời gian đối phố, cho nên Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Long Xuyên trễ 7 ngày.
ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh
Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân miền Nam chống phát xít Nhật và thực dân Pháp, do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo.
Từ tháng 8/1936, Trung ương Đảng về đóng tại Sài Gòn. Tư tưởng chiến lược lớn của Hội nghị Trung ương VI (tháng 11/1939) là làm “cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức “bạo động” được đồng chí Võ Văn Tần, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ tiếp thu và xây dựng đề cương thực hiện từ tháng 3/1940, được Thường vụ Trung ương Phan Đăng Lưu góp ý kiến và trực tiếp tham gia Hội nghị Xứ ủy triển khai.
Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt. Đồng chí Tạ Uyên thay Võ Văn Tần đã triệu tập Hội nghị toàn xứ từ ngày 21 đến 27/7/1940 tại Tân Hương (Mỹ Tho), với sự tham dự 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh thuộc Nam Kỳ. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình thế giới và trong nước, đánh giá tình hình địch và lực lượng của ta cho thấy tình hình quần chúng rất khẩn trương, tình thế cách mạng đã đến gần và đề ra những công việc cần kíp phải làm (kiện toàn cơ quan lãnh đạo, từ Xứ tới quận; phát triển mạnh các đoàn thể quần chúng tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế toàn xứ; tổ chức lực lượng du kích, mua sắm thêm vũ khí và luyện tập quân sự, đẩy mạnh công tác binh vận…).
Sau hơn 1 tháng các địa phương tiến hành chuẩn bị cho khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo ngày 4/9/1940 đối với thời cuộc hiện tại. Nội dung của Thông cáo cho thấy Xứ ủy chủ trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa vào lúc phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, đây là nhiệm vụ rất cấp bách.
Sau đó, Xứ ủy họp đại biểu toàn xứ tại xã Tân Xuân (Hóc Môn) từ ngày 21-23/9/1940, vạch rõ cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra 2 tháng sau đó và thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn được chọn làm trọng điểm, là nơi phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn Nam Kỳ. Sau Hội nghị Tân Xuân 10 ngày, Ban Thường vụ Xứ ủy lại họp để uốn nắn những sai lầm, lệch lạc về tư tưởng và hành động xuất hiện trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa và nhắc thêm một số việc chưa đề cập tới trong Hội nghị Tân Xuân, như: Uốn nắn những lệch “tả” và “hữu”; Nhắc nhở công tác bí mật để đối phó với chính sách khủng bố thực đân Pháp; Nhắc nhở công tác tuyên truyền và vấn đề lạc quyên để có điều kiện hoạt động; Cuối cùng là vấn đề cờ đỏ sao vàng 5 cánh được phất cao trong khởi nghĩa và thành lập chính phủ lâm thời cách mạng sau khi khởi nghĩa thành công - Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, đồng chí Phan Đăng Lưu đi ra Bắc để bàn với Đảng bộ Trung Kỳ và Đảng bộ Bắc Kỳ phối hợp hành động với Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 15/11/1940, Xứ ủy họp, Phan Đăng Lưu đi Bắc chưa về, Thường vụ Xứ ủy nhất trí quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11, Thường vụ Xứ ủy phát lệnh thông báo cho các cấp cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940.
Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã tích cực chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng do không giữ được bí mật thời điểm khởi nghĩa, cuộc khởi nghĩa không nổ ra. Ngày 22/11/1940, thực dân Pháp quyết tâm ngăn chặn cuộc khởi nghĩa. 12 giờ trưa trên đường nhận lệnh khởi nghĩa, Bí thư thành ủy Nguyễn Như Hạnh bị mật thám vây bắt. Từ đó, chúng vây bắt được Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên, Trưởng ban khởi nghĩa thành. Sau đó, chúng bắt được đồng chí Phan Đăng Lưu, vừa đi ra Bắc trở vào, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương yêu cầu hoãn lại cuộc khởi nghĩa. Mặt khác, ta đã sơ hở để kẻ địch đã chui sâu vào lực lượng của ta (như tên Nguyễn Văn Cự, bí danh Tư Chà, Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên(*).
Tuy nhiên, cuộc khơi nghĩa vẫn nổ ra ở 20 tỉnh, với 56/75 quận thực hiện chuẩn bị nổi dậy, trong đó 38 quận có hoạt động khởi nghĩa và ta đã làm chủ 2 quận: quận Vũng Liêm (Vĩnh Long) và quận Hóc Môn (Gia Định). Tại một số quận thuộc các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long… hầu như tất cả các làng trong quận đều khởi nghĩa, làm cho chính quyền của thực dân ở những nơi đó hoang mang tan rã.
Riêng tỉnh Mỹ Tho, ta chưa giành được quyền làm chủ ở tỉnh lỵ, nhưng chính quyền cách mạng tỉnh đã ra mắt ở Long Hưng (quận Châu Thành), đã lập tòa án cách mạng để xét xử những kẻ chống phá cách mạng. Ở Cái Ngang (quận Tam Bình, Vĩnh Long), nghĩa quân làm chủ tới 12 ngày…
Nhưng sự thiệt hại về tinh thần của thực dân Pháp mới thật nặng nề. Thực dân Pháp bị hầu hết dân ta vô cùng căm thù và oán ghét vì đã dùng công cụ bạo lực và quân đội chính qui với vũ khí hiện đại đàn áp tàn bạo. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy thất bại và bị dìm trong biển máu, nhưng không làm cho dân ta nhụt chí đấu tranh, rèn luyện thêm tinh thần chiến đấu, chờ thời cơ vùng dậy giành độc lập tự do cho đất nước và dân tộc.
Từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
1- Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra khi tình thế cách mạng đã xuất hiện nhưng chưa chín muồi cho một tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước hoặc cả Nam Kỳ. Mâu thuẫn của đế quốc dẫn tới xung đột, nhưng chúng vẫn còn mạnh và còn dễ dàng dàn xếp với nhau.
2- Chủ trương chọn Sài Gòn – Chợ Lớn làm nơi phát lệnh và đóng vai trò quyết định trong cuộc tổng khởi nghĩa. Thực tế, cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra mạnh ở vùng nông thôn.
3- Quyết tâm phát lệnh khởi nghĩa nhưng chủ quan đơn giản, chỉ có một phương án, thiếu phương án dự phòng để duy trì cuộc nổi dậy lâu dài, chờ thời cơ.
4- Thiếu cảnh giác cách mạng để cho kẻ địch chui vào hàng ngũ của ta, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ./.
----------------
(*) Tên Tư Chà là lính kín chui vào hàng ngũ ta. Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, hắn ém lại để báo cho địch có thời gian đối phố, cho nên Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Long Xuyên trễ 7 ngày.
ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh