Truy cập hiện tại

Đang có 395 khách và không thành viên đang online

Quốc hội khóa VI hiện thực hóa đường lối của Đảng, xác định bản chất thể chế Nhà nước Việt Nam

(TGAG)-  Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối (30/4/1975), nhưng ở hai miền của nước ta vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Lúc bấy giờ, vấn đề cấp bách trước mắt mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau hội nghị hiệp thương chính trị tháng 11/1975, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã được tổ chức thành công, bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu.

Ngày 24/6/1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khóa VI) đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Ngày 02/7/1976, Quốc hội đã nhất trí thông qua các Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất, quy định “Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
 

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra (Ảnh tư liệu)

Quốc hội Khóa VI đặt tên nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể chế kịp thời đường lối chính trị của Đảng ta được xác định trong Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương (tháng 9/1975) “Về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó khẳng định “hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” và trong Báo cáo của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VI: “Ngày nay, Tổ quốc ta được hoàn toàn độc lập, đất nước sạch bóng quân xâm lược, non sông thu về một mối, thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội thống nhất làm một.

Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ thật sự và đầy đủ nhất... Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho Tổ quốc ta thống nhất đầy đủ nhất: thống nhất về lãnh thổ, thống nhất về chính trị và tinh thần, thống nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội, thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ, mọi người đoàn kết và thương yêu nhau một cách chân thành và thắm thiết.

Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, yêu nước ngày nay là yêu chủ nghĩa xã hội, là đem hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ và tài năng để xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị của Đảng: “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Tình hình năm 1976 có những thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến hậu quả của chiến tranh rất nặng nề, nhất là ở miền Nam qua nhiều thập kỷ Nhân dân phải sống trong cảnh bị xâm lược, bị kẻ thù tiến hành chiến tranh tâm lý, chưa hiểu rõ chủ nghĩa xã hội cũng như thể chế nhà nước ở miền Bắc. Việc lựa chọn thể chế nhà nước như thế nào sau khi thống nhất đất nước là câu hỏi đặt ra cho mỗi người dân, nhưng trước hết là ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong điều kiện chưa thể ban hành Hiến pháp mới, Quốc hội Khóa VI ra Nghị quyết đặt tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quyết định thể hiện ý chí của Nhân dân một cách quyền biến, mạnh mẽ, đột phá, khẳng định con đường đi lên của cách mạng trong thời kỳ mới, mở đường cho việc xây dựng thể chế nhà nước.

Từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VI đến nay, quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác định bản chất thể chế Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận vào các Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện...

Việc đặt tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện sự nhạy bén, kiên định, sáng suốt của các Đại biểu Quốc hội Khóa VI, đã hiện thực hóa đường lối của Đảng, xác định bản chất Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo ra động lực tinh thần to lớn, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong 40 năm qua./.

NGUYỄN THÀNH NHÂN
Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37042269