Truy cập hiện tại

Đang có 83 khách và không thành viên đang online

Đoàn 962 gắn với con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

(TGAG)- Mặc dù, hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ cấu kết với Pháp âm mưu chia cắt và xâm lược nước ta, chúng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Một lần nữa nhân dân ta, trước hết là nhân dân miền Nam, buộc phải cầm súng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhằm chi viện cho tiền tuyến, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương thành lập các đơn vị vận tải quân sự, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực vào miền Nam (cả trên bộ và trên biển).

 
Đầu năm 1961, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa chuẩn bị bến bãi và tổ chức tàu thuyền mở đường ra Bắc. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau thời gian ngắn các tỉnh đã chuẩn bị được 6 tàu và tiến hành thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Ngày 01/8/1961, tàu thứ nhất của Cà Mau do đồng chí Bông Văn Dĩa làm thuyền trưởng cùng với 7 đồng chí khác đã xuất phát từ rạch Cá Mòi (mũi Cà Mau), với phương tiện hàng hải hết sức thô sơ. Bằng sự mưu trí dũng cảm vượt qua sự phong tỏa, lùng sục của kẻ thù và vật lộn với sóng gió biển khơi, ngày 7/8/1961 sau 7 ngày tàu đã đến được cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình. Tiếp theo đó, các tàu của Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa cũng lần lượt xuất phát và đều đến được các điểm khác nhau trên miền Bắc. Trong đợt đi này, 6 thủy thủ của Trà Vinh đã đổi tên mình thành những tên: “Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi”. Đây vừa là khẩu hiệu hành động, vừa thể hiện quyết tâm và ý chí của những người mở đường ra Bắc.

Trong khi ở miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 đang tích cực chuẩn bị cho chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí chi viện cho chiến trường Nam bộ thì ở miền Nam, ngày 19/9/1962, tại xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, đồng chí Phạm Thái Bường -Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chính thức công bố quyết định thành lập Đoàn 962, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là xây dựng các bến bãi, kho tàng; đón nhận, cất giữ, vận chuyển và giao hàng cho các đơn vị thuộc chiến trường Nam bộ. Lực lượng được biên chế tương đương với 01 Sư đoàn. Địa bàn hoạt động của Đoàn là vùng duyên hải từ Cà Mau đến Bà Rịa. Ban chỉ huy gồm 7 đồng chí: do đồng chí Nguyễn Văn Phối (tức Ba Bổn) khu ủy viên Khu VIII được chỉ định làm Đoàn trưởng, kiêm chính ủy; các đồng chí Dương Quang Đông (tức Năm Dung) -Đoàn phó trực tiếp chỉ đạo bến Bà Rịa; Nguyễn Văn Sến -Phó chính ủy phụ trách bến Trà Vinh; Chung Thành Châu (tức Sáu Đoàn) -Đoàn phó kiêm chính ủy bến Cà Mau; đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mau) -Đoàn phó kiêm phó chỉ huy trưởng bến Cà Mau; đồng chí Nguyễn Văn Phán (Tư Đức) -Đoàn phó, kiêm chỉ huy trưởng bến Cà Mau và đồng chí Tư được làm Đoàn phó, tham mưu trưởng chỉ đạo Bến Tre.

Ngay sau khi thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, Đoàn đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt và tiến hành vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển.

Ở miền Bắc, sau thời gian gấp rút chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125; một tập thể cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất gồm: Lê Văn Một làm thuyền trưởng; Bông Văn Dĩa -Bí thư chi bộ, cùng các đồng chí Huỳnh Văn Sao, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Xuân Lai, Võ Tấn Thành, Ngô Văn Tân, Ngô Văn Nhum, Nguyễn Văn Luông, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Khương và Sáu Rô trên con tàu “Phương Đông 1” đã rời bến Đồ Sơn-Hải Phòng đêm 11/10/1962. Hơn một tuần hành trình vất vả, đêm 20/10/1962 tàu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã cập bến Vàm Lũng an toàn. Như vậy, tập thể thủy thủ tàu “Phương Đông 1” đã trở thành những người khai thông thắng lợi con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Tiếp theo đó, các tàu: “Phương Đông 2,3,4” cũng lần lượt cập bến Cà Mau an toàn. Tính trong bốn chuyến hàng của các con tàu “Phương Đông”, bến Cà Mau đã nhận được 111 tấn vũ khí. Ở các bến: Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa (từ tháng 3 đến tháng 10/1963) cũng đã đón nhận các tàu sắt của Đoàn 125 có trọng tải từ 80-100 tấn. Từ năm 1963-1966 và năm 1970-1971, cả ba bến liên tục tiếp nhận các tàu chở vũ khí của Đoàn 125.

Trong những tháng năm này Đoàn 962 là một đầu cầu lớn tiếp nhận sự chi viện vũ khí, trang bị từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những con tàu vượt biển Đông vận chuyển vũ khí đã khó nhưng việc tiếp nhận, cất giữ, bảo quản và chuyển vũ khí đến được các đơn vị trên chiến trường lại càng khó khăn gấp nhiều lần; phải trải qua rất nhiều công việc như: nạo vét luồng lạch, đón tàu vào, đưa tàu ra, ngụy trang bốc dỡ, việc gì cũng nặng nhọc khó khăn. Chính từ những khó khăn, hiểm nguy ấy, sự thông minh sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ đã không ngừng được phát huy cao độ. Chỉ bằng những cây đước bình thường, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã cẩu được những quả thủy lôi nặng trên một tấn từ hầm tàu sâu 3m để vận chuyển đến nơi khác giữa mênh mông sình lầy và cũng chính những quả thủy lôi đó đã đánh chìm tàu giặc trên các sông Lòng Tàu, Hàm Luông, Vàm Cỏ, góp phần làm nên chiến thắng của quân đội ta.

Kể từ khi thành lập đến năm 1971, Đoàn 962 đã đón, đưa 124 lượt chuyến tàu của Đoàn 125; bốc dỡ, cất giấu và vận chuyển ra chiến trường 6.545 tấn vũ khí. Số lượng tuy không nhiều so với một cuộc chiến tranh nhưng nó đã bổ sung kịp thời trong lúc quân và dân miền Nam đang thiếu vũ khí, trang bị để đánh giặc và cũng chính từ 6.545 tấn vũ khí ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Chà Là, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài và các chiến dịch khác, góp phần đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tạo ra những bước ngoặt để giành thắng lợi sau này.

Giữa năm 1971, do một số chuyến vận chuyển của ta bị lộ, địch phong tỏa gắt gao đường biển và các cửa sông nên việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng tàu sắt của Đoàn 125 không thực hiện nữa. Từ đây, Đoàn 962 ngừng công tác tiếp nhận để tổ chức thực hiện nhiệm vụ và phương thức vận chuyển mới, khai thông lại tuyến đường biển Bắc-Nam, vận chuyển hợp pháp bằng tàu hai đáy.

Ngày 27/7/1971, theo quyết định của trên Đoàn 950 được thành lập, lực lượng chủ yếu gồm những cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Đoàn 962 và Đoàn 125. Ban chỉ huy gồm: đồng chí Tư Mau -Đoàn trưởng, đồng chí Năm Rẫy -Chính ủy, đồng chí Ba Ẩn -Phó chính ủy, đồng chí Ba Thuận và đồng chí Bảy Cứng làm Phó đoàn trưởng. Phương châm hoạt động của Đoàn là “Khẩn trương, bí mật, vững chắc và đơn tuyến” trong điều kiện kẻ thù phong tỏa, ngăn chặn nhiều tầng, nhiều lớp, rình rập, lùng sục gắt gao. Và cũng trong điều kiện khắc nghiệt ấy, những tập thể cán bộ, chiến sĩ trung kiên của Đoàn, tên tuổi và việc làm của họ đã trở thành huyền thoại. Để che mắt địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí, đồng chí Tư Mau đã đóng vai là nhà tư sản, chủ công ty đánh cá Ngư Long, đã từng phẫu thuật, cải trang và thay tên đổi họ để tiếp tục hoạt động cho đến ngày toàn thắng. Sau khi thành lập (từ năm 1971 cho đến 1973 và từ tháng 01 đến tháng 4/1975), Đoàn 950 đã vận chuyển được 750 tấn vũ khí, cung cấp cho các lực lượng vũ trang Quân khu đánh bại chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của 75 tiểu đoàn ngụy và các trận lấn chiếm khác trước và sau Hiệp định Pari, phục vụ kịp thời cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt là mặt trận phía tây Sài Gòn.

Suốt chặng đường trên 13 năm, kể từ tháng 9/1962 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn 962 đã trực tiếp bốn lần mở đường ra Bắc, đón nhận và vận chuyển trên 7.000 tấn đạn dược, khí tài quân sự bảo vệ an toàn bến bãi, giữ vững mạnh huyết giao thông trên biển, trực tiếp chiến đấu 251 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 3.840 tên địch, bắt sống 285 tên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên khác. Bắn chìm và cháy 306 tàu chiến các loại trong đó có 11 tiểu pháo hạm, diệt 65 xe tăng, phá hủy 37 khẩu pháo; bắn rơi 18 máy bay, phá hủy tại sân bay 24 chiếc khác; tham gia giải phóng 11 đảo trên vùng biển Tây Nam. Ngoài ra còn đưa đón các đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng vào Nam, ra Bắc an toàn. Cũng chính trong những tháng năm lịch sử ấy, 162 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn được chính thức mang phiên hiệu Lữ đoàn 962 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Nhiệm vụ của Lữ đoàn hiện nay là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, phục vụ vận tải, phòng chống lụt bão, cứu hộ-cứu nạn.
Trãi qua 53 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với những chiến công hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, trong bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ Quốc tế và quá trình xây dựng đơn vị, Lữ đoàn 962 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (20/11/1976), 167 Huân chương các hạng; 3 Huân chương Quân công hạng Nhì; 169 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba. Đại đội 169 được tặng danh hiệu “Thành công”. Đại đội 273 được tặng danh hiệu “Mười năm vẻ vang”, 8 đồng chí: Phan Văn Nhờ, Bông Văn Dĩa, Nguyễn Đắc Thắng, Đinh Đức Dừa, Lê Văn Lòng, Chung Thành Châu... được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công, những kỳ tích, những sự kiện và những con người dám xả thân trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ gắn với con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” sẽ vẫn còn mãi. Nó sẽ luôn là động lực thúc đẩy, là nguồn cổ vũ, khích lệ để các thế hệ trẻ noi theo, tiếp tục phát huy truyền thống Lữ đoàn 962 Anh hùng./.     

Bài: THÀNH TÂM

Nguồn: Lịch sử Trung đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962), NXB Sự thật 2012.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39848526