Tăng cường công tác tham mưu của các cấp ủy về kinh tế - xã hội
- Được đăng: Chủ nhật, 18 Tháng 1 2015 13:19
- Lượt xem: 3851
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị công tác tham mưu về kinh tế - xã hội với sự tham dự của đại diện 63 tỉnh ủy, thành ủy. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tham mưu phục vụ cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ban đã chủ động, triển khai thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị chu đáo một số đề án, báo cáo quan trọng được Trung ương đánh giá tốt như: Tổng kết 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; Báo cáo Luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).
Ban Kinh tế Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng sắp tới, đặc biệt trong nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và vấn đề hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các báo cáo thẩm định của Ban có trọng tâm và trọng điểm, góp phần quan trọng giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan Đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh ủy, thành uỷ.
Công tác tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy đã bám sát vào việc triển khai các chủ trương lớn của Trung ương về thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời đẩy mạnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù của địa phương nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu về kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh ghi nhận những thành tích, cố gắng của Ban Kinh tế Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác tham mưu kinh tế - xã hội của Đảng ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện các nội dung của Văn kiện Đại hội XII về kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý Ban Kinh tế Trung ương tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng; việc thực hiện Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Thông báo Kết luận số 121-TB/TW của Bộ Chính trị về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025; Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020.
Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương cần tăng cường sự phối hợp với các tỉnh, thành ủy nhằm hoàn thành tốt công tác tham mưu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ. Tranh thủ trí tuệ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các đoàn thể, hiệp hội ngành hàng.
Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy tập trung tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2015 theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các Nghị quyết của Đảng bộ địa phương; xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ địa phương và góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng. Đồng thời phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan Đảng ở Trung ương trong việc triển khai thực hiện những đề án lớn về kinh tế - xã hội ở địa phương và kinh tế vùng; tham gia sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội.
Các tỉnh ủy, thành ủy chủ động báo cáo cung cấp thông tin về các điển hình, mô hình kinh tế có hiệu quả của địa phương cho Ban Kinh tế Trung ương để phổ biến kinh nghiệm, nhân điển hình cho cả nước, đồng thời cung cấp thông tin, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để Ban Kinh tế Trung ương kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, phối hợp với các ban, bộ, ngành tháo gỡ hoặc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết.
Lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy cần chú ý quan tâm đến việc nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, kết hợp chế độ cộng tác viên, chuyên gia trong công tác tham mưu về kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, Thường trực Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp và nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết./.
Nguồn: ĐCSVN