Truy cập hiện tại

Đang có 39 khách và không thành viên đang online

Suy nghĩ về trách nhiệm người đứng đầu

(TGAG)- Người đứng đầu của mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị có vai trò rất quan trọng, được ví như là đầu tàu kéo cả đoàn tàu cùng chuyển động. Mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị đều hoạt động theo luật pháp, điều lệ và những quy định chung. Ngoài ra, có thể có những quy định cụ thể riêng, phù hợp với thực tiễn. Người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất và có ảnh hưởng lớn nhất để thực thi những quy định ấy. Ở đâu, thời nào, tổ chức, địa phương, đơn vị nào người đứng đầu “có TÂM, có TÀI và có TẦM” thì ở đó, thời đó có niềm tin, kỷ cương, phát triển và ngược lại.

Thường thì ai cũng trưởng thành từ thấp lên cao, được “làm lính” rồi mới “làm quan”, có một quá trình học tập, trong đó có học tập những tấm gương đi trước, tích lũy, cải tiến, sáng tạo. Nhiều người đứng đầu đã dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, tạo ra những bước đột phá ngoạn mục; dân rất biết ơn và tự hào. Nhưng cũng có những kẻ đứng đầu chỉ biết “giữ ghế”, khai thác, phòng ngự, thậm chí kéo lùi lịch sử; dân mất niềm tin, oán trách...

Người đứng đầu được trang bị nhiều kiến thức, bằng cấp: lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ... Trong đó có những tấm bằng (chuyên tu, tại chức, nâng cao...) từ tiền của nhân dân mà có. Phần lớn người dân không mấy quan tâm đến lý luận về quản lý. Nhưng họ “bấm đốt ngón tay”, lần lại lịch sử: Quê ta, từ trước đến nay ông này thanh liêm, ông kia sâu mọt, ông này tận tụy, ông kia láo nháo... Đa phần người ta đều muốn quyền cao chức trọng, sang giàu và cũng muốn được mọi người nể trọng, quý mến. Giữa cái uy quyền, giàu sang với cái sống trong lòng dân không biết bên nào nặng hơn? Là cũng nói chung như vậy, không dám ám chỉ ai cả.

Nhưng có tật thì giật mình! Người xưa nêu ra 8 điều tự rèn của người quân tử: cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có thể  tạm hiểu: phải nắm được những kiến thức cơ bản, sự vận hành của các quy luật, chân thành, cầu thị, tu dưỡng bản thân mình thì mới lo được việc gia đình, việc nước... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chỉ có đào tạo những cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, “cả gan nói, cả gan đề ra sáng kiến” Đảng mới thành công. Trái lại, nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng.

Lâu nay, chúng ta thường tổ chức bỏ phiếu để thăm dò tín nhiệm, làm quy trình nhân sự, bầu cử... Đây là một cách nhằm phát huy dân chủ của tập thể, đánh giá về một tập thể hoặc cá nhân nào đó. Việc bỏ phiếu cũng ngày càng có những cải tiến cả nội dung và hình thức: Từ cách lấy tỷ lệ, từ ghi bằng tay đến đánh dấu, từ bỏ phiếu kiểu “bó đũa chọn cột cờ” đến bầu một người, từ bầu đủ đến bầu thiếu, có khi bỏ phiếu để bầu, có khi bỏ phiếu để làm một kênh thăm dò... Ta cũng đã “quen dần” tỷ lệ từ 95% đến 100%, quá bán. Lại có lý luận cho rằng làm gì có người mà ai cũng ưa cả, 75% là tuyệt vời...
    
Đáng nói là có nơi, có vị năng lực kém cỏi, ích kỷ, hẹp hòi, sự thành đạt nhờ mưu mẹo, “quan hệ” nhưng khi có chức vụ thì “mục hạ vô nhân”, không coi ai ra gì; sắp đến kỳ bầu cử thì lại ra vẻ ân cần, thân mật, cầu thị. Có vị, khi có số phiếu cao đã mở những cuộc “khai hội” dưới các hình thức khác nhau; trước thì để tranh thủ tình cảm, cảm ơn, hậu tạ, tung hô, sau thì để phô trương thanh thế, củng cố thế lực! Khi yên vị rồi thì đâu lại vào đấy với cái bản chất vốn có. Đáng buồn là có vị khi không được như ý lại biểu hiện ra mặt, truy tìm ai không tín nhiệm mình, mất ăn, mất ngủ, uống rượu, nói nát như điên như khùng, nói càn, nói bậy, bất mãn, thách đố... không nhớ mình là quân tử hay tiểu nhân, trí thức hay vô học, kẻ sĩ hay kẻ... gì! Gặp trường hợp ấy, thật đáng khen cho sự sáng suốt và đáng mừng cho những người bỏ phiếu vì đã loại bỏ được một người xấu.

Người xưa có câu “nhân vô thập toàn”, con người ta không ai hoàn thiện! Điều đó đúng, nhưng với người đứng đầu phải là một sự yêu cầu cao hết sức rõ ràng và có những tiêu chí cụ thể. Nhưng điều đáng tiếc nêu trên thể hiện sự hạn chế về pháp luật, trình độ, kiến thức toàn diện, nhất là năng lực điều hành, quản lý của chính quyền mà trực tiếp là người đứng đầu nơi đây đã đẩy những khó khăn về phía người dân, đẩy hệ lụy cho cơ quan chức năng và cấp dưới, thể hiện sự quan liêu, tắc trách trong lề lối tác phong công tác, về trình độ chuyên môn và trình độ khả năng quản lý điều hành... Đúng như nhận định của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...”.

Dư luận đặt ra những câu hỏi không dễ gì trả lời mỗi khi các cấp chính quyền nơi đây, người đứng đầu chưa thật sự có toàn đức và toàn tài, chưa thật sự công tâm, khách quan, có lý, có tình khi thực thi công vụ, nhất là những sự vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân; ở đâu, nơi nào mỗi khi người đứng đầu còn hạn chế tầm nhìn, trình độ, năng lực và cả phẩm chất đạo đức, thì ở đó tất yếu sẽ lúc này hoặc lúc khác, nơi này hoặc nơi khác, khi có tình huống, sự việc, nhất là những tình huống sự việc nhạy cảm, thật khó lòng xử trí thấu tình đạt lý, đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Vì vậy, phải nhanh chóng đẩy mạnh và tăng cường thực hiện triệt để, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với những nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị phải tự giác, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu về tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên; về những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, bố trí cán bộ chưa đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương; về những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; về quyền hạn, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là của người đứng đầu... đổi mới, nâng cao tính giáo dục, chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy và chi bộ; đi đôi với mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch phải sớm hình thành bộ máy và cơ chế hữu hiệu để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu... có như vậy, mới thực sự có một đội ngũ những người đứng đầu đảm nhiệm trọng trách, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Một quốc gia may mắn là một quốc gia có nhiều bậc hiền tài! Nhưng, để trở nên mạnh mẽ và trường tồn chỉ khi người ta biết trọng dụng con người, nhất là những bậc hiền tài ấy. Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội; tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ; tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ; thật là trọng tội nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được; nhưng cộng cả bốn tội ấy cũng không nặng và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh!

Huy Tâm


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40422914