Truy cập hiện tại

Đang có 155 khách và không thành viên đang online

“Lười lao động” - căn bệnh cần “phương thuốc đặc trị”

(TUAG)- Tình trạng “lười lao động” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đang diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị. Đây là căn bệnh nguy hiểm, cần phải chữa ngay bằng “phương thuốc đặc trị”.

“Lười biếng là kẻ địch của dân tộc”

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cơ bản đội ngũ cán bộ luôn giữ vai trò tiên phong trong chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, với tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” của đội ngũ cán bộ của Đảng tích cực, hăng say làm việc, phát huy sự sáng tạo và đổi mới, tạo nên những bước phát triển mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.


“Lười lao động”, căn bệnh cần phải chữa ngay. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Viết về vấn đề “lười biếng”, nói cách khác là “lười lao động”, “lười làm việc”, trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã viết: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc”[1]; một cá thể, cá nhân lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của toàn bộ tập thể cơ quan, đơn vị. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết”[2]; dẫn đến làm biếng học hỏi, lười suy nghĩ; việc gì dễ thì tranh và giành lấy cho bản thân mình; việc khó thì né tránh và đùn đẩy cho người khác; gặp việc nguy hiểm thì tìm mọi cách để thoái thác, trốn tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giải thích một cách cặn kẽ hơn: “Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng”[3]; không tức thời chuyển ngay hoặc chỉ đạo cho cấp dưới, cho đảng viên, cho cán bộ, chiến sĩ... Kết cục là: nghị quyết là thực hiện không đến nơi đến chốn, ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nặng hơn là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm sút kỷ luật, kỷ cương của Đảng .

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo thái độ lười học tập, nhất là lười học tập lý luận chính trị, trình độ văn hóa và chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, Người nói: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ”[4]. Người cũng cho rằng, lười biếng - “lười lao động”, “lười làm việc” cũng là đắc tội với nhân dân, với Tổ quốc.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh lười biếng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng giống như bệnh “kiêu ngạo”, bệnh lười biếng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên không tự nhiên sinh ra, mà cũng không thuộc về bản chất vốn có của họ, lại càng không phải bản chất cơ bản của Đảng ta, nó do nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại.

Về nguyên khách quan, ngày 04 tháng 01 năm 1924 trong bài viết “Tình cảnh nông dân An Nam” đăng trên Báo La Vie Ouvrière, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã viết: “Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp”[5]. Trong bài viết “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện”[6]. Chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn, biện pháp ác động để hủ hoá, lụi bại nhân dân chúng ta bằng nhiều thói hư, tật xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác.

Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nó xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra: “… vì tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đẻ ra nhiều cái xấu như lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị”[7]...; muốn tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa cần thiết phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cần phải tẩy sạch và gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng”[8].

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến bệnh lười biếng là: “… việc giáo dục chính trị còn sơ sài, thiếu sót”[9]. Chính vì thế mà một số cán bộ và công chức, người lao động còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thái độ làm thuê, làm mướn, thiếu tinh thần làm chủ tập thể cơ quan, đơn vị. Do đó mà xuất hiện những hiện tượng xấu như: lười biếng, lười lao động, lười làm việc, kèn cựa, cục bộ, thiếu kỷ luật, kém đoàn kết, tham ô, xa hoa lãng phí.

"Thuốc đặc trị” chữa căn bệnh “lười lao động”

Trong nhiều tác phẩm nói và viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, để khắc phục bệnh “lười biếng” - “lười lao động”, “lười làm việc” này là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu quan trọng là khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu để nâng cao đời sống nhân dân cả nước. Người đã nói: “Nước ta còn lạc hậu, dân ta còn nghèo, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn cải thiện đời sống, thì chúng ta càng phải “Cần”, phải “Kiệm”, phải chống lười biếng, chống lãng phí”[10]. Quan trọng nữa, đó còn là mục tiêu của xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”[11].

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đặt ra yêu cầu cho xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là phải gạt bỏ những thái độ, việc làm sai lầm như: thỏa mãn với thành tích ban đầu, bảo thủ, tự mãn với những kinh nghiệm đã có trước đó, đã có ít nhiều tri thức thì kiêu căng, coi khinh quần chúng nhân dân, hoài nghi những sáng kiến bình thường của quần chúng nhân dân; lười biếng, không tích cực học tập cái mới, cái tiến bộ v.v...

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”[12], Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những “phương thuốc” hữu hiệu để “chữa bệnh lười biếng” đó là:

Cách chữa:

- Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc, đều phải chỉ bảo cách làm cụ thể.

- Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để lãnh đạo, chỉ đạo cho đúng.

- Khi quyết nghị việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã ban hành nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành triệt để.

Phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ mọi mặt, Hồ Chí Minh coi đó là những biện pháp hết sức rất cần thiết. Người yêu cầu: “Phải chú ý học tập”[13]: Phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh lười biếng, lười lao động, lười học tập, muốn nghỉ ngơi an nhàn. Do đó, muốn tiến bộ nhanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì phải học tập các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời, phải tích cực học tập trong quần chúng nhân dân, bởi vì: Kinh nghiệm trong nước và các nước trên thế giới chứng minh cho chúng ta biết: khi có lực lượng dân chúng ủng hộ thì việc lớn “to tát” mấy, khó khăn, gian khổ bao nhiêu thì chúng ta làm cũng được. Không có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, thì việc gì làm cũng không xong. Quân chúng nhân dân biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, nhanh chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra, giải quyết không hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu trong Đảng, trong Nhà nước, trong Chính phủ, các cấp, các ngành và mọi tập thể cùng mỗi cá nhân cần phải “… cần có một cuộc vận động: Tiêu diệt lười biếng, nâng cao năng suất, củng cố kỷ luật lao động”[14].

Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống căn bệnh lười biếng, lười lao động, lười làm việc… không những có giá trị lịch sử to lớn, mà nó còn luôn có tính thực tiến, tính thời sự trong công tác xây dựng Đảng ta hiện nay; nếu được quán triệt triệt để, vận dụng sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả sẽ góp phần khắc phục “bệnh” lười biếng, lười lao động, lười làm việc của cán bộ, đảng viên, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta “vừa hồng, vừa chuyên”, công tâm, thạo việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới.

Mới đây, phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới đây sẽ cương quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIV những người: “Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút”. Đây là lời cảnh báo với những người lười biếng.

Tóm lại, trước thực trạng “lười làm việc”, “lười lao động” trong đội ngũ cán bộ ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân do đâu mà có, mức độ ảnh hưởng như thế nào, hậu quả ra sao, để từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục triệt để, hiệu quả lâu dài. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, vừa có tính giáo dục, thuyết phục, vừa có tính kỷ luật, kỷ cương, đề cao tính nghiêm khắc để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong thực thi công vụ. Đó là những chủ trương, giải pháp cơ bản nền tảng, đề nghị mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ, vận dụng triển khai thực hiện ở cấp mình cho phù hợp, với tinh thần quyết tâm cao nhất, thái độ quyết liệt nhất, kiên quyết không để yếu kém, khuyết điểm kéo dài. Có như vậy, “căn bệnh lười biếng” - “lười làm việc”, “lười lao động” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay mới có cơ hội chữa khỏi triệt để./.

___________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 6, tr.120.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr.295
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr.299.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 14, tr.29-30.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 1, tr.427.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 4, tr.7.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 12, tr.11.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 11, tr.222.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 14, tr.456.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 12, tr.328.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 13, tr.69.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr.299.
[13]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 9, tr.58.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 7, tr.484; 369.

Theo nguồn: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40694040