Truy cập hiện tại

Đang có 22 khách và không thành viên đang online

Gác lại cùng hợp tác nhưng không lãng quên

(TUAG)- Có ai đó đã nói rằng: “Nếu muốn biết chiến tranh đáng sợ như thế nào, hãy hỏi những người Việt Nam. Nếu muốn tìm đến một quốc gia trân trọng hòa bình đến cỡ nào, hãy đến Việt Nam”.


Trực thăng CH-46 Sea Knight của Mỹ bị rơi và nổ tung sau khi trúng đạn ngày 15/7/1966. (Ảnh: AP)

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Trong thời phong kiến, sau mỗi cuộc chiến với người hàng xóm phương Bắc thì triều đình nước ta đều cử sứ thần sang triều cống, thiết lập lại mối quan hệ bình thường, mong cho người dân hai nước sống trong hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Các cụ có câu: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng, không có nghĩa là những cuộc chiến ấy bị lãng quên. Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng giữ vững tinh thần ấy, một tinh thần gác lại lịch sử để cùng hợp tác, nhưng không lãng quên.

Bên lề những thông tin Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác về nhiều mặt như kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu, chính sách công… thì Việt Nam vẫn khéo lẽo nhắc lại những biến cố lịch sử đã qua của hai quốc gia. Nhắc lại để làm gì? Để 2 quốc gia cùng rút ra bài học rằng, dù đã từng đối đầu nhưng không có nghĩa là mãi mãi đối đầu, dù từng đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” nhưng không có nghĩa là vĩnh viễn không thể làm bạn.

Ví dụ như khởi đầu chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thông tin Chính phủ nhắc lại một sự kiện đã diễn ra cách đây 77 năm, đó là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Harry Truman vào ngày 16/02/1946 bày tỏ mong muốn độc lập dân tộc và sẵn sàng cho việc hai quốc gia thiết lập quan hệ toàn diện. Mong muốn hòa hợp, hòa bình của Việt Nam đã có từ rất lâu rồi chứ không phải là mới đây. Việt Nam tiếp tục củng cố mong muốn ấy một lần nữa khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm tượng đài Tổng thống Thomas Jefferson - tác giả của bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ, một tư liệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn nguồn trong “Tuyên ngôn độc lập” đọc tại Quảng trường Ba Đình vào 02/9/1945.

Một thông tin khác cùng thời điểm chuyến đi trên, đó là thông tin các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham gia khánh thành nghĩa trang Hàng Keo và thăm nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo. Bất cứ một người Việt Nam yêu lịch sử nào cũng biết về “địa ngục trần gian” Côn Đảo - nơi có hàng ngàn liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Không rõ là vô tình hay cố ý, nhưng có thể là một thông điệp ngoại giao đầy khéo léo, nhắc lại những bi thương trong quá khứ, khẳng định tinh thần đấu tranh hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.


Bốn chiếc máy bay Ranch Hand C-123 rải chất độc hóa học vào cánh rừng nghi ngờ có bộ đội Việt Nam vào tháng 9/1965. (Ảnh: AP)

Chưa hết, Thông tin Chính phủ đăng bài viết cho biết Việt Nam còn 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, phía Hoa Kỳ cũng còn nhiều quân nhân mất tích. Và hai quốc gia đang hợp tác từng giây phút, từng ngày tháng, cùng chia sẻ thông tin và cùng tìm kiếm. Đây là một nỗ lực cùng nhau giải quyết hậu quả chiến tranh, thể hiện tinh thần nhân đạo của cả hai quốc gia. Cuối dòng thông tin này, là lời đề nghị Hoa Kỳ giải quyết hậu quả chiến tranh với 3 triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, rà phá bom mìn, tẩy sạch chất độc. Hãy chú ý vào cụm từ “đề nghị” chứ không phải là “mong muốn” hoặc “đề xuất” - cụm từ “đề nghị” mang một tâm thế ngang bằng, sòng phẳng. Thông tin trên là một lời nhắc về những hậu quả chiến tranh mà Hoa Kỳ đã gây ra với người dân Việt Nam. Và dĩ nhiên, hai quốc gia đã, đang và sẽ cùng khắc phục, cùng hợp tác, cùng xóa đi đau thương chứ không phải chỉ là trách từ một bên. Muốn đi nhanh hãy đi một mình muốn đi xa hãy đi cùng nhau…!

Lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta không quên nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. “Vì trải qua nhiều chiến tranh nên chúng ta mới thấy sự cần thiết phải có hòa bình. Chúng ta phải để các quốc gia thấy được rằng chiến tranh chỉ thiệt cho đôi bên. Việt Nam không muốn chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra nhưng Việt Nam cũng không sợ chiến tranh. Chúng ta cần hòa bình nhưng không sợ chiến tranh” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Lịch sử giữa 2 quốc gia từng là đau thương, là mất mát, là tàn phá, là hy sinh, là mâu thuẫn. Và Việt Nam cũng muốn thể hiện rằng, lịch sử cũng có thể là hòa hợp, hợp tác, từ những gì đã qua, phải ghi nhớ và cùng rút ra bài học từ cuộc chiến vệ quốc vĩ đại mà khốc liệt ấy, nhìn thẳng quá khứ để thấy rõ tương lai và vì vậy, chỉ có thể “gác lại quá khứ” chứ không được phép “khép lại quá khứ”. Chúng ta không được lãng quên và cũng không để quá khứ lặp lại trong tương lai. Và nếu muốn biết rằng có một quốc gia nào sẵn sàng gác lại những mâu thuẫn để cùng phát triển, đáp án là Việt Nam!

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40576194