Truy cập hiện tại

Đang có 152 khách và không thành viên đang online

Tri Tôn chăm lo cho người Khmer

(TGAG)- Mảnh đất Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang mang đủ nét đặc trưng của vùng biên giới, rừng núi và có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống… Những năm 1983-1999, tôi đã công tác ở mảnh đất đầy gian khó, kinh rạch ruộng đồng là phèn chua muỗi hát; đường giao thông toàn là đường đất và cát với đầy ổ voi, cầu ván, nắng bụi, mưa bùn; đồi núi ban ngày nắng như thiêu đốt, đêm về lạnh buốt… Và, tôi đã rời mảnh đất có biết bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi của mình với tâm trạng băn khoăn không biết bao giờ người dân sống trên mảnh đất này mới hết khó khăn, gian khổ…

 
  Đắp đập xây hồ Ô Tà Sóc
Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với vùng đồng bào dân tộc

Cuối tháng chín này, trên chiếc xe gắn máy, tôi chở đứa em cùng cơ quan về Tri Tôn như một người con của quê hương đi xa quá lâu, nay mới có dịp quay về chốn cũ trong tâm trạng vừa đi vừa nghe trong lòng nhen lên cảm giác phẩn khởi bởi quá nhiều đổi thay đến không ngờ.

Anh Trần Văn Hợp, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tri Tôn cho tôi biết: nhờ có Nghị quyết 24/NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Công tác Dân tộc” nêu rõ quan điểm: “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều năm qua, huyện  Tri Tôn - An Giang, một vùng đất rộng 60.039 ha với số dân chỉ có 132.903 người, trong đó có 45.215 người thuộc dân tộc Khmer, chiếm tỉ lệ 34,02% đã và đang thụ hưởng nhiều chính sách đặc biệt để tạo điều kiện phát triển mọi mặt.

Đào tạo lực lượng cán bộ công chức, nâng cao dân trí

Ông Men Say Ma - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho tôi biết, để thực hiện chủ trương đường lối của Đảng một cách hiệu quả, Tri Tôn đã xác định phải có lực lượng, nghĩa là phải chú ý đến con người. Bởi lẽ trong biết bao cái khó của vùng đất biên giới, vùng núi có đông đồng bào dân tộc Khmer có cái khó cực kỳ quan trọng là “thiếu người có khả năng làm”; bởi xuất phát điểm của huyện lúc đó dân trí thấp. Bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bom đạn của địch đánh phá tan nát nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng, đồi núi… chuyện học hành ở Tri Tôn hầu như là vùng trắng. Sau năm 1975, Tri Tôn là huyện khó khăn hơn tất cả các địa phương khác của tỉnh vừa lo hàn gắn vết thương chiến tranh cũ, lại còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới chống bọn Pôn Pốt, giữ vững biên giới Tây Nam nên việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người vô cùng nan giải. Để xây dựng  mảnh đất đầy khó khăn thử thách này, Tri Tôn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn cán bộ trong hệ thống chính trị của huyện.


Tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với ngôi trường cấp ba Tri Tôn vì vợ chồng tôi đã ở trong mái chái hành lang ngôi trường này gần 6 năm dài. Phần lớn giáo viên các cấp trên địa bàn Tri Tôn lúc bấy giờ là người từ các vùng miền khác đến đây công tác mà vợ tôi là một trong số họ. Buổi tối, Tri Tôn có máy phát điện hoạt động từ 19 đến 22 giờ nhưng cũng đủ để phục vụ cho các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa… nhiều cán bộ công chức suốt ngày bận rộn công tác, tối đến vẫn cố gắng đạp xe đến lớp để học… và từ đó đã có nhiều người đã trở thành những cán bộ cốt cán, có uy tín đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng của huyện, của tỉnh…

Còn bây giờ, ông Men Sây Ma cho tôi biết Tri Tôn đã có 59 trường học các cấp với 15 trường Mẫu giáo, 27 trường Tiểu học, 13 trường Trung học cơ sở và 4 trường Trung học Phổ thông; hằng năm thu hút gần 30.000 học sinh, trong đó có 60% học sinh là người Khmer. Tính từ khi triển khai Nghị quyết 24 đến nay, Tri Tôn đã thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ thêm chi phí học tập cho 1.500  sinh viên và 24.000 học sinh người dân tộc Khmer trên địa bàn với chi phí trên 14 tỷ đồng.

Tôi không khỏi ngẩn ngơ khi đứng trước ngôi trường THPT Nguyễn Trung Trực, so với ngôi trường cấp ba Tri Tôn mà ngày trước vợ chồng tôi ở đây quả là một trời một vực. Không chỉ có vậy, phần lớn các trường học trên địa bàn huyện ngày nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhất là với trường THCS thị trấn Tri Tôn với khuôn viên rộng trên 15.000 mét vuông, ba dảy phòng dạy học và làm việc đều xây hai tầng và xếp thành hình chữ U tạo nên khoảng sân rất rộng. Những gì trước mắt của tôi hôm nay tưởng như trong mơ mới có nhưng lại là sự thật hiển hiện cho thấy một bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của mảnh đất Tri Tôn anh hùng.

Chính nhờ chủ trương tập trung nâng cao dân trí mà trong cộng đồng người Khmer trên đất Tri Tôn đã ý thức được việc trang bị kiến thức quan trọng thế nào trong cuộc sống mà quan tâm lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn và đã có nhiều người thành đạt. Điển hình như gia đình của ông Chau Chót, sinh năm 1943, và bà  Nguyễn Ngọc Lệ , sinh năm 1953  cư ngụ ở khóm I, thị trấn Tri Tôn tỉnh An Giang; trong hoàn cảnh gia đình khó khăn họ đã sinh ra và nuôi dưỡng 6 người con học hành thành đạt đều tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học khiến mọi người phải khâm phục. Người con đầu của ông bà là Châu Ngọc Dũng là kỹ sư thủy sản, người con kế là Châu Hồng Phúc là kỹ sư thú y, người con thứ ba là Châu Ngọc Thảo hiện là giáo viên Toán trường THPT; tiếp đến là Châu Ngọc Cúc và Châu Ngọc Diệu là Kế toán và người con út là Châu Ngọc Thái hiện là chuyên viên kỹ thuật sửa chữa điện lạnh.

Ngoài ra, Tri Tôn còn quan tâm đào tạo lực cán bộ công chức là người Khmer, xét cử tuyển đào tạo về mặt Lý luận chính trị, đến nay đã có rất nhiều người tốt nghiệp Trung cấp, Cao cấp… Từ đó, trong huyện đã có gần 600 người Khmer là đảng viên; với gần 400 cán bộ công chức là người Khmer, chiếm 15,5%  CBCNVC của huyện. Đặc biệt, Bí thư Huyện ủy Men Pholly, bác sĩ chuyên khoa I, là người Khmer.

Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Khmer

Đồng bào Khmer ở Tri Tôn cư trú theo phum sóc, có nơi sống đan xen với dân tộc Kinh luôn giữ vững tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu trên vùng đất còn nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Khmer ở Tri Tôn cho đến nay vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, được ưu tiên bảo tồn gìn giữ; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người Khmer được huyện quan tâm đầu tư, phát triển; nhất là những hoạt động đậm nét văn hóa của người Khmer được quan tâm bảo tồn, gìn giữ qua các lớp tập huấn các loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer như: Dù Kê, Cha Bay… Cụ thể, vừa qua huyện đã phối hợp cùng Sở VHTT&DL An Giang mở các lớp truyền dạy loại hình nghệ thuật diễn tấu đàn Cha Bay do  nghệ nhân Chau Nưng ở xã Phước Lợi xã Ô Lâm trực tiếp truyền dạy để loại hình nghệ thuật này không bị thất truyền.


Cô gái Khmer hát Ch'pay

Tri Tôn có 36 chùa, gồm hai phái: MôHaNiKai có 28 chùa và ThomMaDúth có 8 chùa với tổng cộng 530 vị sư sãi. Chùa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào Khmer, ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-văn hóa xã hội ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer như Tri Tôn. Đồng bào Khmer tự nguyện đóng góp xây dựng, tu bổ các chùa đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù của vùng Tri Tôn.


Nghệ nhân Chau Nưng đang chơi đàn Ch'pay

Muốn đồng bào dân tộc Khmer hiểu rõ đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện tốt trách nhiệm công dân, huyện Tri Tôn đã xác định phải góp phần nâng cao vai trò, vị trí của những ngôi chùa Khmer thông qua việc thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở địa bàn Tri Tôn. Việc xây dựng Chùa Văn hóa đã trở thành nhiệm vụ quan trọng và Ban Chỉ đạo huyện tổ chức tham khảo ý kiến của các vị chức sắc sư sãi đề ra những tiêu chí riêng, xét công nhận Chùa Văn hóa. Nhà chùa tu hành đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích hành đạo theo phương châm Tốt Đời- Đẹp Đạo.

Những chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở vùng đất biên giới, vùng núi và có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm tháng tôi ở Tri Tôn, dọc những con đường đất, đường cát là những phum sóc người Khmer xen lẫn những xóm ấp bà con người Kinh hầu hết là những căn nhà mái lá, mái tranh; vách đất, vách lá, vách năn; cột tre, cột tràm… Ngày ấy, những lần tôi cùng vợ mình vào thăm gia đình học trò người Khmer, thật lòng chúng tôi vô cùng băn khoăn trước tình trạng bà con nuôi gia súc, nhất là bò, heo trong nhà ở, mùi tanh nồng của phân, nước đái gia súc tạo cảm giác rất khó chịu, nhưng là tập quán của người Khmer lúc ấy. Mất vệ sinh thì dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe; lại thiếu bệnh viện, thuốc men nên đa số đưa bệnh nhân đến thầy cúng, thầy thuốc Nam để trị bệnh, kết quả rất hạn chế… Còn bây giờ, trở lại Tri Tôn, tôi tìm hiểu và được biết:

Thực hiện Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, Tri Tôn đã triển khai xây dựng 94 công trình giao thông thủy lợi, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế; quy hoạch sắp xếp 16 cụm tuyến dân cư tại các xã, thị trấn; trong đó nhiều địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở như: ấp Tô Bình (xã Cô Tô), Ấp Trung An, ấp Sóc Tức (Lê Trì). Đồng thời huyện đã thực hiện Chương trình 134, 167 của Chính Phủ hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, nhà Đại đoàn kết cho 2.047 hộ với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng; nhất là 100%  đồng bào dân tộc thiểu số ở Tri Tôn được cấp thẻ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho người Khmer ở đây.

Huyện đã kết hợp chặt chẽ công tác xóa đói giảm nghèo với giải quyết việc làm, đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống như: Làm đường thốt nốt, sản xuất gạo đặc sản Nàng Nhen Bảy Núi, sản xuất Gốm thô, hỗ trợ Chăn nuôi bò… với 28 dự án, giải quyết 3200 hộ có việc làm ổn định, tăng thu nhập.  Từ những chương trình này, trong cộng đồng bà con Khmer ở Tri Tôn đã xuất hiện nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu, cụ thể như trường hợp gia đình ông Chau Chên ở ấp Tô Lợi, xã Cô Tô đến nay đã nâng mức thu nhập bình quân của gia đình lên trên 80 triệu đồng /năm từ việc canh tác 3 vụ trên mảnh đất 4 ha của gia đình, trở thành nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.

Thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới

Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Trị Tôn đã đầu tư nâng cấp 131,84 km đường bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa 94 công trình với tổng chiều dài 210km; mở 28 lớp dạy nghề cho 811 lao động với số tiền lên đến 107,424 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư thực hiện 60 tiểu vùng sản xuất thu đông với 21.984 ha; xây dựng 125 trạm bơm điện (5 trạm vùng cao: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, An Tức, Ô Lâm) tăng vòng quay của đất từ 2,12 (2011) lên 2,36 lần (2013). Huyện xét cấp đất ở cho 2.705 hộ Khmer với 16,69 Ha…

Ngoài ra, Tri Tôn đã thực hiện Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tường Chính Phủ, triển khai 25 chương trình dân tộc, đã cấp 2.716 con bò cho 1.358 hộ và các chương trình khác có 9.206 hộ thụ hưởng với tổng kinh phí 24,067 tỷ đồng. Rất nhiều gia đình nhờ đó mà thoát khỏi cảnh nghèo như anh Chau Van Ny ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn đã thoát nghèo, nuôi hai con ăn học và mỗi năm thu lợi trên 40 triệu đồng nhờ trồng cỏ nuôi bò. Đặc biệt, có gia đình anh Chau Soc ở ấp Ninh Lợi xã An Tức đã thành lập trang trại thu mua bò, nuôi dưỡng cung ứng bò giống vừa tạo thêm việc làm thu hút lao động trong phum sóc qua việc cắt cỏ, chăm sóc bò, vừa tăng thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng/năm.

Tôi đã lái xe gắn máy lang thang đi qua bao nhiêu tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa dẫn tới từng phum sóc, không còn cảnh nắng bụi, mưa bùn; nhà cửa nhân dân trong từng phum sóc ngày nay được xây dựng kiên cố, kín mưa, kín nắng không còn tranh tre nứa lá; với trên 95% hộ sử dụng lưới điện quốc gia, 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; trường học, trạm xá được bố trí đều khắp để nhân dân học hành, khám chữa bệnh không phải đi xa; nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi trường  được nâng lên rõ nét, bà con người Khmer đã bỏ hẳn tập quán nuôi gia súc trong nhà mà xây chuồng trại đàng hoàng; tích cực đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh theo chế độ ưu đãi của Sổ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cấp, không còn theo tập quán nhờ thầy cúng chữa bệnh; toàn huyện đã có 13 Lò hỏa táng ở 13 điểm chùa thuộc các xã Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Châu Lăng, Lương Phi, thị trấn Tri Tôn và Ba Chúc… Việc hỏa táng trong lò hiện đại bây giờ rất hợp vệ sinh, giúp cho đồng bào Khmer trong vùng không còn cảnh chất củi đốt xác bốc mùi thịt người cháy khét, khói than mù mịt trông rất đau xót. Nhiều tuyến dân cư, cụm dân cư được quy hoạch xây dựng để có thêm những căn nhà kiên cố khang trang. Các chợ xã, thị trấn trong huyện phát triển nhanh chóng với nhiều cửa hàng sung túc có đủ các loại hàng hóa nông sản thực phẩm, vật dụng gia đình, trang trí nội thất, phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại… những gì mà trước kia tôi không dám mơ tới.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện Tri Tôn, cho dù so với nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, Tri Tôn còn nghèo khó, nhưng rõ ràng địa phương đã có bước phát triển rõ nét thể hiện rõ từ bộ mặt nông thôn vùng biên giới, vùng núi có đông đồng bào dân tộc Khmer đã khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào Khmer ở đây đã có bước phát triển nhảy vọt rất đáng tự hào. Tôi  tin, tương lai không xa Tri Tôn sẽ phát triển hơn nữa, xứng đáng với truyền thống là mảnh đất anh hùng, không chỉ trong chiến đấu bảo vệ quê hương mà cả trong kiến thiết và xây dựng để phát triển…

Bài và ảnh: Mai Bửu Minh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37335872