Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

An toàn giao thông đường thủy mùa lũ và những bất cập

(TGAG)- An Giang là tỉnh đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều phương tiện đường thủy lưu thông nhộn nhịp. Vào thời điểm mùa mưa lũ, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn tạo thành các dòng chảy xiết, vùng nước xoáy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông trên sông, nhất là tại các bến phà, bến đò ngang luôn là điều kiện cấp thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.

Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an 11 huyện, thị, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Trong đó tập trung vào các biện pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, việc chấp hành mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông… đặc biệt là Nghị định 132 của Chính phủ và Thông tư số 12 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, chở quá tải…

Lực lượng Cảnh sát đường thủy thường xuyên nhắc nhở bà con lưu thông an toàn trên các bến đò

Qua đó, 6 tháng đầu năm 2018, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 17.775 lượt người tham gia giao thông và những người hành nghề trên sông nước (so với cùng kỳ năm 2017 tăng 565 lượt người). Một thực tế khác cho thấy, bước vào mùa mưa lũ, nước từ đầu nguồn đổ về diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm. Việc chở quá trọng tải dễ dẫn đến tai nạn bất ngờ do không thể lường trước được những diễn biến thất thường của thời tiết, dòng chảy. Mặc dù đã được lực lượng Cảnh sát đường thủy thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Thế nhưng, vì lợi nhuận, mặc cho những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng họ, những con người ngày ngày vẫn rong ruổi trên những chuyến xà lan vẫn chấp nhận nó như một cái nghiệp theo đuổi bấy lâu. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân chở quá tải, nhiều chủ phương tiện hay người điều khiển luôn đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho lỗi vi phạm của mình.

Như trường hợp của chủ phương tiện Nguyễn Văn Cai, trú tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An thì giải thích: “Vì mới lấy cát vô xà lan mà máy bơm lại bị hư nên chúng tôi chưa bơm nước ra được, chứ khi bơm được nước ra thì sẽ đủ trọng tải thôi. Tôi cũng biết là khẳm sẽ gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng nhưng do bơm nước ra chưa kịp nên đành chấp nhận chở quá trọng tải”. Còn anh Huỳnh Văn Lý, người dân huyện Chợ Mới, lại cho rằng: “Mùa nước lũ thì các anh em đường thủy vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các anh em thuyền trưởng, lái phương tiện đảm bảo các điều kiện an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, mặc dù biết là chở quá tải. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng đành chấp nhận đóng phạt vì công việc làm ăn”.

Theo quy định, trong mùa lũ các phương tiện phải giảm tải 10% so với trọng tải phương tiện cho phép. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã tổ chức kiểm tra 49 bến khách ngang sông gồm 98 phương tiện; 4 doanh nghiệp khai thác cát; 3 công ty khai thác cát sông; 1 vụ bơm cát; 5 bến thủy nội địa; 4 mỏ khai thác cát. Kết quả phát hiện lập biên bản hẹn xử lý 39 trường hợp; lập biên bản nhắc nhở 47 trường hợp. Qua công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện 15.782 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 630 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 10.976/11.320 trường hợp (giảm 344 trường hợp) so với cùng kỳ 2017, với số tiền gần 19 tỷ đồng. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, bởi lẽ không ai có thể lường trước được những rủi ro có thể xảy ra đối với phương tiện chở quá tải khi có sóng to, gió lớn với hải trình dài hàng trăm cây số. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng làm chết 2 người. Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với các bến đò khách ngang sông, lực lượng CSĐT còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm có thể dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như: Người đi đò không mặc áo phao, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn... Đối với các chủ bến đò trên các tuyến sông chính, thì việc nhận thức và chấp hành các quy định của luật giao thông đường thuỷ có phần khả quan hơn.


Lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra các thiết bị an toàn trên phương tiện xà lan

Ông Nguyễn Chí Hiếu, chủ bến đò hoạt động nhiều năm tại xã Châu Thành, huyện Chợ Mới chia sẻ: “Hàng năm nhờ có sự quan tâm của các anh em cảnh sát đường thủy thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nên bến đò của chúng tôi luôn chấp hành nghiêm chỉnh và đáp ứng tốt các yêu cầu. Ngoài ra, vào mùa lũ, chúng tôi cũng hạn chế chở hành khách, giảm tải khoảng 40% nhằm bảo đảm an toàn cho người dân”. Tuy nhiên hầu hết các chủ bến đò đều có chung một nỗi trăn trở, ông Nguyễn Văn Huynh, chủ bến đò Tân Châu - Hồng Ngự cho biết: “Khi bà con cô bác qua sông, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Nhưng cô bác nhiều người họ không chịu vì nhiều lý do nên cũng làm khó cho chúng tôi”. Quy định mặc áo phao khi qua đò khách ngang sông đã có từ lâu, nhưng khi kiểm tra thực tế tại các bến đò thì không có mấy người chấp hành. Một nghịch lý là khi được hỏi, ai cũng biết những tác dụng hữu ích của việc mặc pháo ao khi đi đò, nhưng lại đưa ra lý do để không muốn mặc. Như lời biện hộ của ông Nguyễn Văn Đặng ở Châu Thành: “Tôi cũng biết là khi qua đò phải mặc áo phao để không sợ rủi ro khi có sự cố, nhưng do nhà gần và qua lại thường xuyên nên cũng không mấy khi mặc”. Thậm chí có người còn thẳng thắn thừa nhận nếu không mặc áo phao, sẽ dễ dẫn đến thương vong khi gặp nguy hiểm nhưng vẫn không mặc do thói quen từ trước đến nay.

Mùa mưa lũ đã về với tình hình diễn biến hết sức phức tạp, do đó người dân cùng các chủ phương tiện, chủ các bến đò và hành khách cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật giao thông đường thủy nội địa. Theo khuyến cáo của Trung tá Nguyễn Thành Được, Trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu, Phòng CSĐT Công an tỉnh An Giang: “Bên cạnh việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật giao thông đường thủy. Người dân cần luôn đề cao cảnh giác trong việc phòng ngừa những nguy cơ rủi ro trên sông nước, tránh chủ quan trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông thì phải chấp hành đúng theo Nghị định 132 của Chính phủ và chấp hành tốt luật giao thông đường thủy nội địa. Phương tiện hoạt động cần phải đảm bảo về giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, trang bị đầy đủ đèn, còi, phao, dụng cụ nổi, bình chữa cháy… Trong quá trình lưu hành khi gặp mưa to gió lớn thì người điều khiển phải nhanh chóng đưa phương tiện và người dân vào bờ hoặc tìm nơi an toàn để ẩn nấp, tránh gây thiệt hại đáng tiếc nhằm đảm bảo tài sản và tính mạng cho người dân”.

Hòa Trang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37029476