Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

Anh hùng liệt sỹ Hoàng Kim Long - Sáng mãi “Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”

(TGAG)- Trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang gần 38 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Quân và dân An Giang luôn “gắn bó máu thịt”,  kiên trì bám trụ, dũng mãnh tiến công,… trụ vững trên tuyến đầu biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia.

Hàng ngàn chiến sĩ và người dân An Giang đã ngã xuống cho quê hương, đất nước đứng lên. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi những tấm gương tập thể, cá nhân anh hùng, những cán bộ chiến sĩ của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đã cùng quân và dân An giang ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm bảo vệ biên giới của tỉnh, trong đó tiêu biểu nhất là tấm gương hy sinh quên mình của Anh hùng liệt sỹ Hoàng Kim Long.

Anh hùng liệt sỹ Hoàng Kim Long sinh ngày 19/5/1959, quê xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, là con thứ hai của ông Hoàng Kim Man, nguyên cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam và bà Nguyễn Thị Nga, xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Vốn có tư chất thông minh, Hoàng Kim Long luôn là một học sinh giỏi và vinh dự được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Phát huy truyền thống gia đình, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ và ngày 29/5/1977 được tuyển vào lực lượng Công an Nhân dân vũ trang. Sau thời gian huấn luyện, học tập, tháng 7/1977 Bộ Tư lệnh BĐBP điều Hoàng Kim Long về công tác tại An Giang và được bổ sung vào Đồn Biên phòng Vĩnh Xương. Anh là người cần cù, chịu khó, chăm học hỏi và rất sáng dạ.

Thời gian này, chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt. Sau nhiều lần tấn công và bị quân dân ta giáng cho những đòn đau, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa Ri vô cùng cay cú. Chúng điên cuồng xua quân tràn qua biên giới Việt Nam để cướp của, giết người và thực hiện mệnh lệnh “giết sạch, cướp sạch, đốt sạch”. Ngày 27/02/1978, địch tập trung lực lượng pháo tầm xa ồ ạt đánh chiếm Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Vĩnh Xương ở Kinh năm xã suốt ngày đêm nhưng không sao chiếm được Trạm. Hoàng Kim Long đã hết sức dũng cảm, mang khẩu ĐKZ 82 chạy từ vị trí này đến vị trí khác để tiêu diệt địch. Đồng chí đã liên tục bắn 21 trái đạn ĐKZ, dập tắt 4 hỏa điểm của địch gồm 3 đại liên và 1 khẩu 12 ly 7, đồng thời bắn chặn các cánh quân của địch và cùng đồng đội tiêu diệt 27 tên, giữ vững vị trí tiền tiêu.

Ngày 14/4/1978, địch dùng một Lữ đoàn đánh vào các vị trí của Trạm và Đồn Biên phòng Vĩnh Xương ở khu vực chùa Thầy Bảy. Trong trận này, địch dùng cối 120, ĐKZ, pháo 105 ly, 130 ly đánh suốt 3 ngày, đêm. Lúc này đạn của các chiến sỹ ta gần hết mà cả 3 mặt đều là địch, tuy vậy các chiến sỹ vẫn ngoan cường, vừa củng cố, bố trí lại công sự vừa chống trả quyết liệt buộc địch phải dạt ra. Đến ngày 18/4/1978, chúng đổi chiến thuật dùng hỏa lực bố trí ở ngoài đồng bắn vào chốt. Phát hiện thấy chỗ yếu của địch là để lộ mục tiêu trên đồng trống, chốt thay nhau bắn kìm chế cho xạ thủ Hoàng Kim Long dùng ĐKZ 82 liên tục cơ động diệt 4 hỏa điểm của địch một lúc, trong đó có 2 đại liên, 2 khẩu 12 ly 7. Lúc này, anh đã bắn tới trái đạn thứ 16, khi phát hiện ra 2 khẩu ĐKZ của địch, lập tức anh bắn tiếp một quả dập tắt ngay hỏa điểm. Khi anh vừa chuyển vị trí, lắp xong quả đạn thứ 18 thì quả đạn của địch đã bắn cách anh chưa đầy một mét, Hoàng Kim Long đã dũng cảm hy sinh ở tuổi 19. Khi trận chiến đấu kết thúc, toàn đơn vị đã lao tới ôm lấy anh và khóc, tiễn biệt người đồng đội thân yêu. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đã ở bên anh cho đến khi anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Với cách sống chân tình, sẵn sàng giúp đỡ đồng đội nên tất cả cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị ai cũng yêu mến Hoàng Kim Long. Tự nguyện làm xạ thủ hỏa lực ĐKZ 82, anh mày mò nghiên cứu, tìm cách bắn ĐKZ không chân (ứng dụng) ở mọi địa hình, mọi điều kiện. Sáng kiến của anh đã thành công mỹ mãn. Khẩu ĐKZ 82 do anh cải tiến bắn rất chính xác, đỡ tốn đạn mà hiệu suất diệt địch cao. Vừa có kỹ thuật giỏi, vừa có lòng dũng cảm cộng với lối đánh táo bạo, linh hoạt, anh đã làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Từ tháng 7/1977 đến tháng 4/1978, chưa đầy một năm anh đã chiến đấu 35 trận, một mình diệt 9 hỏa điểm địch (5 đại liên, 3 khẩu 12 ly 7 và 1 ĐKZ), diệt 50 tên địch. Với những thành tích chiến đấu xuất sắc của mình, ngày 20/12/1979, đồng chí Hoàng Kim Long đã vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Long đã ghi dấu vào trang sử vàng của BĐBP tỉnh An Giang như một tượng đài bất khuất, chiến đấu kiên cường, liên tục tấn công địch cho đến lúc hy sinh và đức tính cần cù, nghiên cứu không mệt mỏi, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng đội, gắn bó mật thiết với nhân dân. Anh đã tô thắm trang sử vẻ vang của BĐBP tỉnh An Giang, làm sáng mãi “Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân địa phương./.

CHIẾN KHU

Nguồn: Tài liệu tham khảo: Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang (Tập II: 1975-2000), sơ thảo năm 2004, In tại xí nghiệp in Nguyễn Văn Thảnh, Vĩnh Long.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39916249