Truy cập hiện tại

Đang có 460 khách và không thành viên đang online

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(TGAG)- Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết  số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) và Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 14/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Tỉnh ta đã đạt được một số kết quả tích cực, như sau:

- Về Nông nghiệp: Hoàn thành các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.

Xét về mặt ngành hàng, so với năm 2008, An Giang có thêm cây ăn trái, cụ thể là xoài 3 màu đạt diện tích hơn 9.000 ha, tăng 5.000 ha so với năm 2008. Đối với cây xoài, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, xuất khẩu đi một số thị trường trong khu vực. Đối với thủy sản, ngành hàng cá tra ổn định về mặt sản lượng nuôi, các đối tượng nuôi khác phát triển, sản lượng thủy sản tăng 64 ngàn tấn. Năng lực và trình độ sản xuất giống thủy sản cũng có sự phát triển. Các ngành hàng còn lại như lúa, rau màu, chăn nuôi heo, bò... không mở rộng quy mô sản xuất. Tỉnh quan tâm thực hiện công tác kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại kết hợp công tác điều hành, tổ chức sản xuất nông nghiệp linh hoạt nên giai đoạn 2013 – 2018, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang không rơi vào tình trạng phải giải cứu, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng được mùa mất giá.

Xét theo các chỉ tiêu đánh giá phát triển về mặt chất lượng, nông nghiệp đạt một số kết quả: Giá trị sản xuất trên/ha đạt 158 triệu đồng, tăng 58 triệu đồng/ha so với năm 2008 (tăng bình quân 5,8%/năm, đạt chỉ tiêu KH số 18); Mùa vụ sản xuất khoa học, linh hoạt, khống chế sâu bệnh..., sản xuất lúa ứng dụng chương trình 1P5G, 3G3T tăng; Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa duy trì ở tỷ lệ cao; Liên kết sản xuất nổi bật với mô hình cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị gắn với hợp tác xã kiểu mới, toàn Tỉnh có 07 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Năm 2017, tỷ lệ diện tích tham gia cánh đồng lớn đạt 7,6% (49.000/641.000 ha) tăng 6,6% so với năn 2012 (năm 2012 tỷ lệ 1%, 6.500/625.300 ha); Chăn nuôi trang trại tăng, đã có 08 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý. Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại sản phẩm xoài, cá, tôm và hiện đã. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ cao, ưu tiên tạo quỹ đất cho các dự án sản xuất theo công nghệ cao.

- Về nông dân: Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện có hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề nâng lên trong thời gian qua. Hằng năm, đào tạo 27.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng dân số quốc dân đạt 60% (Đạt chỉ tiêu KH số 18). Đời sống của nông dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 32,6 triệu đồng/năm, tăng 24 triệu đồng so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24% theo chuẩn nghèo mới.  Dân cư nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ và chính sách an sinh xã hội. Tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 77%, tăng 44% so với năm 2008… Người dân có điều kiện chủ động tham gia, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

- Về nông thôn: Dự kiến đến cuối năm 2018, An Giang có 46/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 100% so với năm 2013, vượt 03 xã theo Chương trình hành động số 04-CTr/TU.

Một số hạn chế

- Về Nông nghiệp: trong 10 năm từ 2008 – 2017, tăng trưởng nông nghiệp chậm, chỉ đạt 2,29%/năm không đạt được theo mục tiêu của Kế hoạch số 18-KH/TU (4 – 4,5%/năm).  Thực hiện Tái cơ cấu chưa có những chuyển biến mạnh mẽ về ngành hàng, một số chỉ tiêu chất lượng có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết có tăng nhưng chưa đạt tỷ lệ theo tái cơ cấu nông nghiệp. Việc chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, chưa đột phá. 

- Về nông dân: Khả năng thích nghi với sản xuất linh hoạt theo thị trường, ứng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Các chính ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn nhiều hạn chế, nông dân khó tiếp cận. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Thu nhập, khả năng tích lũy của dân cư nông thôn nhìn chung vẫn còn ở mức thấp. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới liên quan đến đời sống của người dân ở nông thôn như hộ nghèo, bảo hiểm xã hội ở các xã nông thôn mới đạt nhưng chưa ổn định và bền vững. 

- Về nông thôn: Kết cấu hạ tầng thiết yếu đã hình thành nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm để đảm bảo gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển du lịch, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Nhà máy chế biến rau, quả trên địa bàn tỉnh còn ít gây khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện tích sản xuất rau dưa tăng chậm. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống qui mô nhỏ, mức độ gắn kết với phát triển du lịch còn hạn chế. Vấn đề vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội,... còn diễn biến phức tạp.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của nước ta nói chung và An Giang nói riêng, hiện nay An Giang với 69% dân số nông thôn, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 43% dân số; cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn cao 31,13%. Do đó, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn cần được tiếp tục quan tâm hàng đầu. Phương châm của An Giang: Đột phá nông nghiệp, kết hợp phát triển du lịch và nguồn nhân lực.

- Về nông nghiệp: Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy tăng trưởng theo năng suất, sản lượng sang tư duy về tăng giá trị.

- Về nông dân: Xây dựng giai cấp nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

- Về nông thôn: Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại.
   
TRẦN ANH THƯ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37051985