Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

(TGAG)- Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh nhà những năm qua đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng, chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến... tạo nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, góp phần quan trọng vào việc tham gia phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trong 5 năm qua, ngành KH&CN đã tổ chức thực hiện 383 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN (bao gồm 52 đề tài cấp tỉnh; 284 đề tài cấp cơ sở; 47 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, tập huấn và sản xuất thử nghiệm) được triển khai thực hiện trong các lĩnh vực với tổng kinh phí là 131,2 tỷ đồng. Thông qua các đề tài, dự án, Ngành đã hỗ trợ 26 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xây dựng 218 mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN, đồng thời, đã hỗ trợ tổ chức 186 lớp tập huấn kỹ thuật, 159 hội thảo KH&CN cho khoảng 13.640 lượt cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, nông dân tham gia học tập.

Ngoài ra, đã có 276 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 10 doanh nghiệp được hỗ trợ công bố hợp chuẩn, hợp quy cho 15 sản phẩm. Trên cơ sở đó, đã giúp doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện nhiều cải tiến trong sản xuất, phát triển thương hiệu, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng cường hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm.

Từ năm 2011 đến nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực KH&CN đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổng số cán bộ công chức, viên chức có liên quan đến lĩnh vực KH&CN là 3.904 người, với 02 phó giáo sư, 37 tiến sỹ, 560 thạc sỹ, 1.738 đại học.

Về cơ sở vật chất, đã đầu tư 05 dự án với tổng mức đầu tư là 301,226 tỷ đồng (đến nay đã giải ngân được 123,552 tỷ đồng). Nhìn chung, việc đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN được quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh hạn chế nên một số dự án được phê duyệt còn phải chờ kinh phí để triển khai.

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm sản xuất vẫn còn thấp, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc huy động, tập trung nguồn lực, đặc biệt là vấn đề xã hội hóa hoạt động KH&CN chưa thực sự phát huy tác dụng. Đầu tư cho KH&CN còn thấp, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Với định hướng thay đổi mô hình tăng trưởng, từ tư duy tăng trưởng theo năng suất, sản lượng sang tư duy về tăng giá trị, ngành KH&CN trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm sản xuất, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các kỹ thuật và công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển và nguồn lực của địa phương, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng giá trị gia tăng của tỉnh. Trong đó, cần thực hiện các giải pháp để tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm đó là:

Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chế biến trên các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiềm năng của tỉnh nhằm tăng cường năng suất, chất lượng, tạo các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, viện, trung tâm, các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động nghiên cứu KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ cao có giá trị gia tăng cao. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo KH&CN, cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN. Tổ chức thực hiện các chính sách đặt hàng, đấu thầu, giao quyền sở hữu. Phát triển đồng bộ KH&CN trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả, trọng dụng cán bộ KH&CN, nhất là trí thức trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn cao. Phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao trong các doanh nghiệp.

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH&CN. Đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN. Hình thành hệ thống các quỹ phát triển KH&CN. Thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp KH&CN làm nhân tố cho sự phát triển KH&CN trong tương lai, đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư.

Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN, chủ động tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế như: ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển và ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học... Đẩy mạnh phát triển các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn nhân lực KH&CN; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả sàn giao dịch ý tưởng. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất của Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Trường Đại học An Giang./.

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40605449