Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2019 của nước ta; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới


Một số kết quả đạt được:

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tích cực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (lạm phát cơ bản tháng 1/2019 tăng 0,3% so với tháng 12/2018 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước); mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định (chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2019 giảm 0,4% so với tháng 12/2018 và tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2018); dự trữ ngoại hối tăng lên; thị trường chứng khoán hồi phục. Xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước tăng 17% so với cùng kỳ.

Thu hút vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 51,9%; giải ngân đạt khoảng 1,55 tỷ USD, tăng 9,2%. Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ; tổng lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng 5%. Có trên 10 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; quy mô vốn của doanh nghiệp tăng, số vốn đăng ký tăng 53,8%; có trên 8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Khoa học và công nghệ có bước phát triển, tạo nền tảng quan trọng trong phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam trong tương lai.

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách với người có công được quan tâm thực hiện tốt, nhất là đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón Xuân mới. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định rõ vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, có thể ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; ngay từ đầu năm xuất hiện hiện tượng nhập siêu; trật tự, an toàn giao thông chưa được bảo đảm, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (từ 16/12/2018 đến 15/01/2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.527 vụ tai nạn giao thông, làm 731 người chết; 422 người bị thương và 715 người bị thương nhẹ; tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Một số nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới:

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt phương châm của năm 2019: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ; theo dõi sát tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể ngay từ sau Tết; phấn đấu hoàn thành thắng lợi vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán là củng cố nền tảng vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thường xuyên tổ chức giao ban, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, kịp thời có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời có biện pháp hạn chế tín dụng đen.

Thứ ba, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; kiên quyết điều chuyển dự toán ngân sách sử dụng sai mục đích. Tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình.

Thứ tư, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại cuộc họp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ chốt hằng tháng.

Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình chủ động, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ, ngày 03/02/2019.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40735090