Truy cập hiện tại

Đang có 60 khách và không thành viên đang online

Thách thức và cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam

(TGAG)- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hiện nay, trong kỷ nguyên vạn vật được kết nối bởi internet. Cuộc cách mạng thứ 4 là sự kết hợp công nghệ giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Ngay trong đầu năm 2016 này, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề "Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Từ đó đến nay, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

* Thách thức

Đầu tiên là vấn đề việc làm sẽ khó khăn. Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, các hệ thống ro-bốt có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Trong khi đó, theo xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam khi 44% lao động vẫn hoạt động trong ngành nông nghiệp. Không những vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP.

Các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới như công nghệ in 3D, ro-bốt và tự động hoá lại sử dụng rất ít công nhân. Các loại hình công nghệ này sẽ thách thức mô hình “sản xuất hàng loạt” bằng mô hình “tuỳ chỉnh hàng loạt” và tự động hóa với chi phí thấp hơn. Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp, ví dụ như: lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị. Số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Ngoài ra, nhân lực kém cũng là một cản trở về nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các quy mô doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.

Quản trị nhà nước với nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi chệch hướng, không thành công như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.

Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường đầu tư kinh doanh, tích luỹ đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

* Các cơ hội

Có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hoá để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu, đặc biệt là quản lý nền kinh tế, hệ thống chính quyền các cấp, tất cả các ngành, lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.

Cơ hội phát triển nhanh hơn nhiều ngành kinh tế và phát triển những ngành mới thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học (thuộc các lĩnh vực, như: công nghiệp không gian, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp giải trí, công nghiệp sinh học, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).

Cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất, kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý) từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, Việt Nam có lợi thế đối với hai loại hình năng lượng này, bởi chi phí của nó không quá cao. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và sự phụ thuộc vào bên ngoài đối với thuỷ điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (SMAC) đang là xu hướng mới mẻ của cả thế giới, Việt Nam có cơ hội phát triển lĩnh vực này. Với lợi thế hiện có là hạ tầng intơnet tương đối tốt, giá rẻ trong khi thiết bị di động có cấu hình cao nhưng với mức giá phù hợp đang trở nên phổ biến, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng kỷ nguyên số còn cho phép chúng ta đẩy nhanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành nghề, góp phần khắc phục những khó khăn hiện có. Những ngành cần ứng dụng này nhất hiện nay là thương mại điện tử, giao thông vận tải, đo lường địa chất, hay đo lường chất lượng môi trường.

Công nghệ sinh học, y học có tác động mạnh mẽ đến năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, từ đó, tăng giá trị trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam được đánh giá vẫn có lợi thế đối với ngành nông nghiệp. Nếu có những sự cải cách về giống cùng cách thức nuôi, trồng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch với các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đối với lĩnh vực y tế, nhiều bệnh nan y, nhất là ung thư đang trở thành vấn đề sức khoẻ mang tính chất toàn cầu, gây ra những mất mát về người, sự tốn kém về kinh tế trong điều trị và ngăn chặn. Những công trình nghiên cứu của công nghệ sinh học ứng dụng thành công trong y dược, đặc biệt là trong sản xuất thuốc và trong chuẩn đoán bệnh là đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn tới đây./.

Quốc Khánh

* Tài liệu tham khảo:
- Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40004220