Tài liệu hội nghị báo cáo viên tháng 3/2015.
- Được đăng: Thứ ba, 03 Tháng 3 2015 09:35
- Lượt xem: 2959
TÌNH HÌNH THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA)
VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM
I- Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trên thế giới
1- Xu hướng phát triển của các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Hội nhập kinh tế quốc tế là gắn kết nền kinh tế của một nước với một hoặc nhiều nền kinh tế bên ngoài theo một thiết chế nhất định được thỏa thuận.
Hội nhập kinh tế quốc tế là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Sự phát triển của lực lượng sản xuất, nhất là khi được tiếp sức bởi tiến bộ khoa học - công nghệ, khiến thị trường của từng quốc gia trở nên nhỏ hẹp và buộc các nước, phát triển cũng như đang phát triển, phải ngồi lại với nhau để tìm cách khơi thông dòng chảy cho hàng hoá, dịch vụ, đồng vốn và sức lao động.
Thương mại tự do là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế và bao gồm các hình thức liên kết kinh tế như: đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh kinh tế - tiền tệ.
Trong số các hình thức liên kết trên, hiệp định thương mại tự do (FTA) là mô hình hội nhập kinh tế quốc tế phổ biến và được các nước ưu tiên nhất hiện nay. Số lượng các hiệp định thương mại tự do trên thế giới đã tăng rất nhanh kể từ sau 1995. Tính đến năm 2002, có 168 hiệp định thương mại tự do được các thành viên WTO thông báo tới Ban Thư ký WTO. Trong số này, hơn một nửa là ra đời sau năm 1995. Từ đó tới 31 tháng 7 năm 2013, các thành viên đã thông báo tới Ban Thư ký thêm 407 hiệp định nữa, nâng tổng số lên thành 575. Con số này vẫn tiếp tục tăng thêm.
Trào lưu thương mại tự do tuy xuất phát chủ yếu từ lợi ích kinh tế nhưng dưới sự khởi xướng và dẫn dắt của một số nước lớn, đã bắt đầu xuất hiện mầu sắc địa - chính trị. Các thí dụ điển hình là Nhật Bản và Ấn Độ trở nên sốt sắng với ASEAN sau khi Trung Quốc ký hiệp định thương mại tự do với ASEAN; Hiệp định TPP và chính sách "chuyển trục" của Hoa Kỳ v.v.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, là khu vực đi đầu trong tiến trình đàm phám các hiệp định thương mại tự do. Trong số 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất đang được đàm phán trên thế giới thì có 2 hiệp định (là TPP và RCEP) lấy trọng tâm là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
2- Tiêu chuẩn cao của các FTA thế hệ mới
Sau khi Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) xuất hiện vào năm 1992, nội hàm của FTA đã có sự thay đổi.
NAFTA là FTA đầu tiên có mức độ tự do hóa rất sâu về dịch vụ và đầu tư. Các vấn đề "phi truyền thống" như quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, thương mại và lao động, thương mại và môi trường cũng lần đầu tiên được đưa vào diện điều chỉnh của hiệp định thương mại tự do này. Tất cả các FTA mà Hoa Kỳ ký sau năm 1992 đều theo mô hình NAFTA, với mức độ cam kết càng ngày càng sâu. Phạm vi cũng được mở rộng thêm để bao hàm cả các vấn đề mới như chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư v.v.
Một số nước phát triển khác như EU, Nhật Bản, Xing-ga-po, Ôxtrâylia, Niu Di-lân cũng học theo mô hình này. Mức độ cam kết ở những lĩnh vực "phi truyền thống" có thể không sâu như các FTA của Hoa Kỳ, thậm chí hời hợt và không có tính ràng buộc, nhưng về phạm vi điều chỉnh thì rộng không kém.
Các FTA với tiêu chuẩn cao như vậy thường được gọi là "FTA thế hệ mới", tức là các FTA có phạm vi điều chỉnh rộng và mức độ cam kết từ sâu đến rất sâu, chủ yếu là các FTA có sự tham gia của Hoa Kỳ hoặc EU.
II- Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
1- Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia FTA của Việt Nam
Nhận thức được tính khách quan của hội nhập kinh tế quốc tế, ngay từ Đại hội VII (1991), Đảng ta đã đề ra chủ trương "đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia", "tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta đầu tư, hợp tác kinh doanh" và "gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện". Cụm từ "hội nhập", lần đầu tiên được nêu tại Đại hội VIII (1996), đã được bổ sung, nâng cao tại Đại hội IX (2001) và hoàn chỉnh tại Đại hội X (2006), theo đó, Việt Nam sẽ "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác". Tới Đại hội XI (2011), chủ trương này tiếp tục được nâng tầm thành "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế", trong đó, Việt Nam không chỉ "là bạn, đối tác tin cậy" mà còn là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm Đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện song phương, khu vực và đa phương. Về song phương, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản. Về khu vực, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, của ASEM vào năm 1996 và của APEC vào năm 1998. Cùng ASEAN, Việt Nam đã tham gia các thoả thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốxtrâylia và Niu Di-lân. Về đa phương, Việt Nam đã trở thành Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 sau hơn 11 năm đàm phán. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế không dừng lại ở đó. Để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế", Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang trong quá trình thực hiện 8 FTA. Thời điểm ký kết/tham gia 8 FTA này như sau:
Khu vực thương mại tự do | Thời điểm |
1. Giữa các nước ASEAN (CEPT/AFTA) | 1996 |
2. Giữa ASEAN và Trung Quốc | 2004 |
3. ASEAN - Nhật Bản | 2005 |
4. ASEAN - Hàn Quốc | 2006 |
5. ASEAN - Ấn Độ | 2006 |
6. ASEAN - Ôxtrâylia - Niu Dilân | 2008 |
7. Việt Nam - Nhật Bản | 2008 |
8. Việt Nam - Chi lê | 2011 |
Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 7 FTA nữa, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực RCEP (hay ASEAN+6), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hồng Công (Trung Quốc), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do với các nước thuộc khối EFTA (Na-uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len và Lich-ten-xtai); Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan; và Hiệp định Thương mại tự do song phương với Hàn Quốc. Trong số 7 FTA này, 2 FTA (Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan và Hiệp định Thương mại tự do song phương với Hàn Quốc) đã kết thúc quá trình đàm phán và đi vào rà soát pháp lý trước khi ký chính thức; 2 FTA (FTA với EU và TPP) đang đi vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình đàm phán.
2- Nguyên tắc và định hướng tham gia của ta trong các FTA
Mặc dù quá trình đàm phán và tham gia mỗi FTA đều có điểm đặc thù nhưng tựu chung lại, ta luôn cố gắng đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Thiết lập và củng cố trạng thái cân bằng động trong quan hệ với các đối tác, giúp ta có được thế đứng vững chắc trong quan hệ quốc tế, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, không quá phụ thuộc vào một thị trường hay một khu vực thị trường nào.
- Lưu ý cân đối giữa nghĩa vụ và lợi ích thu được, bảo đảm lợi ích thu được trong dài hạn phải lớn hơn chi phí bỏ ra.
- Mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà ta có thế mạnh, góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
- Tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế.
- Thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn.
III- Các nội dung chính của các FTA
Các FTA ta đang đàm phán có tiêu chuẩn khá khác nhau, tùy thuộc vào lợi ích và quan tâm của các bên. Hoa Kỳ và EU có thị trường lớn nên cũng thường yêu cầu các đối tác đàm phán mở cửa rộng và sâu hơn so với các cuộc đàm phán khác. Tuy nhiên, một số nội chính trong các FTA mà ta đang đàm phán là:
1- Thương mại hàng hóa
- Thuế nhập khẩu: Trọng tâm trong tự do hóa thương mại hàng hóa là việc đàm phán cắt giảm thuế nhập khẩu. Trong tất cả các FTA, Hoa Kỳ và EU đều hướng tới việc đưa ra cam kết với tất cả các mặt hàng trong biểu thuế. Chính vì vậy, đây cũng là yêu cầu ta gặp phải trong đàm phán TPP và FTA với EU. Hiệp định với các đối tác khác thường có yêu cầu về cắt giảm thuế nhập khẩu thấp hơn nhưng nhìn chung cũng hướng đến đại đa số các dòng trong biểu thuế (khoảng trên dưới 90%). Tất nhiên, khi ta mở cửa thị trường thì các nước cũng chấp nhận mở cửa cho hàng hóa của ta với mức độ cao hơn và lộ trình nhanh hơn (do trình độ phát triển của ta thấp hơn). Đặc biệt, ta chỉ ký các FTA nếu lợi ích cốt lõi của ta như dệt may, giày dép, nông sản, hải sản được đảm bảo.
Tuy nhiên, tất cả các hiệp định ta đang đàm phán, kể cả các hiệp định có tiêu chuẩn cao, đều có cam kết cắt giảm thuế thấp hơn so với lộ trình cắt giảm thuế của ta trong ASEAN. Như vậy, ít nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp sẽ có thời gian thích ứng trong ASEAN trước khi phải cạnh tranh với hàng hóa từ các đối tác khác.
- Ngoài thuế nhập khẩu, các FTA cũng có nhiều nội dung liên quan đến các biện pháp phi thuế, hàng rào kỹ thuật v.v... để hàng hóa có thể lưu thông dễ dàng. Riêng TPP và FTA với EU còn có thêm nội dung về bãi bỏ thuế xuất khẩu với các mặt hàng theo đồng thuận của các bên.
2- Mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư
Nghĩa vụ chính là mở cửa thị trường và không phân biệt đối xử (giữa các nước với nhau và giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài). Nước nào muốn bảo lưu biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường hoặc phân biệt đối xử thì liệt kê biện pháp đó vào một danh mục (cách tiếp cận chọn-bỏ). Thường cam kết ở mức WTO+, thậm chí là WTO++ (tức là cao hơn rất nhiều so với các cam kết khi ta gia nhập WTO). Đối với các dịch vụ quan trọng như viễn thông, phân phối, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, v.v., dự kiến mức cam kết sẽ cao hơn nhiều so với các cam kết ta đã đưa ra trong WTO trước đây. Do vậy, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư cũng là một trong những nội dung đàm phán có thách thức lớn nhất đối với nước ta do năng lực cạnh tranh ở một số ngành dịch vụ chưa cao.
Bên cạnh các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư mang tính truyền thống, riêng TPP và FTA với EU còn có một số nội dung sau:
3- Mua sắm của Chính phủ (MSCP)
Đàm phán về MSCP tập trung vào các nội dung chủ yếu là:
• Không phân biệt đối xử giữa các nhà thầu, giữa hang hóa và dịch vụ trong nước và nước ngoài;
• Sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, hạn chế đấu thầu chỉ định hoặc đấu thầu trong phạm vi hẹp;
• Minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu của quá trình đấu thầu v.v.
Các nguyên tắc trên không áp dụng với: mua sắm phục vụ an ninh, quốc phòng; mua sắm với giá trị nhỏ hơn ngưỡng nhất định; mua hoặc thuê bất động sản; mua sắm nhằm mục đích trợ cấp, trợ giá, mua sắm theo các chương trình kích thích tài khóa (thí dụ như chương trình kích cầu) v.v. Một số cơ quan, hàng hóa, dịch vụ nhạy cảm cũng không chịu sự điều chỉnh của cam kết. Nhiều nghĩa vụ được phép có thời gian chuyển đổi dài, thậm chí tới 12-15 năm.
4- Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
Nghĩa vụ chủ yếu là (i) DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (ii) giảm ưu đãi và can thiệp của Nhà nước nếu ưu đãi và can thiệp đó gây tác động bất lợi cho thương mại và đầu tư giữa các bên; và (iii) tăng cường minh bạch hóa hoạt động của DNNN.
5- Sở hữu trí tuệ (SHTT)
Mức độ cam kết dự kiến sâu hơn nhiều so với WTO. Các vấn đề khó nhất bao gồm:
• Nâng cao mức độ bảo hộ đối với dược phẩm.
• Thực thi bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số (áp đặt nghĩa vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet).
• Bổ sung xử lý hình sự một số vi phạm về quyền SHTT thay vì chỉ xử lý hành chính.
Tuy nhiên, dự kiến các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ được dành thời gian chuyển đổi đủ dài để thực hiện các nghĩa vụ khó.
6- Lao động – môi trường
Các nước cũng đặt ra việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế ví dụ như: tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các tiêu chuẩn về bảo tồn môi trường của Liên Hiệp Quốc v.v.
IV- Bài học kinh nghiệm và phương hướng triển khai thời gian tới
Để chuẩn bị cho giai đoạn mới hội nhập cao hơn thông qua việc đàm phán và ký kết các FTA, ngày 09 tháng 8 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1051/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tham gia các hiệp định thương mại tự do đến năm 2020. Chiến lược đã tổng kết quá trình tham gia các FTA của Việt Nam từ trước tới nay, các mặt được và chưa được, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để nâng cao hiệu quả của việc tham gia các FTA cho tới năm 2020.
Căn cứ Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ, ta đã thúc đẩy đàm phán các FTA với những đối tác có nền kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam, có tiềm năng thúc đẩy phát triển quan hệ tổng thể lên tầm cao mới. Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ để kết thúc về cơ bản Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan và Hiệp định Thương mại tự do song phương với Hàn Quốc. FTA với EU và TPP cũng đang đi vào giai đoạn nước rút cuối cùng. Việc ký kết và thực hiện các hiệp định trên trong thời gian tới sẽ đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ đặt ra không ít thách thức.
Từ giác độ của cơ quan trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương xin được nhấn mạnh thêm các nội dung sau:
1. Sự thống nhất về quan điểm, nhận thức và hành động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chỉ khi có sự thống nhất về quan điểm mới có thể có cách tiếp cận đúng đắn trong đàm phán cũng như thực thi cam kết quốc tế sau này. Tới đây, khi ta bước vào giai doạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh thông qua các FTA có tiêu chuẩn cao, cần tiếp tục thống nhất về quan điểm, nhận thức và hành động cho phù hợp với tình hình mới.
2. Đàm phán, ký kết và thực thi các FTA cần gắn kết chặt chẽ với việc thực thi Chiến lược phát triển KTXH thời kỳ 2011-2020, gắn với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm hơn tới các lĩnh vực có thể giúp ta từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, minh bạch hóa và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.
3. Đàm phán ký kết và thực thi các FTA cần hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Từ đây, cần quan tâm thúc đẩy thương mại với các thị trường mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh với ta.
4. Sẽ rất khó thấy được tác dụng tích cực của FTA và nắm bắt được các cơ hội do FTA mang lại nếu không có các giải pháp phụ trợ đồng bộ, nhất là về thể chế. Việc đổi mới về thể chế, sớm sửa đổi đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại – đầu tư và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thời gian tới.
5. Cần có biện pháp để cung cấp thông tin đầy đủ, có các biện pháp hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được tốt các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại./.