Truy cập hiện tại

Đang có 35 khách và không thành viên đang online

An Giang nhớ ơn bác Sáu Dân

(TUAG)- Nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mọi người nhắc đến tên gọi thân thương "bác Sáu Dân" bởi tính cách, con người "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Với người dân cả nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhân dân biết đến là người mang tư duy sáng tạo cho công cuộc đổi mới. Với người dân An Giang, những công trình, những cống hiến của ông luôn gieo vào lòng người dân sự biết ơn vô hạn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ nhỏ ông đã phải đi ở đợ cho các phú hộ trong vùng. Sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1938 ông tham gia phong trào thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm, cùng lãnh đạo quân dân ta đi qua hai cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trên con đường xây dựng đất nước, ông luôn đi đầu trong suy nghĩ và hành động cách mạng, luôn là người lãnh đạo chỉ huy ở tuyến đầu kiên cường, dũng cảm, tận tuỵ, được mọi người yêu quí và kính trọng.

Ký ức đồng phèn

Đứng trên cầu T5, đầu tuyến kênh Võ Văn Kiệt ở cánh đồng Lạc Quới, huyện Tri Tôn - An Giang phóng tầm mắt về hướng biển Tây sẽ cảm nhận được một sức sống mới thật mãnh liệt từ màu xanh đầy sức sống của cây lúa, của dòng nước ở một vùng hoang hóa thuở nào.
Vùng Tứ giác Long Xuyên trước đây được biết đến là “túi phèn” của Đồng bằng sông Cửu Long. Do địa hình trũng, vùng này thường bị ngập sâu vào mùa lũ nhưng lại bị khô hạn, nhiễm phèn, xâm nhập mặn vào mùa khô. Những năm 1988 - 1989, tỉnh An Giang và Kiên Giang đã nỗ lực đưa dân vào khai phá vùng đất hoang hóa, được mô tả là “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Khi đồng hoang được khai phá, những cư dân sớm của vùng Lạc Quới bắt đầu trồng lúa, song phèn, mặn vẫn còn rất nặng, lúa trồng xuống gặp mưa, nước dậy phèn liền cháy úa. Những đợt mưa lớn làm loãng bớt phèn và cây lúa dần dần cũng bén rễ được ở vùng đất mới nhưng chỉ làm được lúa mùa. Khó khăn nhất của vùng đất này là nước ngọt cho cả sinh hoạt và tưới mát ruộng đồng. Bao nhiêu năm làm lúa, nông dân ở đây chỉ trông cậy vào nguồn “nước trời” và cũng chỉ có cây lúa mùa mới chịu đựng được. Với diện tích tự nhiên khoảng 489.000 ha nhưng năm 1990, sản lượng lúa toàn vùng chỉ đạt trên 1 triệu tấn.

Trung tuần tháng 7/1996, trong lần về An Giang khảo sát tình hình, tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn mới, sau 2 ngày đi thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến với cán bộ, Nhân dân và các nhà khoa học, bác Sáu Dân đã quyết định đào con kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) mà không phải qua các khâu trình duyệt của thủ tục hành chính như thường lệ.

Kênh Võ Văn Kiệt được xem như hạng mục hoàn chỉnh cho hệ thống công trình tiêu thoát lũ, chinh phục vùng đất mà các nhà khoa học gọi là “túi phèn”. Kênh dài gần 37 km, khởi nguồn từ kênh Vĩnh Tế chạy thẳng ra biển Tây (Kiên Giang). Kênh có mặt 30 - 36m; đáy rộng 20m, sâu 4 - 4,5m với tổng lượng đất đào gần 8 triệu m3 nhưng hoàn tất chỉ sau 4 tháng khởi đào.

Nước mát, đồng xanh

Sự quyết đoán của bác Sáu Dân đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ giác Long Xuyên mà nhiều thế hệ trước đó đã chào thua. Trong 5 năm đầu đã khai hoang, phục hóa hơn 90.000 ha, đưa sản lượng lúa của An Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước, từ 1 triệu tấn/năm (1989) lên 2 triệu tấn/năm (1996) và trên 3 triệu tấn (2003), 2 tỉnh giáp ranh là Đồng Tháp và Kiên Giang cũng hưởng lợi, có sản lượng lúa tương đương An Giang (mỗi tỉnh gần 3 triệu tấn/năm), tổng cộng sản lượng lúa của 3 tỉnh cộng lại khoảng 9 triệu tấn trong hơn 17 triệu tấn lúa mỗi năm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã góp phần đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới.



Tiếp theo đó, năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng với các bộ, ngành liên quan và chính quyền hai tỉnh An Giang, Kiên Giang quyết định đào hệ thống các kênh T4, T5, T6 có tổng chiều dài trên 100 km, từ An Giang qua Kiên Giang. Sau 2 năm, các công trình hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1999.

Đây là hệ thống kênh giúp thoát nhanh nước lũ từ Campuchia đổ sang, tạo mực nước vừa phải cho người dân khai thác làm kinh tế trong mùa lũ; giúp tháo chua, rửa phèn, ngăn mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên, cải tạo đất hoang hóa, nâng vòng quay của đất trồng lúa, hoa màu, thuận lợi nuôi thủy sản.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Càng lùi thời gian càng cảm nhận rõ giá trị của tầm nhìn xa, quyết sách đúng đắn của hai con kênh (Vĩnh Tế - Võ Văn Kiệt) cho muôn đời con cháu mai sau. Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên. Ghe thuyền tấp nập bán buôn dập dìu. Ở Lạc Quới, xưa và nay quyện chặt, sự tiếp nối mãnh liệt về khát vọng phồn vinh hơn cho một vùng đất hiển hiện rõ ràng.

Để tri ân bác Sáu Dân, ngày 10/7/2009, tỉnh An Giang ra nghị quyết chính thức đặt tên kênh T5 là “kênh Võ Văn Kiệt”. Hai năm sau, ghi nhớ công ơn của ông, tỉnh cho dựng bia và phù điêu chân dung ông tại đầu vàm kênh T5, đặt trong công viên mang tên Võ Văn Kiệt (rộng hơn 4.500 m2, phía trước Ủy ban nhân dân xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn).



Bia và công viên được long trọng khánh thành ngày 11/6/2011. Bia cao khoảng 18 m, phần trên là phù điêu bằng chất liệu composite màu vàng chạm khắc chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần dưới là bản văn bia chữ vàng trên nền đá granite màu đỏ nâu sậm. Bia do họa sĩ Dương Đình Chiến thiết kế và thực hiện.

Văn bia do ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh), một người rất tâm huyết và tâm đắc với các công trình của bác Sáu Dân, viết về ý nghĩa và bối cảnh thực hiện con kênh. Bài viết ngắn gọn nhưng súc tích, khởi đầu bằng đoạn: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…”, kết thúc bởi câu: “Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ người dân An Giang hôm nay hướng dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”.


Mây trắng ngàn năm vờn trên Bảy Núi là ngàn năm những người nông dân chân nặng dấu phèn đọng hoài nỗi nhớ về dấu ấn của một con người như tượng đài sâu thẳm trong lòng dân đó chính là bác Sáu Dân. Ngày nay, cứ đến giỗ bác Sáu (ngày 8/5 âm lịch), huyện Tri Tôn tổ chức lễ giỗ trang trọng ngay đầu kênh Võ Văn Kiệt, một cách để nhắc nhở thế hệ hôm nay không quên công ơn của các bậc tiền nhân. Đây cũng chính là nét sống, là văn hóa đong đầy nghĩa tình nơi miền biên viễn phương Nam./.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37251207