Truy cập hiện tại

Đang có 311 khách và không thành viên đang online

Sự khiêm tốn và giản dị của một thiên tài

(TUAG)- Ph.Ăngghen nhà cách mạng, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị, nhà giáo dục người Đức, người đã cùng Các Mác (Karl Marx) sáng lập, phát triển học thuyết về chủ nghĩa cộng sản, lý luận về con đường cách mạng, khoa học để xây dựng hình thái kinh tế - xã hội mới không còn áp bức giai cấp. Với bộ óc thiên tài, nhưng ông luôn giữ trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ăng-ghen đã kiến tạo một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, trở thành một trong những người in dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới.
 

Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình tư sản công nghiệp ở thành phố Bác - men, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay). Dòng tộc ông sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ gồm các cơ sở sản xuất và buôn bán hàng dệt may. Với truyền thống và cơ ngơi của dòng tộc như vậy, cha của Ph.Ăngghen muốn Ph.Ăngghen trở thành thương gia và sau này sẽ là người kế nghiệp mình nên khi Ph.Ăngghen chưa tốt nghiệp trung học, ông đã phải chuyển sang học nghề buôn theo quyết định của cha mình. Mặc dù phải làm theo ý của cha nhưng khát vọng của Ph.Ăngghen không phải trở thành một nhà tư bản giàu có, vì sống trong dòng tộc tư bản công nghiệp, ông hiểu rất rõ sự giàu có của các nhà tư bản hình thành trên sự nghèo đói của công nhân như thế nào. Ông muốn đứng trong hàng ngũ của những người có lý tưởng nhân đạo, muốn hoạt động để xóa bỏ sự nghèo nàn, tủi nhục.

Khát vọng này từng bước đã được ông thực hiện, nhất là từ khi gặp C.Mác lần thứ hai vào tháng 8/1844 tại Pari. Từ ngày vận mệnh giữa C.Mác và Ph.Ăngghen gắn liền với nhau, thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn lớn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C. Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại; đồng thời, muốn hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh thì phải hiểu những tác phẩm và hoạt động của Ph.Ăngghen.

Trong những tác phẩm viết chung với C.Mác cũng như những tác phẩm của riêng mình, những luận điểm quan trọng nhất của triết học mác-xít đã được Ph.Ăngghen trình bày một cách có hệ thống, đầy sức thuyết phục. Sau khi C.Mác mất (1883), Ph.Ăngghen đã tập trung sức lực và trí tuệ tiếp tục sự nghiệp tổ chức, giác ngộ giai cấp công nhân, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Một trong những cống hiến to lớn của Ph.Ăngghen là ông đã đảm đương một khối lượng công việc vô cùng nặng nề, khó khăn để chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III bộ “Tư bản” - tác phẩm kinh tế - chính trị học vĩ đại nhất của thế kỷ.

Đánh giá công lao của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, V.I.Lênin viết: “Sau C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”. Với đức tính khiêm nhường và giản dị, đã nhiều lần Ph.Ăngghen tuyên bố ông chỉ là một “cây vĩ cầm nhỏ bé” bên cạnh C.Mác.

Ph.Ăngghen đã thể hiện phẩm chất tuyệt vời của một thiên tài cộng sản khi khiêm tốn cho rằng: Không có ông thì C.Mác vẫn có thể làm được những điều ông làm, nhưng điều mà C.Mác làm thì ông không thể làm được. C.Mác đã “đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh hơn tất cả”. C.Mác là một thiên tài, nếu không có C.Mác thì lý luận khó mà được như ngày nay, vì vậy, lý luận đó mang tên C.Mác là “điều chính đáng” . Tuy nhiên trên thực tế, với những tác phẩm viết riêng, cùng những tác phẩm viết chung và những tác phẩm viết sau khi C.Mác từ trần, chứng tỏ Ph.Ăngghen là “một nhà bác học thiên tài” (từ của C.Mác gọi Ph.Ăngghen).

Ph.Ăngghen xứng danh là “người thầy vĩ đại” của giai cấp công nhân toàn thế giới. Tận hôm nay, mặc dù tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về Chủ nghĩa Xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Tài năng và đức độ của ông, tình bạn cao cả, vĩ đại của ông với C.Mác là tấm gương sáng cho những người cộng sản và nhân loại trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2022) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sự thông thái, tấm gương khiêm tốn, giản dị của nhà bác học, người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản hiện đại. Di sản của ông luôn là những định hướng về trí tuệ để chúng ta nhận thức và hành động. Qua đó, luôn nhắc nhở chúng ta cần trang bị cho mình đức tính khiêm tốn và giản dị, nhất là đảng viên trong một tập thể có vai trò như “một cánh én nhỏ” để “làm nên mùa xuân”, dù ở vị trí, cương vị nào cũng cần làm tròn bổn phận của mình với một thái độ gương mẫu, chính trực và khiêm nhường. Mỗi đảng viên tự rèn giũa bản thân chính là góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.

Ngọc Hân
TTCTTT số 11-2022
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37018788