Truy cập hiện tại

Đang có 210 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam 20/10: CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN

(TGAG)- Gần như đa số những người lớn tuổi có tham gia kháng chiến ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp đều biết bà Hai Bé: Người làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc quận Chợ Mới từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rồi Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Long Xuyên, tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu Sa thời kháng chiến chống Pháp, Hội phó Phụ  nữ tỉnh An Giang thời kỳ chống Mỹ và sau Ngày đất nước thống nhất cho đến lúc nghỉ hưu năm 1979.

Lặn lội với quần chúng từ Đồng Tháp Mười đến vùng đô thị, vùng tôn giáo và đồng bào dân tộc Bảy Núi suốt hai thời kỳ kháng chiến. Vì vậy mà cái tên của bà quen thuộc với nhiều nơi và trở thành địa danh như ở Ô Tà Sóc, núi Dài có ô bà Hai Bé, hang bà Hai Bé. Đó là những nơi cơ quan phụ nữ tỉnh ở lúc chiến tranh chống Mỹ mà bà là đại diện, nên tên bà được gọi như một “mật danh”.

Bà tên thật là Nguyện Thị Ảnh, sinh năm 1917 tại làng Tân Thạnh, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình nông dân nghèo, cha và nhiều bà con đều tham gia cách mạng, chịu ảnh hưởng của gia đình và vùng quê hương nổi tiếng cộng sản của đất Nam Kỳ trong những năm đầu thành lập Đảng.

Năm 1930, bà mới 13 tuổi, cái tuổi thơ ngây đó cũng đã biết ghét Tây, cũng tham gia biểu tình tại quận lỵ Chợ Mới rồi bị đàn áp, khi thiên hạ chạy, làng lính rượt đạp lên mình tưởng chết. 13 tuổi đã biết thế nào là tranh đấu, biểu tình và nếm mùi khủng bố của giặc!.

Năm 1932, mới 15 tuổi bà đã bị bắt về tội làm “Quốc sự”, bị giam ở khám Long Xuyên rồi khám lớn Sài Gòn. Là tù nhân nhỏ nhất trong khám đường, nên bà được anh chị đặt tên Bé. Tên Bé sinh ra trong hoàn cảnh lao lung ấy mà trở nên dày dạn để thay cho cái tên Ảnh cha mẹ gọi chốn quê nhà. Và cái tên Bé “kỷ niệm” lần vào tù đầu tiên ấy, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của bà, với đồng chí, đồng bào suốt cuộc đời và tới tận hôm nay.

Bị giam 10 tháng thì bà được trả tự do. Nhưng không đầy 2 năm sau, năm 1934 bà bị bắt lần nữa, bị giam ở Chợ Mới, Long Xuyên, rồi đáo lên khám lớn Sài Gòn “đoàn tụ” với bạn tù xưa, cho đến năm 1936, nhờ phong trào Mặt trận Bình dân mà bà được tự do.

Năm 1940, khi chuẩn bị Khởi nghĩa Nam kỳ thì bà bị bắt. Lần này bọn giặc đã quen mặt bà, nên nó đầy đi Bà Rá, Tà Lài là nơi rừng thiêng nước độc, cách biệt với xóm làng, nơi nổi tiếng độc ác với tù nhân. Ở đây bà có được những người bạn tù trẻ với nhiều điểm tương đồng nên trở thành thân thiết.

Cùng thời, đồng trang lứa và có phần đồng cảnh ngộ với Bà Hai Bé còn có Bà Năm Liễu, Cô Tư Tiếu, Cô Ba Nhiên, Cô Tư Ngoan, Cô Tư Bình… tất cả đều tham gia cách mạng từ thời còn rất trẻ với một niềm tin mảnh liệt về chân lý. Chính vì vậy các cô, các chị sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh; chịu đựng những trận đòn roi man rợ của kẻ thù, chịu đựng hàng chục năm trong lao tù đế quốc; hy sinh cả chồng, con, hy sinh cả xương máu, tuổi xuân và hy sinh tính mạng của chính bản thân mình để đất nước được tự do, độc lập. Cao cả nhất là sự hy sinh tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng mới vừa hứa hôn hoặc cưới nhau chưa tròn tháng đành phải chấp hành quyết định của tổ chức để thoát ly hoạt động cách mạng biền biệt cả 10 năm, 20 năm…cho đến ngày toàn thắng thì cả hai tóc đã bạc màu. Có người vừa mới ra tù chưa kịp trùng phùng cùng gia đình thì người còn lại bị bắt vào tù. Không ít vợ chồng gặp nhau trong chốn lao tù. Những bà mẹ đành gởi con thơ cho người thân, cho cơ sở nuôi hoặc gửi trẻ đi ra miền Bắc học tập trong lúc bầu sữa mẹ căng đầy đau nhức vì nhớ con, vì tức sữa. Và những bà mẹ khi hòa bình lặp lại chưa kịp trọn niềm vui mừng ngày thống nhất thì khi đón nhận con trở về phải nuốt ngược nước mắt vào tim vì những thói quen, tâm lý cò phần xa lạ do sự chia cách quá lâu! Sự thử thách tình cảm có phần nghiệt ngã với những gia đình tham gia cách mạng.

Tất cả những mẫu chuyện bi hùng trong kháng chiến nhắc nhở chúng ta không được quên trong cuộc sống bộn bề hiện tại. Nhớ để sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội là cách sống có ý nghĩa với những hy sinh thầm lặng của các thế hệ tiền bối cách mạng, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những cánh đầu đàn trong đội quân tóc dài An Giang./.

NGUYỄN THỊ THÔN TRÀ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37174984