Truy cập hiện tại

Đang có 121 khách và không thành viên đang online

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Bầu cử Quốc hội tại Campuchia; Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí giảm căng thẳng thương mại; Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc-ASEAN; Hội nghị thượng đỉnh BRICS; Vỡ đập thủy điện tại Lào; Cháy rừng nghiêm trọng tại Hy Lạp... là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Bầu cử Quốc hội tại Campuchia

Bắt đầu từ 7 giờ sáng 29/7, cử tri Campuchia đã đi bỏ phiếu tại 22.967 điểm bỏ phiếu trong cả nước, để bầu 125 Nghị sĩ Quốc hội khóa VI. Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC), đã có khoảng 8,3 triệu cử tri đăng ký tham gia cuộc bầu cử lần này.

Thủ tướng, Chủ tịch Đảng CPP Hun Sen và phu nhân đi bỏ phiếu tại tỉnh Kandal (Ảnh: TTXVN)

Tham gia tranh cử lần này có 20 chính đảng, trong đó đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và một số đảng khác đã có nhiều hoạt động vận động cử tri mạnh mẽ.

Thủ tướng Campuchia đồng thời là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và phu nhân, bà Bunrany Hun Sen đã đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở trường Cao đẳng Sư phạm tại thị xã Ta Khmau, tỉnh Kandal. Trong khi đó, lãnh đạo các chính đảng khác hầu hết đều thực hiện quyền công dân của mình tại các điểm bỏ phiếu ở thủ đô Phnom Penh. Sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng Hun Sen đưa ngón tay đã được nhúng mực để chứng nhận đã bỏ phiếu theo thủ tục cho báo chí chứng kiến.

Để bảo đảm trật tự, an toàn và an ninh tại các điểm bỏ phiếu, Bộ Nội vụ Campuchia cho biết đã có khoảng 80.000 cảnh sát, binh sỹ được triển khai.

Bên cạnh đó, theo NEC, gần 100.000 quan sát viên của 20 đảng tham gia tranh cử và 112 tổ chức dân sự-xã hội trong nước cũng như khoảng 500 quan sát viên quốc tế, đến từ 42 nước sẽ tham gia giám sát cuộc bầu cử. Ngoài ra, khoảng 900 nhà báo, trong đó có gần 100 nhà báo quốc tế, đã đến Campuchia để tác nghiệp.

Dự kiến NEC sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 11/8 trong trường hợp không có khiếu kiện buộc phải tổ chức bầu cử lại; và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 15/8 tới. Tuy nhiên, các đảng có thể công bố kết quả sơ khởi ngay trong ngày dựa trên tổng hợp của các quan sát viên của đảng mình..

Trong cuối ngày 29/7, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này. Trả lời cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters, người phát ngôn CPP Sok Eysan cho biết: "CPP đã giành được 80% số phiếu và ước tính chúng tôi sẽ nhận được không dưới 100 ghế nghị sĩ quốc hội". Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa xã dẫn kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) cũng cho biết đảng CPP đã giành đa số trong cuộc tổng tuyển cử.

Kết quả bỏ phiếu trên cả nước hiện vẫn chưa được công bố. NEC cho biết đã có 80,49% số cử tri Campuchia, tương đương gần 6,75 triệu cử tri trong số hơn 8,38 triệu cử tri đăng ký, đã tham gia bỏ phiếu, cao hơn nhiều so với trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013 (69,60%).

Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí giảm căng thẳng thương mại

Ngày 25/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã có cuộc đàm phán thương mại tại Nhà Trắng nhằm nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa hai bên. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu gia tăng, thậm chí quan hệ giữa hai bên đã có nhiều diễn biến, đe dọa đổ vỡ kể từ sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền tháng 1/2017.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu đã đạt được “bước đột phá” quan trọng trong việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai bờ Đại Tây Dương với việc hai bên nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động. Mỹ và Liên minh châu Âu còn thỏa thuận tăng cường thương mại trong một loạt lĩnh vực như dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến thuế nhôm thép và các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ được hai bên ưu tiên giải quyết…

Các nhà phân tích nhận định, kết quả trên cho thấy các nền kinh tế lớn có thể giải quyết được bất đồng thông qua đối thoại để tránh bất kỳ cuộc chiến thương mại nào. Giới phân tích cho rằng những nhượng bộ của hai bên lần này là một bước tiến, bởi lẽ Mỹ và Liên minh châu Âu đều nhận thấy rằng hạ nhiệt căng thẳng hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, thậm chí cho cả nền kinh tế toàn cầu.

Khai mạc Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc–ASEAN

Ngày 26/7, tại thủ đô Bắc Kinh, Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc – ASEAN (CABC) đã tổ chức “Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc – ASEAN” với sự tham gia của 300 đại biểu Trung Quốc và ASEAN, trong đó gồm có nhiều doanh nghiệp, quan chức ngoại giao và thương mại đến từ các nước.

Các đại biểu đã tiến hành trình bày và thảo luận tại đối thoại với chủ đề “Ứng phó biến đổi, chung sức phát triển”. Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch CABC Hứa Ninh Ninh, cho biết, năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN. Trong 15 năm qua, sự hợp tác toàn diện, triển khai sâu rộng, hợp tác ngày càng mật thiết, phong phú không những đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN, mà còn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như ổn định khu vực. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hứa Ninh Ninh, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc – gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và ASEAN – quan hệ thương mại Trung Quốc – ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Tại đối thoại, các tham tán ASEAN cũng đã tiến hành giới thiệu về tình hình sản xuất kinh tế của từng nước và các chính sách hữu quan, đồng thời cùng với các đại biểu Trung Quốc chia sẻ những cơ hội kinh doanh đáng nắm bắt. Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, ông Đào Việt Anh cho hay Trung Quốc hiện xếp thứ 8 trong số các nước đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại Việt – Trung cũng đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2017 với mức tăng trưởng 23,4%. Theo Tham tán Đào Việt Anh, 2 năm tới, hai bên sẽ có tiềm lực phát triển to lớn trong các lĩnh vực hợp tác như ngành chế tạo và lắp ráp linh kiện, công nghệ cao, năng lượng, trồng trọt và chăn nuôi thủy sản, gia công thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng và y dược…

Cuối buổi đối thoại, các đại biểu hai bên đã ra “Đề xuất Bắc Kinh” và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó nhấn mạnh việc tích cực tăng cường trao đổi thông tin trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và thị trường; phối hợp thực thi Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc – ASEAN, phối hợp triển khai các dự án hợp tác kinh tế giữa các chính phủ…

Được biết, tính đến tháng 5/2018, tổng lượng đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN đã vượt  200 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN lên tới 86,5 tỷ USD, trong khi phía ASEAN đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc là 113,9 tỷ USD.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS đạt nhiều kết quả quan trọng

Từ ngày 25 đến 27/7/2018, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Sandton, thành phố Johannesburg của Nam Phi với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Với chủ đề “BRICS tại châu Phi: Hợp tác vì sự tăng trưởng bao trùm và thịnh vượng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm khi đề cập đến vấn đề mang tính xu thế thời đại là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Trong khi đó, châu Phi, khu vực tuy giàu tài nguyên song vẫn bị coi là chậm phát triển nhất thế giới, được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội to lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như giải quyết những thách thức phát sinh.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo 5 nước BRICS đã thông qua Tuyên bố chung gồm 5 phần. Theo đó, các thành viên nhất trí hài lòng với những thành quả mà nhóm đạt được trong 10 năm qua nhờ hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung. Đồng thời, các lãnh đạo cũng tìm được tiếng nói chung ủng hộ thương mại toàn cầu, cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ sau những đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước hoan nghênh việc thành lập Cơ quan hợp tác về Cách mạng công nghiệp mới BRICS (PartNIR), cũng như kế hoạch thành lập các đơn vị hỗ trợ hoạt động của cơ quan này. Nhiệm vụ trọng tâm của PartNIR là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS trong lĩnh vực số hóa, công nghiệp hóa, đột phá, đồng bộ và đầu tư nhằm tối đa hóa cơ hội phát triển, cũng như ứng phó với các thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi ở mức ổn định và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo cấp số nhân, việc BRICS thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần định hình cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu mới, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của khối trên trường quốc tế là điều cần thiết.

Ông Imran Khan tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Pakistan

Ngày 25/7, các cử tri Pakistan tham gia cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra 227 nghị sĩ Quốc hội và 577 đại biểu tại 4 hội đồng lập pháp tỉnh gồm Khyber Pakhtunkhwa, Punjab, Balochistan và Sindh.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của gần 50% trong tổng số 85.000 điểm bỏ phiếu, thì đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của chính trị gia Imran Khan tạm dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử. Vị trí thứ hai là đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và vị trí thứ ba thuộc về đảng Nhân dân Pakistan (PPP) do con trai của cố Thủ tướng Benazir Bhutto đứng đầu.

Sau đó một ngày, chính trị gia Imran Khan đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan. Tuy nhiên, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã bác bỏ kết quả trên vì cho rằng kết quả sơ bộ cho thấy đảng PTI nhiều khả năng giành đa số phiếu ủng hộ, đồng thời cáo buộc có gian lận bầu cử và sẽ tiến hành các cuộc biểu tình chống lại các hành vi gian lận. Trước những cáo buộc trên, Ủy ban bầu cử Pakistan (ECP) đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố ủy ban này đã "làm đúng công việc của mình".

Trong khi đó, ngay sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan, chính trị gia Imran Khan đã đưa ra nhiều cam kết và đường hướng cho thời gian sắp tới của mình. Theo đó, ông chú trọng giải quyết các bất đồng về khu vực tranh chấp Kashmir với Ấn Độ thông qua đối thoại, đồng thời ông bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ "cùng có lợi" với Mỹ, cũng như đạt được hòa bình ở Afghanistan. Ông cũng cam kết đảng PTI của ông sẽ lãnh đạo Pakistan theo cách mới, cũng như sẽ điều tra tất cả các khiếu nại về kết quả bầu cử.

Quân đội Israel tấn công Hamas ở Dải Gaza

Trong mấy tuần qua, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các vị trí quân sự ở Dải Gaza, trong khi các tay súng Palestine ở vùng lãnh thổ này cũng bắn nhiều rốc-két vào Israel.

Mới đây nhất, vào ngày 25/7, quân đội Israel đã nã pháo vào các vị trí quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, khiến 3 người Palestine thiệt mạng. Cuộc giao tranh trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi các thủ lĩnh Hamas tại Gaza đồng ý thực hiện ngừng bắn với Israel nhằm ngăn chặn thù địch leo thang.

Các quan chức an ninh tại Gaza cho biết xe tăng của Israel đã nã pháo vào 4 vị trí thuộc cánh vũ trang Lữ đoàn al-Qassam thuộc Hamas. Trong khi đó, một người phát ngôn của quân đội Israel cũng xác nhận xe tăng quân đội đã nã pháo vào khu vực phía Đông Gaza để đáp trả vụ bắn rốc-két ngày 20/7 trước đó từ Gaza nhằm vào lực lượng quân đội Israel tại biên giới, khiến 1 binh sĩ Israel bị thương trong vụ tấn công này. Để đáp trả, quân đội Israel sau đó đã không kích đáp trả nhằm vào khoảng 40 vị trí của Hamas tại Dải Gaza, khiến 4 người Palestine thiệt mạng và ít nhất 120 người khác bị thương.

Có thể thấy rõ, căng thẳng đã leo thang dọc biên giới giữa Israel và Dải Gaza kể từ sau những cuộc biểu tình của người Palestine tại vùng lãnh thổ này nhằm phản đối việc Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem hồi tháng 5 vừa qua. Theo nguồn tin y tế tại Gaza, đã có ít nhất 127 người Palestine thiệt mạng và 14.000 người bị thương kể từ thời điểm đó.

Vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi tại Lào khiến hơn 130 người mất tích

Vào lúc 20 giờ ngày 23/7/2018 (giờ địa phương), đập thủy điện Sepien Senamnoi tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào, đã bị vỡ và xả 5 tỷ mét khối nước. Tính đến ngày 26/7, đã xác định được 131 người mất tích, trong đó chỉ mới tìm thấy 1 thi thể. Có 587 hộ gia đình và 3.060 người thiếu nơi ăn nghỉ, 13 bản chịu ảnh hưởng. Do nước càng ngày càng đổ về hạ lưu nên có thêm 6 bản nằm phía dưới hạ lưu bị ảnh hưởng...

Đập thuỷ điện tại Sepien Senamnoi là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Ngay sau sự cố vỡ đập thủy điện, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo và thành lập Đoàn chuyên trách khẩn trương cứu trợ và khắc phục hậu quả của sự cố.

Trong những ngày qua, chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam tại Lào cũng đã có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ nhằm giúp người dân Lào sớm khắc phục và ổn định cuộc sống. Sự nhiệt tình giúp đỡ của người Việt về hàng hóa, thuốc men, khám chữa bệnh cho người dân huyện Sanamxay đã thắt chặt hơn nữa nghĩa tình của Việt Nam đối với nước bạn Lào. Bên cạnh đó, các nước Thái Lan, Hàn Quốc,… cũng cử những đội cứu trợ khẩn cấp tới tỉnh Attapeu, hỗ trợ công tác cứu hộ khẩn cấp sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi.

Tuy nhiên, hiện thời tiết ở khu vực huyện Sanamxay đang diễn biến xấu, trời bắt đầu mưa trở lại khiến công tác cứu hộ, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập thủy điện Sapien càng khó khăn. Đặc biệt, sau khi nước rút, vấn đề ổn định đời sống của người dân nơi vùng ảnh hưởng đang đặt ra nhiều thử thách.

Cháy rừng nghiêm trọng tại Hy Lạp

Đám cháy bùng phát tối 23/7 tại thị trấn Rafina, Hy Lạp, sau đó nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mati, cách thủ đô Athens 29 km về phía đông bắc. Nhiều ngôi nhà, khu rừng đã bị ngọn lửa “nuốt chửng”. Cháy lớn cùng nhiệt độ cao đã khiến người dân hoảng sợ bỏ chạy ra phía bờ biển để tìm kiếm sự an toàn. Trên một số tuyến đường, hàng trăm xe ô tô bị thiêu rụi.

Đến ngày 25/7, các đám cháy đã bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với ngọn lửa, bởi bất kỳ cơn gió mạnh nào cũng có thể khiến đám cháy bùng phát trở lại.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, Hy Lạp đang phải trải qua một thảm họa đau thương; đồng thời tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm những nạn nhân xấu số.

Theo số liệu mới nhất của chính quyền Hy Lạp, tính đến ngày 27/7, số người chết tại Mati - địa điểm nổi tiếng của Hy Lạp, đã lên tới 87 người. Ngoài số người thiệt mạng, cháy rừng còn khiến gần 200 người khác bị thương, trong đó có 82 người (bao gồm nhiều trẻ em) vẫn đang phải điều trị trong các bệnh viện. Trong khi đó, con số chính xác về người mất tích vẫn chưa được xác nhận. Trong số 82 người hiện đang điều trị, có 11 người vẫn trong tình trạng chăm sóc đặc biệt. Giới chức lo ngại con số thiệt mạng trong vụ cháy này có thể sẽ còn tăng.

Chính phủ Hy Lạp nhận định rằng, vụ cháy có thể là hành động phá rừng của những kẻ tội phạm. Hiện, chính phủ Hy Lạp đã chuyển các chứng cứ thu thập được cho cơ quan công tố và cơ quan này sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ cháy rừng.

Đây được coi là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất ở Hy Lạp trong vòng một thập kỷ qua, kể từ đám cháy ở đảo Evia của nước này năm 2007 khiến 77 người thiệt mạng./.

Tô Chu
(Nguồn: ĐCSVN)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728377