Truy cập hiện tại

Đang có 94 khách và không thành viên đang online

Để di chỉ văn hóa Óc Eo trở thành di sản văn hóa thế giới

(TGAG)- Từ năm 1944, L. Malleret, cựu Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tiến hành khảo sát khu vực chân núi Ba Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang), đã phát hiện ra nhiều hiện vật thuộc vương quốc Phù Nam.

Từ đó, việc thám sát, khai quật, nghiên cứu, phân tích di vật từ các hố đào đã mang lại cho những nhà khoa học, nhà sử học rất nhiều tư liệu quý, minh chứng cho một nền văn minh, văn hóa phát triển rực rỡ cách đây hàng nghìn năm. Cũng từ những hoạt động khoa học khảo cổ mà Óc Eo trở nên nổi tiếng và đại diện cho một nền hoá - Văn hoá Óc Eo.



Trở lại lịch sử về việc phát hiện và khai quật các di chỉ nền Văn hóa Óc Eo, ngay từ đầu, L. Malleret đã khẳng định đây là nền tảng vật chất (móng kiến trúc, các ngành nghề thủ công) và văn hóa của nước Phù Nam. Từ năm 1944, khi phát hiện di chỉ văn hóa Óc Eo đã có ít nhất 3 gò được khai quật và hàng chục điểm khác được thám sát, nghiên cứu, tất cả chứng minh về một quốc gia cực kỳ phát triển, một đế chế hàng hải với hệ thống cảng biển rất sầm uất, đã biến mất vì một nghiên nhân bí ẩn.  Đến năm 1975, nhờ sự nỗ lực làm việc nghiên túc, nhóm khảo sát của Lê Xuân Diệm cùng cộng sự đã làm phát lộ ra hệ thống các di chỉ văn hóa Óc Eo, trải rộng khắp các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, một vài điểm lan rộng sang khu vực Đông Nam bộ có niên đại trong khoảng 6 thế kỷ đầu Công nguyên. Cùng đó, các nhà khoa học phương Tây tiến hành nghiên cứu độc lập cũng đã phát hiện di chỉ có mối liên hệ với Văn hóa Óc Eo cũng có mặt ở khu vực hạ lưu Mê Nam của Nam Thái Lan (do J. Boisselier, Bennet Bronson, Ian Glover công bố). Với những gì có được đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học đều chung quan điểm, trung tâm của vương quốc cổ Phù Nam chính ở Óc Eo.

Từ các hiện vật đã được các nhà khảo cổ thu thập đến nay, có thể kể đến 6 nghề chính của người Phù Nam đã hội tụ và phát triển rực rỡ cách đây hàng nghìn năm gồm: Nghề chế tác đồ kim khí, đồng, sắt; nghề gia công các đồ thiếc; nghề kim hoàn và đúc tiền bằng bạc; nghề làm đá quý và thủy tinh; nghề chạm khắc đá; nghề đồ gốm. Cạnh đó, các nghề trồng mía, ép mật, làm đường có niên đại khoảng 2.000 năm cũng đã được phát hiện với các bánh răng trục xoay bằng đá granit trong các hố khảo cổ. Óc Eo còn là một cảng thị sầm uất, minh chứng điều đó bằng những vật dụng, các hình vẽ, điêu khắc hoa văn trên các di chỉ được tìm thấy. Điểm nữa là các hệ thống tượng thần, các kiến trúc đền đài… còn minh chứng thêm về bề dày về kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo... Giá trị tôn giáo của văn hóa Óc Eo với sự phát triển song hành của hai tôn giáo là Phật và Hindu đồng thời hình thành trường phái nghệ  thuật “tiếu tượng Phù Nam” gồm: Hệ thống tượng Visnu đội mũ mặc áo dài bằng đá và Phật đứng Buddhapad thân gầy cao, mặc áo cà sa bó tay, tay phải lập ấn quyết bằng chất liệu gỗ, đá, đồng là minh chứng đỉnh cao nghệ thuật tôn giáo bấy giờ.

Phù Nam lập nước, dựng kinh đô ở Óc Eo, đặt tên là Nagarapura. Phù Nam là đầu mối thương mại biển Đông –Tây, tiền Phù Nam và tiền Pegu, tiền Sri Vijaya được tìm thấy làm rõ mối liên kết nối liền đường thương mại trên biển và cả đất liền từ vịnh Belgan đến Biển Đông.

Trước những giá trị về văn hóa, lịch sử to lớn của nền văn hóa Óc Eo mang lại, nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, tỉnh An Giang cùng các tỉnh, thành có phát tích các di chỉ văn hóa Óc Eo đã đẩy mạnh việc khảo cứu, khai quật nhằm xác lập một hệ thống di tích văn hóa vô cùng độc đáo. Với những giá trị lịch sử và văn hóa tiêu biểu đó, từ năm 1998 đến năm 2002, Bộ VH-TT&DL đã lần lượt công nhận khu di tích kiến trúc nghệ thuật Hai Bia, tượng Phật 4 tay cùng 2 di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị là các khu di tích cấp Quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Gò Tháp – Tháp Mười (Đồng Tháp) là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Vậy nhưng, đến nay, việc đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ di sản trình Unesco công nhận di tích Óc Eo thành Di sản văn hóa thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Vấn đề hiện nay, chúng ta cần nhìn thẳng vào những nút thắt sau để cùng giải quyết: Thứ nhất, tất cả các địa phương có các di chỉ văn hóa Óc Eo cần nhìn trên bình diện chung, việc lập hồ sơ Di sản Văn hóa Óc Eo là Di sản văn hóa thế giới là vì cái chung của quốc gia, không của riêng địa phương nào. Thứ hai, Chính phủ, Bộ VH-TT&DL cần quan tâm nhiều hơn, tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa, nhất là nguồn tài chính giúp các địa phương có nhiều di chỉ cần khảo sát như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… tiến hành khai quật các di chỉ đã được xác định, để minh chứng cụ thể nhất những giá trị cốt lõi theo bộ tiêu chí của Unesco. Trong đó, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang là điểm đầu tư ưu tiên hàng đầu. Thứ ba, các tỉnh cần chia sẻ thông tin, hợp tác cùng các nhà khoa học, nhà khảo cổ để khai quật, lập một hồ sơ hoàn thiện một cách chuyên sâu và khoa học nhất. Thứ tư, cần xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, trên tinh thần là vì cái chung, cùng hợp tác, cùng phát huy, cùng khai thác di sản văn hóa Óc Eo nếu được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Một khi các vấn đề trên tìm được sự đồng thuận giải quyết, chắc chắn tương lai gần, di chỉ văn hóa Óc Eo với những giá trị đặc sắc riêng có trở thành di sản văn hóa thế giới tiếp theo của Việt Nam là điều không quá khó khăn./.

Hải Thư
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36717244