Truy cập hiện tại

Đang có 94 khách và không thành viên đang online

Công tác cổ động trực quan ở An Giang - Thực trạng và giải pháp

(TGAG)- Tuyên truyền cổ động trực quan (TTCĐTQ) là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tạo nên sự thống nhất và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng đề ra.
 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác TTCĐTQ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang từ tỉnh đến cơ sở trong nhiều năm liền đã triển khai hoạt động TTCĐTQ bằng nhiều hình thức phong phú như: phát thanh xe loa, hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động, thực hiện băng rôn, panô các loại, cụm cổ động, trạm thông tin, triển lãm tại chỗ, triển lãm lưu động, cờ phướn, cờ các loại... qua đó, đã góp phần tạo sự nhận thức, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong ý thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc triển khai công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện tốt chủ trương “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra”. Công tác TTCĐTQ còn góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đẩy mạnh  thực hiện việc học tập và làm theo Bác, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phòng chống các tệ nạn xã hội... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm  công tác Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Một số kết quả đạt được:

Công tác TTCĐTQ đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; Cán bộ nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở đã biết áp dụng công nghệ thông tin vì vậy công tác cổ động trực quan ngày càng được nâng cao, thời gian thực hiện tuyên truyền được rút ngắn, nhanh, nhạy, kịp thời và mang tính thẩm mỹ cao. Cục VHCS - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động, thực hiện nhiều loại đĩa âm thanh, đĩa hình, cung cấp mẫu tranh cổ động, làm phong phú thêm nguồn vốn, tư liệu tuyên truyền trực quan đối với các địa phương một cách kịp thời. Từ đó, đã tạo thêm màu sắc, diện mạo mới cho cơ sở; việc xã hội hóa công tác TTCĐTQ được phát huy từ tỉnh đến cơ sở, tạo được hiệu quả xã hội khá tốt. Nhiều ngành, nhiều tổ chức kinh tế, xã hội đã nhận thức được hiệu quả của công tác TTCĐTQ nên đã có sự đầu tư, phối hợp thực hiện khá tốt, việc xã hội hóa cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp góp phần vào việc quảng bá hình ảnh ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ tích cực cho hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác TTCĐTQ vẫn còn những hạn chế nhất định: Kinh phí dành cho công tác TTCĐTQ tuyên truyền cổ động chính trị còn ít, chưa quan tâm đầu tư quy hoạch TTCĐTQ,  xây dựng các cụm pano chiến lược lớn ở khu vực giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, hay những cụm màn hình Led phục vụ tuyên truyền, nhìn ở góp độ chung trong toàn tỉnh; định mức chế độ thù lao, nhuận bút tranh cổ động quá thấp so với mức đầu tư công việc, lực lượng họa sĩ sáng tác tranh cổ động trong tỉnh còn thiếu và ít được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chưa bám sát thực tế cơ sở vì vậy  thực hiện TTCĐTQ ở một góc độ nào đó còn thiếu tính sáng tạo về hình thức chưa được phong phú về nội dung; Một số panô, khẩu hiệu... tuyên truyền các chủ đề ngắn hạn (bầu cử, đại hội...) còn để quá thời gian, chưa kịp thời tháo gỡ, gây phản cảm, làm ảnh hưởng hình ảnh chung, trong đó có hiệu quả công tác tuyên truyền.

Để công tác TTCĐTQ trong thời gian tới đạt hiệu quả, thiết nghĩ, các cấp các ngành có liên quan cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Cần có quy hoạch cụ thể về cổ động trực quan trên toàn địa bàn, nơi nào được dựng cụm cổ động, dựng panô rời, được treo băng rôn ngang đường, được treo cờ phướn trên trụ đèn (số lượng, quy cách), khẩu hiệu đèn (quy cách, thời gian)...

- Quy định lại mẫu chuẩn về lá cờ Đảng do tỷ lệ hình búa liềm chưa thống nhất, nhiều nơi thực hiện hình lưỡi liềm quá to, lúc thì hình cây búa quá bé không tương xứng với nhau, có lúc cán cây búa, lưỡi liềm bầu tròn, có lúc thì thẳng...

- Cung cấp cho các địa phương file mẫu Quốc huy, file một số ảnh gốc chân dung Bác Hồ, các logo chuẩn của đoàn thể: Đoàn TNCSHCM, MTTQVN, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...

- Định mức hệ số chế độ thù lao công việc, nhuận bút tranh cổ động, ảnh triển lãm... để  các địa phương áp dụng cho họa sỹ, nghệ sĩ, góp phần tạo động lực lao động, sáng tạo của người làm chuyên môn.

- Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức thực hiện công tác TTCĐTQ cho các cán bộ hoạt động ở lĩnh vực này, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác TTCĐTQ, giới thiệu cách tổ chức TTCĐTQ hay của các địa phương...

Công tác TTCĐTQ  thực sự là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng chuyển tải những thông tin (chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật...) của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực hiện có hiệu quả công tác TTCĐTQ sẽ thúc đẩy xã hội phát triển, đất nước phồn vinh./.

THANH VÂN
Trung tâm Văn hóa tỉnh An Giang


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40531546