Truy cập hiện tại

Đang có 239 khách và không thành viên đang online

Du lịch An Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh

(TGAG)- Xác định tiềm năng và lợi thế của du lịch An Giang, trong những năm qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách để phát triển du lịch An Giang. Các văn bản được ban hành nhằm từng bước hoàn thiện những định hướng quan trọng để du lịch An Giang phát triển. Tuy nhiên, để đánh dấu tầm quan trọng của ngành du lịch, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cũng như đề xuất các định hướng để phát huy tiềm năng và lợi thế của du lịch An Giang trong thời gian tới.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra, trong thời gian tới, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các định hướng trọng điểm để thúc đẩy du lịch An Giang phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng đến phát triển bền vững, cụ thể:

Một là, triển khai thực hiện Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn tới để phấn đấu đưa du lịch An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng khu vực Núi Sam, Núi Cấm và Cù lao Ông Hổ (Mỹ Hòa Hưng) trở thành khu, điểm du lịch quốc gia, của vùng; xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại ở thành phố Long Xuyên, tiến tới kết nối bốn khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo thứ tự ưu tiên Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; phát triển các dịch vụ khách sạn, nhà hàng.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, cụ thể:

Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thu hút, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở và nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện có cũng như các nhà đầu tư mới chọn An Giang làm điểm đến để đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát quy hoạch các khu - điểm du lịch và hoàn thành hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận khu - điểm du lịch cấp địa phương và thành lập Ban quản lý các khu - điểm du lịch, hướng đến thành lập khu – điểm du lịch cấp quốc gia. Đồng thời, thành lập Ban quản lý di tích trực thuộc tỉnh, phân cấp các di sản trực thuộc huyện quản lý. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức điều tra, thu thập thông tin của du khách và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để nắm bắt nhu cầu, mong muốn của du khách đối với việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch đặc thù để tạo điểm nhấn cho du lịch An Giang. Đồng thời, định hướng quy hoạch các khu - điểm du lịch và xây dựng các chương trình du lịch gắn các di tích tôn giáo, tín ngưỡng với các loại hình du lịch khác trên cùng tuyến để tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc tham gia các khóa đào tạo về nghiệp vụ du lịch, chỉnh trang, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại đơn vị.

Tăng cường mối liên kết của các thành viên Hiệp hội Du lịch An Giang, để phấn đấu Hiệp hội trở thành cánh tay đắc lực của tỉnh trong việc xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch An Giang.

Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ, tăng cường nguồn kinh phí thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch để làm vốn mồi, khuyến khích các Ban quản lý khu - điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các hạng mục: nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch tại các khu du lịch trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp hướng dẫn, sử dụng các tiêu chuẩn đã ban hành như: bông sen xanh, tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), điểm du lịch và mua sắm đạt chuẩn... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang đối với các hoạt động khai thác và phát triển du lịch bền vững.

Tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cho cộng đồng địa phương, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm, Ban Quản lý di tích, cộng đồng địa phương và những doanh nghiệp kinh doanh du lịch để họ hiểu vai trò của mình trong việc bảo vệ, bảo tồn di tích, hiểu được sự hài hòa giữa việc khai thác di tích với phát triển du lịch.

Ba là, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch An Giang; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để tạo mối liên kết bền vững với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng.

Tổ chức các chuyến xúc tiến du lịch ngoài nước đến thị trường du lịch trọng điểm của An Giang để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang. Thành lập và đi vào hoạt động Quỹ phát triển du lịch An Giang từ nguồn thu của tỉnh để có kinh phí tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch An Giang tại các sự kiện du lịch lớn trong và ngoài nước.

Bốn là, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu về di tích lịch sử một cách thấu đáo cả về nội dung lịch sử và văn hóa lễ hội và đội ngũ cán bộ quản lý di tích tại xã, phường, thị trấn; duy trì, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch.

Với những định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đúng lúc sẽ là con đường để du lịch An Giang phát triển theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và hướng đến phát triển bền vững.

PHẠM THẾ TRIỀU
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40050373