Truy cập hiện tại

Đang có 307 khách và không thành viên đang online

Quảng bá du lịch núi Cấm bằng tác phẩm văn học nghệ thuật

(TGAG)- Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn (Thiên Cẩm Sơn) là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn của tỉnh An Giang, được xem là nóc nhà của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Có nhiều truyền thuyết về tên gọi núi Cấm. Có thuyết nói trước kia núi Cấm rất hiểm trở, nhiều thú dữ, không ai dám tới, trừ những nhân vật siêu hình được thêu dệt một cách huyền bí, ngự trị trên cao, nên dân gian trong vùng tự cấm mình không được xâm phạm đến khu vực đó. Lại có thuyết nói ngày trước Gia Long khi bị Tây Sơn truy đuổi, có lên ở đây. Nhằm giấu kín tông tích, các cận thần phao tin có ác thú, yêu quái, để cấm dân chúng vào núi. Lại có cả thuyết liên quan đến tướng cướp Đơn Hùng Tín, cho rằng ngọn núi này là nơi hùng cứ của y. Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn thì cho rằng, giả thuyết đáng tin cậy nhất là Đoàn Minh Huyên (tức Phật Thầy Tây An) đã cấm các tín đồ của mình lên đó cất nhà lập am, bởi sợ sẽ ô uế chốn linh thiêng.

Mặc dù là giả thuyết nào đi nữa, cũng nhằm làm cho núi Cấm thêm phần huyền bí, quan trọng hơn là làm cho chúng ta ngày nay thêm phần tò mò và ngưỡng vọng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra những đề xuất nhằm quảng bá hình ảnh núi Cấm để thu hút du khách thông qua một “kênh” hết sức đặc biệt, đó là văn học nghệ thuật. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ giúp chính quyền địa phương và ngành du lịch tham khảo thêm một cách quảng bá du lịch và từ đó khai thác tốt nhất khả năng du lịch của khu du lịch núi Cấm một cách khoa học và hiệu quả.

Địa danh núi Cấm trong tác phẩm văn học nghệ thuật...

Núi Cấm – Một địa danh khá nổi tiếng và tiêu biểu của tỉnh An Giang, gắn với nhiều giai thoại, giả thuyết ly kỳ... Không những thế, địa danh núi Cấm đã đi vào văn học dân gian với những câu ca dao, dân ca, truyện dân gian, truyền thuyết… từ xa xưa. Ngày nay, địa danh núi Cấm cũng đi vào văn học nghệ thuật một cách tự nhiên, qua lăng kính của văn nghệ sĩ, địa danh núi Cấm hiện lên vừa huyền ảo và cũng vừa hiện thực, vừa hoang vu và cũng vừa trữ tình, lãng đãng… tự dưng như thế địa danh núi Cấm đã “cấm” vào lòng người từ lúc nào không hay.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hình ảnh núi Cấm uy nghi và mơ mộng đã xuất hiện trong thơ Trần Mạnh Hảo với trường ca “Ba cặp núi và một hòn núi lẻ” viết về vùng Thất Sơn trữ tình đằm thắm và  anh dũng, kiên cường:
“Sau trận đánh em nằm trên đá ngủ
Tóc em xõa thành chiếu trải sau lưng
Súng kề bên như tóc nào chợt nhú
Giấc mơ em tóc đổ thác qua rừng
 
Bom giặc dội trên đầu rung vách đá
Giấc ngủ em khói lửa chớ len vào
Anh ngội đoán sau sâu nồng giấc ngủ
Có anh về thấp thoáng giữa chiêm bao…
          (Trích trường ca Ba cặp núi và một hòn núi lẻ - Trần Mạnh Hảo)

Truyện ngắn “Lên núi thả mây” viết về bối cảnh núi Cấm, như là một sự thôi thúc bạn đọc tìm hiểu về địa danh núi Cấm hoang sơ và mơ mộng qua trang văn chân tình mà sâu sắc của nhà văn Lê Văn Thảo. Rồi ông xuất bản tập truyện ngắn cũng lấy tên “Lên núi thả mây” đặt cho tập truyện rất hay của mình, lập tức tập truyện đã tạo nên một hiệu ứng rất tốt trong lòng độc giả. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì nhà văn cũng đã giới thiệu đến công chúng yêu văn học một địa danh ở miền Tây Nam Tổ quốc. 

Có thể kể tiếp, đó là bút ký “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” của nhà văn Võ Đắc Danh đoạt giải nhất cuộc thi bút ký của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Mặc dù, bút ký viết về anh Nguyễn Tấn Bông và 11 đứa con nuôi, nhưng qua trang văn của Võ Đắc Danh, địa danh đỉnh Mồ Côi trên núi Cấm cũng được bạn đọc cả nước biết đến.

Cùng thể loại bút ký, nhà văn Phạm Nguyên Thạch với bài Thiên Cấm Sơn đã thâu tóm toàn bộ cảnh quan, con người vùng đất này. Đây là một bài bút ký viết rất công phu và có sự khảo cứu kỹ lưỡng về địa danh núi Cấm.

Trong các loại hình văn học nghệ thuật, có lẻ hình ảnh núi Cấm xuất hiện nhiều nhất trong thơ. Bởi thơ dễ dàng truyền tải được tình yêu của con người với cảnh sắc thiên nhiên, ngoài việc ca ngợi về quê hương đất nước, thì địa danh núi Cấm còn xuất hiện bằng thủ pháp nghệ thuật hoán dụ về sự nhớ thương của tình yêu trai gái:
“…Quán lẻ loi cứ là quán núi
Cứ là hoa mọc trên đá, nhiêu khê
Em có lúc ngỡ mình hạt bụi
Bụi vẫn phù sa của chợ núi, góc quê…
         (Quán núi - Phạm Nguyên Thạch)

Lên núi tập ngồi trơ như đá
Gió không hương mưa nắng không hồn
Cúi xuống ngực hôn lên từng lá biếc
Chạm phải môi mình - chiếc lá khô cong.
          (Chơi trên núi Cấm - Chim Trắng)

Với nữ sĩ Thu Nguyệt thì khắc khoải tâm trạng:
…Giơ tay là hái được tình
Một mình mình nắm, một mình mình buông.
Núi buồn, đá tựa vào sương
Em ngồi, bóng tựa vào đường gió đi
          (Với núi - Thu Nguyệt)

Còn nữ sĩ Lê Thanh My thì trăn trở giữa “dại khờ” và “lạnh lùng” khi đến núi và rời núi.
“Đêm núi Cấm quấn mình trong chăn lạ
Nghe tiếng trở mình khe khẽ đêm
Núi đứng bên ngoài như thao thức
Chờ trăng mỏi mệt ngã bên thềm
.....
Mấy khi ta lại về bên núi
Chỉ để dại khờ, chỉ để hư
Rồi ta lại dắt ta về phố
Làm kẻ nên thân để lạnh lùng”
          (Hành núi Cấm – Lê Thanh My)

Và thi sĩ Phù Sa Lộc cũng có những phút giây “lãng mạn núi Cấm”:
“…Đêm thiếu dài núi Cấm
Mưa rắc buồn lâm thâm
Suốt đời anh mái ấm
Nơi sát bên em nằm!”
           (Lãng mạn núi Cấm – Phù Sa Lộc)

Còn rất nhiều thi sĩ đã đến núi Cấm, để rồi rung cảm sáng tác nên những trang văn, những vần thơ về địa danh này, được đăng rải rác khắp các báo và trang mạng internet.... Hiển nhiên, núi Cấm trở thành một “hình ảnh nghệ thuật” trong sáng tác văn học nghệ thuật. Và một trong những “kênh” nghệ thuật dễ đi vào lòng người, đó là giai điệu của những bản nhạc, những bài vọng cổ được cất lên bằng lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ.

Trong âm nhạc là những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ( thơ: Lê Giang) với nhạc phẩm “Đêm núi Cấm’ – “Mùa chim Bảy Núi”, “Đi qua Thất Sơn” của nhạc sĩ Phố Thu (thơ Trịnh Bửu Hoài), Ngựa ô Bảy Núi của nhạc sĩ Mặc Tuân, còn rất nhiều, rất nhiều các nhạc sĩ sáng tác về núi Cấm… Hình ảnh núi Cấm cũng xuất hiện nhiều trong các sáng tác vọng cổ của các soạn giả như Hà Nam Quang, Diệp Hoài Lâm, Kim Hằng, Hoài Nhật Thanh, Thành Trung, Phan Ngọc Trưng… được nhiều ca sĩ thể hiện ở các cuộc thi trong tỉnh, khu vực và thành phố Hồ Chí Minh.


Đề xuất quảng bá du lịch núi Cấm bằng tác phẩm văn học nghệ thuật


Việc quảng bá hình ảnh núi Cấm để thu hút du lịch tạo sức bật để phát triển kinh tế -  văn hóa xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân là nhiệm vụ của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan. Ngành du lịch và chính quyền địa phương đã phối hợp rất tốt trong việc quảng bá hình ảnh để thu hút du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua internet và các trang mạng xã hội… đó là việc quảng bá theo bề nổi, trực quan, hình ảnh cụ thể. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, chúng tôi mạo muội đề xuất một số giải pháp quảng bá hình ảnh núi Cấm để thu hút du lịch theo “chiều sâu” thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật.

Chiều rộng, bề nổi sẽ tạo sự tò mò, hấp dẫn để du khách tìm đến du lịch, nhưng chính “chiều sâu” mới giữ chân được du khách và “sự trở lại” thêm nữa, thêm nữa của du khách. Có vẻ như ý này hơi mơ hồ, chính mơ hồ mới là thế mạnh của một lĩnh vực vô cùng tinh tế và giàu cảm xúc là văn học nghệ thuật.

Chúng tôi xin nêu ra đây vài giải pháp cụ thể:
Một là, những ngành quản lý trực tiếp du lịch cần sưu tầm tất cả truyện dân gian, truyền thuyết, ca dao, dân ca… về núi Cấm và biên tập lại để in thành sách, vừa để giới thiệu đến khách du lịch và cũng là sản phẩm lưu niệm khi du khách đến đây tham quan..

Hai là, UBND tỉnh cần liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt vấn đề xây dựng Nhà sáng tác Văn học nghệ thuật trên đỉnh núi Cấm, tạo thành một địa điểm cố định để các đoàn văn nghệ sĩ địa phương, các tỉnh trong cả nước, các Hội chuyên ngành trung ương… về đây tổ chức trại sáng tác và đi thực tế sáng tác tại địa phương. Việc này vô cùng có ý nghĩa. Trung bình, mỗi trại sáng tác là 15 ngày cho 15 văn nghệ sĩ của các tỉnh trong nước, các Hội chuyên ngành trung ương, các bộ, ngành, báo và tạp chí trung ương luân phiên tham gia. Như vậy số lượng văn nghệ sĩ trong một năm đến đây dự trại sáng tác rất đông, ở tất cả các loại hình văn học nghệ thuật. Số lượng tác phẩm sáng tác về địa danh núi Cấm và vùng đất An Giang sẽ rất lớn và sẽ được đăng tải trên các báo, tạp chí trong cả nước, triển lãm, dàn dựng và biểu diễn… Một cách quảng bá hình ảnh núi Cấm tuyệt vời, hiệu quả, tạo tình yêu cho du khách với vùng đất này, mà địa phương và ngành du lịch không phải tốn kém kinh phí để quảng bá.

Ba là, Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần phối hợp với các Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh An Giang hằng năm tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học… về núi Cấm và quê hương Tịnh Biên. Các tác phẩm thu được sẽ được đăng tải trên báo đài ở địa phương và trung ương, tập hợp lại in thành sách để tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch núi Cấm theo “chiều sâu”. Bên cạnh đó, cần có các hình thức đãi ngộ văn nghệ sĩ như đầu tư tác phẩm viết về núi Cấm ở lĩnh vực âm nhạc, vọng cổ, văn học…

Bốn là, Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần phối hợp với Đài PHTH An Giang hoặc Hãng Phim tài liệu TP.HCM làm bộ phim tài liệu về địa danh Thiên Cấm Sơn phát hành rộng rãi, đặc biệt là chiếu quảng bá tại phòng chờ ở bến phà, sân bay… để giới thiệu hình ảnh núi Cấm một cách trực tiếp hoặc làm việc với những nhà sản xuất phim, để khi họ dàn dựng phim mới sẽ chọn bối cảnh núi Cấm và đây cũng là một cách quảng bá du lịch hiệu quả.

Tóm lại văn học nghệ thuật là một bộ phận vô cùng tinh tế của văn hóa, tác động trực tiếp vào tình cảm của mỗi người. Thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ là một kênh quảng bá hình ảnh núi Cấm nhằm thu hút khách du lịch hiệu quả và lâu bền.
Một khi độc giả, khán giả, thính giả… đã đọc, đã xem, đã nghe những tác phẩm văn học nghệ thuật về vùng đất nào đó mà họ thích, rồi tự động họ sẽ yêu và mong muốn đến đó để khám phá, để tìm hiểu… và đây là cách thu hút du lịch. Một khi đã yêu, đã thích vùng đất đó, thì những vấn đề nhỏ nhặt liên quan không được đẹp sẽ rất dễ “thông cảm”, đây cũng là lý do để giữ chân du khách.

Tuy nhiên, với bài viết này, mục đích của chúng tôi chỉ gợi ý một hướng quảng bá hình ảnh núi Cấm để thu hút du lịch theo “chiều sâu” nhằm “lưu chân du khách lại” và chúng tôi tin rằng khi có một kênh quảng bá theo hướng này, sẽ gợi ra rất nhiều điều lý thú để phát triển du lịch bền vững.

Trần Sang – Huỳnh Cam
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40612242