Tết Nguyên đán đang đến thật gần…
- Được đăng: Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 10:04
- Lượt xem: 1649
Chúng ta vẫn thường hay hoài niệm về những cái Tết xưa cũ với nhiều hình ảnh và nghi lễ mang đậm tính truyền thống của dân tộc. Nhưng cho dù là Tết xưa hay Tết nay thì những ngày Tết cổ truyền cũng mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay.
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết trong gia đình Việt nay không còn nhiều. (Ảnh phục dựng không khí Tết xưa). Nguồn: Internet
Khi thời gian bắt đầu chạm ngõ tháng 12 âm lịch của năm cũ thì không khí năm mới đã bắt đầu chuyển động. Nguyên đán là sự khởi đầu của năm mới, nên Tết Nguyên đán có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó là niềm mong đợi của mọi người từ già đến trẻ, dù bất cứ ở đâu, làm việc gì, tất cả cùng hướng về nguồn cội, hướng về gia đình với tình cảm thân thương nhất. Cho nên, Tết Nguyên đán chính là Tết đoàn viên, đoàn tụ. Từng tế bào gia đình trở về nhà, bên nhau quây quần, thăm hỏi, chúc sức khỏe, vui vẻ cùng nhau sau bao tháng ngày chăm lo làm việc, học hành hay mưu sinh vất vả. Những người con xa quê lúc này càng thêm thổn thức, thương nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của họ, mong được sum họp với gia đình.
Tết là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô…những người đã chăm lo cho các thế hệ con cháu được trưởng thành, nên người, trong những khoảnh khắc thiêng liêng ấy, những ký ức tuổi thơ thường được nhắc nhớ như những kỉ niệm đẹp, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, người thân thêm thắt chặt hơn, gần gũi hơn.
Tết cổ truyền cũng chính là nơi lưu giữ những nghi thức tín ngưỡng, những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc, nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng nhiều hình thức. Lễ đón giao thừa tuy không còn tiếng pháo nhưng thời khắc đón chào năm mới ấy vẫn hết sức thiêng liêng bởi tiếng trống múa lân từ các đình làng, tiếng chuông chùa vang xa và hương trầm lan tỏa thơm ngát từ các ngôi nhà…người ta khởi đầu cho năm mới bằng việc đi chùa lễ Phật, cầu nguyện cho gia đình bình an, làm ăn tấn tới.
Tết là một cuộc tổng kết của một năm làm việc cận lực. Từ các bộ ngành, đơn vị lớn, nhỏ, từng gia đình đều xem lại thành quả của một năm lao động của mình để phấn đấu cho năm mới tốt hơn. Cho nên, Tết chính là dịp để nhìn lại và rút ra những kinh nghiệm cho bước đường phía trước, nó là cái mốc trong quá trình dài của một đời người hay một công việc nào đó.
Tết là Xuân. Xuân về thì trăm hoa đua nở. Trong bốn mùa của năm, Tết là thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên, khi không khí ấm áp nhẹ nhàng lan tỏa, khi các loài hoa thi nhau khoe sắc, khi lòng người rạo rực đón chờ. Tết đi cùng với áo mới, bao lì xì và nụ cười của trẻ thơ. Tết đi cùng với nồi bánh chưng của mẹ, bánh tét của bà, kẹo mứt của những cô gái, câu đối của ông đồ…Tết mang đến lễ nghĩa, cử chỉ đẹp, mang đến tình thân ái. Tất cả đã làm nên một diện mạo cuộc sống tươi vui, phấn khởi là nhờ có Tết.
Mùa Xuân luôn có những ngôn ngữ riêng để nói với chúng ta. Và mùa Xuân đang đến rất gần, trong mỗi người dù chất chứa những tâm trạng, cảm xúc khác nhau nhưng trong thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới mọi người luôn đặt nhiều hy vọng về sự tốt đẹp. Năm 2020 được ví như một bức tranh có nhiều gam màu xám, vì là năm cả thế giới trong đó có Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh hoành hành, thiên tai tàn phá, nhiều điều không thuận lợi cho kinh tế phát triển, nguy cơ và thách thức càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Điều này, khiến cho nhân loại tự nhìn lại bản thân về cách đối xử với thiên nhiên, con người cần phải suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về tương lai phía trước, quan trọng là trong cơn nguy biến con người đã xích lại gần nhau hơn, giúp nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi bệnh tật. Thế giới luôn là một bức tranh chuyển động.
Mùa Xuân sẽ tiếp tục là sự khởi đầu của một năm mới tươi đẹp hơn. Và chúng ta nhất định sẽ hướng về Tết Nguyên đán 2021 của dân tộc bằng sự cố gắng, tin tưởng và hy vọng, trong khó khăn sẽ giúp ta biết chủ động hơn nữa trên bước đường đi đến hội nhập và phát triển./.
LÊ THANH MY