Sửa đổi Luật Báo chí để đảm bảo sự phát triển, vai trò định hướng thông tin trong giai đoạn mới
- Được đăng: Thứ bảy, 14 Tháng 11 2015 19:18
- Lượt xem: 3043
Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Tiếp cận thông tin. Trước đó, ngày 4-11 tại hội trường, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Theo các đại biểu, Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới.
Phiên thảo luận tại tổ 16 chiều ngày 14-11. Ảnh: Phúc Thắng.
Các đại biểu cũng nhìn nhận, điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí…
Tuy nhiên, các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh); Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đều cho rằng phải phân tích rõ khái niệm về các loại hình báo và tạp chí. Tại Điều 3 dự án Luật nêu về 4 loại hình báo chí là: báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử. Theo đại biểu Tâm, sự liệt kê các loại hình báo chí này không thể bao quát được hết các loại hình báo chí; không đảm bảo sự phát triển của báo chí trong giai đoạn hiện nay vì xu hướng chung của các cơ quan báo chí hiện nay là đi theo hướng hội tụ, sử dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong phát hành báo chí.
Về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí tại Điều 15 của dự án Luật quy định: Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), với quy định này, so với dự thảo lần trước khi thảo luận ở đoàn thì dự án Luật này đã có sự thu hẹp, quy định và giới hạn lại. “Theo tôi hiểu, như vậy là mảng kinh doanh, doanh nghiệp không có thẩm quyền, quy định được ra báo chí nữa, trong khi các tỉnh Đoàn cũng có thể ra báo hoặc ra tạp chí được rồi. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải có sự giải trình tại sao lại có điều chỉnh như thế này và cần nghiên cứu quy định này để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu đề nghị.Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cơ bản tán thành vì trong cách tiếp cận của dự án Luật đã theo hướng mở rộng các cơ quan được quyền ra báo như tại Điều 15. Tuy nhiên, theo đại biểu, mở rộng nhưng phải có điều kiện phù hợp để ràng buộc, tránh sự “phình ra” đối với các cơ quan này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) thì cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn về trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí trong việc đưa thông tin đến người dân và xã hội. Còn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội), với sự phát triển của mạng xã hội đã hình thành khái niệm “truyền thông xã hội”, hay “báo chí công dân” với mỗi cá nhân, chỉ cần chiếc một thiết bị thông minh có thể vừa là “nhà báo” vừa là “tổng biên tập”. Và điều đáng bàn ở chỗ những thông tin từ mạng xã hội này có sức lan tỏa và có tác động lớn đến xã hội và đặc biệt là không kiểm soát được. Tuy nhiên, dự thảo lại “khuyết” khi không đề cập mảng “truyền thông xã hội” và đó là sự “không sòng phẳng” với các loại hình báo chí khác.
Điều 24 dự án Luật đề cập về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí chí là đơn vị sự nghiệp có thu. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động chủ yếu theo ba loại hình: Một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được NSNN bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hoạt động; một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước; các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập và cơ quan hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
Hiện tại có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa. Theo đại biểu Tiến, thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho NSNN. Do đó, dự án Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng NSNN nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho NSNN; đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.
Phát biểu thảo luận, với tư cách là đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội-vừa là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT)-cơ quan soạn thảo dự án Luật Báo chí sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trả lời và làm rõ một số vấn đề về tự vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, vấn đề tự do báo chí… Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ, sắp tới khi triển khai Quy hoạch báo chí, Bộ TT-TT sẽ chủ trương thực hiện các bước dễ làm trước, khó làm sau; khi sắp xếp các tờ báo sẽ ưu tiên giữ lại các tờ báo lớn, có sức ảnh hưởng tới xã hội, có tài chính lành mạnh, đặc biệt là tự chủ về tài chính…
Về vấn đề bảo vệ nhà báo, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), trên thực tế báo chí có vai trò rất tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, các tiêu cực, các tệ nạn xã hội khác… như vậy nhà báo và những người hoạt động báo chí cũng tiềm ẩn những nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, về tính mạng, về sự an toàn. Thế nhưng quy định trong dự thảo Luật lại chưa rõ về vấn đề này, mặc dù tại điểm đ, khoản 1 Điều 33 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo có nêu: Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Theo đại biểu, nội dung này nên đưa về Điều 10 (những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí) chứ không thể để ở dạng quyền được vì “đây là dạng mà pháp luật cấm, nghiêm cấm dùng vũ lực, hành vi gì đó uy hiếp đến sức khỏe, tính mạng, cản trở hoạt động của nhà báo”. Đại biểu cũng cho rằng phải quy định, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, các cơ quan pháp luật trong việc bảo vệ nhà báo hay những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cũng bày tỏ: Hiện nay chúng ta vẫn nói, trong hoạt động phòng chống tham nhũng, các lĩnh vực nhạy cảm thì nhiều thông tin là do các cơ quan báo chí phát hiện chứ không phải từ hệ thống cơ quan có trách nhiệm. Đã liên quan đến lĩnh vực này thì vô cùng khó khăn, nên trách nhiệm bảo vệ nhà báo đối với vấn đề này phải được quy định cụ thể. Theo đại biểu nên tách thành một điều trong dự án Luật là: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước đối với hoạt động báo chí; trong đó có một ý là Bảo vệ và một ý là Tạo điều kiện, cung cấp. “Trách nhiệm phải cung cấp, phải giải trình cho báo chí cũng làm cho xã hội, đặc biệt những người lãnh đạo, những người đứng đầu các tổ chức xã hội phải có trách nhiệm hơn đối với công việc của mình. Với cấp trên thì có thể còn nể nang nhưng với các cơ quan thông tin đại chúng thì không thể giấu được, tôi cho rằng báo chí chính là cơ quan giám sát của nhân dân”, đại biểu Huệ nói.
Về cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 37), khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo cáo thẩm tra của dự án Luật về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II) và ý kiến một số đại biểu cũng cho rằng đã không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Hơn nữa, các nội dung quy định tại chương này chưa rõ nội hàm và còn trùng lặp (được quy định tại 2 điều 11 và 12)…
Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội còn có phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vào ngày 26-11.
Theo các đại biểu, Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới.
Phiên thảo luận tại tổ 16 chiều ngày 14-11. Ảnh: Phúc Thắng.
Các đại biểu cũng nhìn nhận, điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí…
Tuy nhiên, các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh); Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đều cho rằng phải phân tích rõ khái niệm về các loại hình báo và tạp chí. Tại Điều 3 dự án Luật nêu về 4 loại hình báo chí là: báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử. Theo đại biểu Tâm, sự liệt kê các loại hình báo chí này không thể bao quát được hết các loại hình báo chí; không đảm bảo sự phát triển của báo chí trong giai đoạn hiện nay vì xu hướng chung của các cơ quan báo chí hiện nay là đi theo hướng hội tụ, sử dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong phát hành báo chí.
Về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí tại Điều 15 của dự án Luật quy định: Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), với quy định này, so với dự thảo lần trước khi thảo luận ở đoàn thì dự án Luật này đã có sự thu hẹp, quy định và giới hạn lại. “Theo tôi hiểu, như vậy là mảng kinh doanh, doanh nghiệp không có thẩm quyền, quy định được ra báo chí nữa, trong khi các tỉnh Đoàn cũng có thể ra báo hoặc ra tạp chí được rồi. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải có sự giải trình tại sao lại có điều chỉnh như thế này và cần nghiên cứu quy định này để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu đề nghị.Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cơ bản tán thành vì trong cách tiếp cận của dự án Luật đã theo hướng mở rộng các cơ quan được quyền ra báo như tại Điều 15. Tuy nhiên, theo đại biểu, mở rộng nhưng phải có điều kiện phù hợp để ràng buộc, tránh sự “phình ra” đối với các cơ quan này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) thì cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn về trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí trong việc đưa thông tin đến người dân và xã hội. Còn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội), với sự phát triển của mạng xã hội đã hình thành khái niệm “truyền thông xã hội”, hay “báo chí công dân” với mỗi cá nhân, chỉ cần chiếc một thiết bị thông minh có thể vừa là “nhà báo” vừa là “tổng biên tập”. Và điều đáng bàn ở chỗ những thông tin từ mạng xã hội này có sức lan tỏa và có tác động lớn đến xã hội và đặc biệt là không kiểm soát được. Tuy nhiên, dự thảo lại “khuyết” khi không đề cập mảng “truyền thông xã hội” và đó là sự “không sòng phẳng” với các loại hình báo chí khác.
Điều 24 dự án Luật đề cập về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí chí là đơn vị sự nghiệp có thu. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động chủ yếu theo ba loại hình: Một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được NSNN bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hoạt động; một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước; các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập và cơ quan hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
Hiện tại có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa. Theo đại biểu Tiến, thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho NSNN. Do đó, dự án Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng NSNN nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho NSNN; đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.
Phát biểu thảo luận, với tư cách là đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội-vừa là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT)-cơ quan soạn thảo dự án Luật Báo chí sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trả lời và làm rõ một số vấn đề về tự vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, vấn đề tự do báo chí… Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ, sắp tới khi triển khai Quy hoạch báo chí, Bộ TT-TT sẽ chủ trương thực hiện các bước dễ làm trước, khó làm sau; khi sắp xếp các tờ báo sẽ ưu tiên giữ lại các tờ báo lớn, có sức ảnh hưởng tới xã hội, có tài chính lành mạnh, đặc biệt là tự chủ về tài chính…
Về vấn đề bảo vệ nhà báo, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), trên thực tế báo chí có vai trò rất tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, các tiêu cực, các tệ nạn xã hội khác… như vậy nhà báo và những người hoạt động báo chí cũng tiềm ẩn những nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, về tính mạng, về sự an toàn. Thế nhưng quy định trong dự thảo Luật lại chưa rõ về vấn đề này, mặc dù tại điểm đ, khoản 1 Điều 33 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo có nêu: Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Theo đại biểu, nội dung này nên đưa về Điều 10 (những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí) chứ không thể để ở dạng quyền được vì “đây là dạng mà pháp luật cấm, nghiêm cấm dùng vũ lực, hành vi gì đó uy hiếp đến sức khỏe, tính mạng, cản trở hoạt động của nhà báo”. Đại biểu cũng cho rằng phải quy định, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, các cơ quan pháp luật trong việc bảo vệ nhà báo hay những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cũng bày tỏ: Hiện nay chúng ta vẫn nói, trong hoạt động phòng chống tham nhũng, các lĩnh vực nhạy cảm thì nhiều thông tin là do các cơ quan báo chí phát hiện chứ không phải từ hệ thống cơ quan có trách nhiệm. Đã liên quan đến lĩnh vực này thì vô cùng khó khăn, nên trách nhiệm bảo vệ nhà báo đối với vấn đề này phải được quy định cụ thể. Theo đại biểu nên tách thành một điều trong dự án Luật là: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước đối với hoạt động báo chí; trong đó có một ý là Bảo vệ và một ý là Tạo điều kiện, cung cấp. “Trách nhiệm phải cung cấp, phải giải trình cho báo chí cũng làm cho xã hội, đặc biệt những người lãnh đạo, những người đứng đầu các tổ chức xã hội phải có trách nhiệm hơn đối với công việc của mình. Với cấp trên thì có thể còn nể nang nhưng với các cơ quan thông tin đại chúng thì không thể giấu được, tôi cho rằng báo chí chính là cơ quan giám sát của nhân dân”, đại biểu Huệ nói.
Về cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 37), khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo cáo thẩm tra của dự án Luật về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II) và ý kiến một số đại biểu cũng cho rằng đã không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Hơn nữa, các nội dung quy định tại chương này chưa rõ nội hàm và còn trùng lặp (được quy định tại 2 điều 11 và 12)…
Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội còn có phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vào ngày 26-11.
Nguồn: QĐNDVN