Truy cập hiện tại

Đang có 112 khách và không thành viên đang online

Thuận lợi và khó khăn của An Giang sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21

(TGAG)- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” (Nghị quyết 21-NQ/TW) được ban hành một lần nữa đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) - hai chính sách quan trọng, trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trên địa bàn tỉnh, An Giang đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai, thực hiện công tác BHXH, BHYT, tuy nhiên tỉnh cũng gặp không ít khó khăn nhất định.

 
Là tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là địa phương có dân số đông thứ 6 so cả nước; tỉnh không có khu công nghiệp lớn, hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhóm vừa và nhỏ (nhóm siêu nhỏ chiếm tỷ trọng 30%). Điểm xuất phát về độ bao phủ số người tham gia BHXH, BHYT thấp; nguồn nhân lực lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn, đại bộ phận bà con nông thôn sống bằng nghề nông, với mặt hàng chủ đạo là lúa, cá và hoa màu. Sau các mùa vụ nông nghiệp, lao động dịch chuyển đi làm việc tại các tỉnh có khu công nghiệp tập trung (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ…) chiếm tỷ trọng khá lớn. Số người trong tỉnh được ngân sách Trung ương, địa phương hỗ trợ mua BHYT chiếm tỷ trọng thấp so với dân số. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực, sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội,  các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, Chương trình hành động số 23-Ctr/TU, mang lại những kết quả tích cực như : công tác vận động nhân dân từng bước đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT, số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm; quyền lợi của người tham gia BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên được quan tâm; việc  giải quyết đơn thư, tiếp công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để tồn đọng, giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của người dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ được chú trọng, dần đi vào chuyên nghiệp, phục vụ có hiệu quả hơn. Công tác thu, chi minh bạch, công khai, đảm bảo được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, nhận thức và tạo niềm tin của người dân về chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Cụ thể tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế  tăng từ năm 2012 là 1.188.957 người, chiếm 55,16% dân số đến hết năm 2017 là 1.655.442 người, chiếm 76,52% dân số (bình quân số người tham gia BHYT tăng hàng năm 4,30 %, tương đương khoảng 94.000 người).

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, An Giang gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW như: tình hình nợ, chậm đóng ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp dẫn đến việc BHXH tỉnh phải lập thủ tục khởi kiện. BHXH tự nguyện là chính sách khá mới với người dân, có ý nghĩa về mặt lâu dài, nhưng nhiều người dân chưa thật sự quan tâm; phần đông người dân thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện làm việc ở khu vực nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định, kinh tế còn nhiều khó khăn không đủ điều kiện để tham gia. Tình hình vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn xảy ra khá phổ biến nhất là các doanh nghiệp. Thanh tra chuyên ngành lao động, y tế cũng “mỏng”, phải đảm đương nhiều lĩnh vực, nên đầu tư cho lĩnh vực BHXH, BHYT còn khiêm tốn; quy định xử phạt, thi hành án còn nhiều bất cập, chưa đủ mức răn đe; kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh, nợ, chậm đóng, trốn đóng theo nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Chất lượng cá biệt tại một số nơi phục vụ người dân tham gia BHXH, BHYT chưa tốt, nhất là là trong lĩnh vực khám chữa bệnh BHYT…; đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng, chỉ chiếm 10% lực lượng lao động nói chung, chiếm gần 30% lao động làm việc khu vực phi nông nghiệp.
 
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng nợ đọng có chiều hướng gia tăng; một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, tham gia không đúng số lao động thực tế đang làm việc. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế. Mặc dù chất lượng khám, chữa bệnh có nâng lên, tuy nhiên, chưa đáp ứng kịp theo nhu cầu của người bệnh; thủ tục hành chính trong  khám, chữa bệnh có giảm nhưng chưa nhiều; tình trạng quá tải ở một số cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn; người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già; mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, khả năng tuyên truyền, vận động của đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia.

Trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy, rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp chung tay cùng ngành BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT. Phấn đấu để đến năm 2020 toàn tỉnh đạt chỉ tiêu 50% lực lượng lao động đang làm việc tại các ngành kinh tế phi nông nghiệp tham gia BHXH; đạt chỉ tiêu 100% lực lượng lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHTN; đạt 90% dân số tham gia BHYT (Theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia BHYT./.

Ngọc Hân


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40593807