Truy cập hiện tại

Đang có 140 khách và không thành viên đang online

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam -35 năm xây dựng và phát triển

(TGAG)- Trên cơ sở kết quả 18 năm hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (1965 - 1983), ngày 26/3/1983, tại khách sạn Bờ Hồ (Hà Nội) đại biểu của 14 Hội Khoa học và Kỹ thuật toàn quốc (gọi tắt là Hội ngành toàn quốc) và Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã long trọng cử hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngày 29/7/1983 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định số 121/HĐBT về việc cho phép Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động.

Sau 35 năm xây dựng và phát triển, với 7 kỳ đại hội. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được củng cố, tăng cường và không ngừng phát triển. Từ 15 hội thành viên khi mới thành lập, đến nhiệm kỳ VII, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 140 hội thành viên. Tổng số hội viên của các hội thành viên lên tới trên 2,8 triệu người (tăng thêm 1 triệu người so với nhiệm kỳ trước).

Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình và đã có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật. Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và động viên anh chị em trí thức khoa học và công nghệ tham gia tích cực giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Liên hiệp Hội đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội đối với các hội viên, tạo dựng môi trường tốt để đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần củng cố các luận cứ khoa học đối với những chương trình, đề án, dự án lớn trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cho các tầng lớp nhân dân, góp phần xã hội hóa công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thiết thực, phát triển khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo; là lực lượng quan trọng thúc đẩy phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống cũng như trong việc tổ chức các giải thưởng, hội thi, hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ; đã chú trọng việc tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp về khoa học và công nghệ...

Đánh giá cao thành tích hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 35 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Liên hiệp Hội Việt Nam đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam, với những tình cảm trân trọng nhất, chúng ta tưởng nhớ đến các vị chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam: cố GS Trần Đại Nghĩa, cố GS Hà Học Trạc, cố GS Vũ Tuyên Hoàng, nhớ đến các cán bộ lãnh đạo các hội thành viên, các hội viên đã qua đời, những người đã cống hiến tất cả tâm huyết, sức lực và trí tuệ để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta là Liên hiệp Hội Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ VII, Liên hiệp Hội Việt Nam phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược là: đến năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ trung ương đến địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Để đạt mục tiêu đó,  cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động như đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), cụ thể là hoàn thành tốt những nhiệm vụ về công tác tư tưởng, về việc đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối chủ trương phát triển đất nước, chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đi đầu trong tuyên truyền những tinh hoa tri thức của nhân loại trong cộng đồng, góp phần thiết thực nâng cao dân trí...; tích cực hơn nữa trong việc quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần sát cánh cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo...”; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, thực hiện Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020...

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang hơn 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta, Nhân dân ta tin tưởng, kỳ vọng với đội ngũ trí thức đông đảo gần 3 triệu người, bao gồm nhiều nhà khoa học và công nghệ tài năng, tâm huyết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước nói chung, An Giang nói riêng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

PHÒNG KHOA GIÁO   
           

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40585349