Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

An Giang: Những nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS

(TGAG)- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, An Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hằng năm, tốc độ lây nhiễm, số trường hợp nhiễm HIV mới, số ca tử vong do AIDS đều giảm.

 Tính đến ngày 28/2/2015, tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS/tử vong/lũy tích từ năm 1993 đến nay được phát hiện trong toàn tỉnh là 9.912 người nhiễm HIV, trong đó có 7.127 người đã chuyển thành bệnh nhân AIDS (năm 2005 là 466 người, năm 2014 là 256 người) và 4.721 người tử vong (năm 2005 là 391 người, năm 2014 là 107 người). Số liệu  trên cho thấy tình hình nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS, số người tử vong do AIDS hiện nay đều giảm đi một nửa so với thời điểm 2005. Để đạt được những con số như trên không thể không kể đến những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

 Trước hết là các cấp ủy đảng, chính quyền trong thời gian qua đã nhận thức được hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; xem công tác phòng, chống lây nhiễm HIV là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và phức tạp, đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư cho sự phát triển bền vững của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng, chính quyền cũng đã chủ động đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong những nhiệm vụ của chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình dịch tại địa phương, có kế hoạch thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm phòng, chống HIV/AIDS gắn với phòng, chống ma túy, mại dâm trên từng địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp hoạt động, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS sâu rộng trong Nhân dân bằng nhiều hình thức cùng với triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại và quan tâm thực hiện chính sách ngày một tốt hơn cho trẻ em, người nhiễm nghèo. Do vậy, hằng năm, số trường hợp nhiễm HIV mới, số trường hợp tử vong do AIDS đều giảm, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Kế đến là công tác tuyên truyền các văn bản về phòng, chống HIV/AIDS, nguy cơ và hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS được thực hiện thường xuyên và sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tập trung nhất là nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, gồm: người tiêm chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới nam... Thông qua nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện, các đài truyền thanh xã; hội thi, míttinh, họp mặt... và cao điểm của các hoạt động tuyên truyền này được thực hiện trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” hằng năm.

 Bên cạnh việc tuyên truyền phòng chống cho nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao, công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên và chú trọng lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, từ đó mang lại hiệu quả tích cực nhất chính là sự tự giác của cộng đồng, trong đó có những người sống chung với “H” tham gia phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm thiểu sự lây nhiễm trong cộng đồng. Người nhiễm HIV/AIDS đã giảm mặc cảm, tự tin hơn, hòa nhập với cộng đồng và một số người đã chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương. Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giảm hẳn.

 Bên cạnh đó xác định nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm huy động sự tham gia của mọi tổ chức, đoàn thể và Nhân dân. Ngoài ra, công tác củng cố, ổn định hệ thống, tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở, việc quan tâm đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và các giải pháp đồng bộ khác... cũng được tỉnh chú trọng thực hiện nhằm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách có hiệu quả.

 Với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 10 năm qua, An Giang có quyền tự hào với những nỗ lực của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhiệm vụ mới, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đang đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức... Hơn bao giờ hết, căn bệnh HIV/AIDS cần được quan tâm phòng, chống bằng nhiều biện pháp tích cực và thường xuyên, không được buông lơi.

 Trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 54-CT/TW; Thông báo kết luận số 27-TB/TW và Kế hoạch số 28-KH/TU về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội và huy động đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia phòng, chống HIV/AIDS; củng cố, hoàn thiện bộ máy và đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp để có đủ năng lực chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống đại dịch này. Chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành để tạo ra tính chủ động trong thực hiện, hoạt động đồng bộ và có hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước trong công tác phòng, chống HIV/AIDS./.

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37056187