Truy cập hiện tại

Đang có 177 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Doanh nghiệp Nhà nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

(TGAG)- Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là thành phần kinh tế góp vào nguồn thu lớn của ngân sách địa phương; đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Thời gian qua, nhìn một cách tổng thể, DNNN (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối) đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, từ 42 DNNN năm 2000, quá trình sắp xếp, đổi mới, đến năm 2011 tỉnh còn 05 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 01 doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối do Ủy ban nhân dân tỉnh nắm giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Căn cứ Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương Đảng 6, khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, các DNNN của tỉnh đã được sắp xếp lại bằng các hình thức như: sáp nhập, cổ phần hóa, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu... Sau khi sắp xếp lại, DNNN đã tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhìn lại chặng đường 5 năm (2012 - 2016) các DNNN tỉnh An Giang đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, sản xuất kinh doanh luôn có sự tăng trưởng cao, bảo toàn và phát triển nguồn vốn chủ sở hữu, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, minh chứng cho thấy: năm 2012 tổng tài sản khối doanh nghiệp nhà nước là 2.725 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 1.529 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 2.045 tỷ đồng, tổng lợi nhuận thực hiện trước thuế 479 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hằng năm 850 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 1.880 lao động. Đến năm 2016, tổng tài sản khối DNNN đã tăng lên 5.237 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 3.335 tỷ đồng, doanh thu đạt 5.916 tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện trước thuế 777 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.566 tỷ đồng, tăng 84,23% so với năm 2012, giải quyết việc làm cho gần 3.871 người lao động.

Bên cạnh sự phát triển của DNNN đã có tác động không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các DNNN đã tự khẳng định được mình trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện có sự cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn đứng vững và phát triển theo chiều hướng đi lên. Đối với lĩnh vực sản xuất, các DNNN đã và đang tập trung nguồn vốn để đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, tăng công suất, tạo việc làm cho người lao động, điển hình là đầu tư mở rộng Nhà máy gạch Tuynel2, đầu tư Nhà máy sản xuất bê tông dị ứng lực của Công ty TNHH một thành viên Xây lắp An Giang; về lĩnh vực dịch vụ, thương mại, các DNNN đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nhìn chung, trong những năm qua tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cả về khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, song với sự lãnh chỉ đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh khối DNNN của tỉnh đã có sự phát triển về mọi mặt, doanh thu, lợi nhuận hằng năm tăng bình quân khoảng 11,13%, đóng góp vào ngân sách nhà nước bình quân 1.650 tỷ đồng/năm, chiếm 32,86% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, DNNN của tỉnh đã tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội như: tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; hỗ trợ kinh phí học tập cho  học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi vượt khó, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng... bình quân trên 20 tỷ đồng/năm.

Mặc dù các DNNN của tỉnh có những bước phát triển vượt bậc, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song mô hình quản trị trong DNNN thời gian qua chưa thực sự mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét, nhiều quy định khác của Chính phủ liên quan đến thực thi các nguyên tắc quản trị công ty chưa được tuân thủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, nhưng một số DNNN chưa hoặc chậm công bố thông tin theo quy định.

Về lâu dài, để DNNN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần phải có sự thay đổi tư duy lãnh đạo của Công ty, chấp hành nghiêm những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, thực hiện cổ phần hóa đối với những doanh nghiệp có điều kiện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong khu vực và trên thế giới./.

NGUYỄN DUY TOÀN
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39990995