Truy cập hiện tại

Đang có 332 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Chợ Mới đa dạng trong chuyển dịch giống cây trồng

(TGAG)- Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất vườn tạp, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từ năm 2015 đến nay, Chợ Mới đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng được 3.304 ha. Chuyển đổi chủ yếu từ đất trồng lúa sang trồng màu, cây ăn trái và từ đất màu sang cây ăn trái; chuyển dịch mạnh mẽ nhất tại 03 xã Cù Lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân); 03 xã đều không còn diện tích lúa, Mỹ Hiệp 100% diện tích là vườn, Tấn Mỹ và Bình Phước Xuân 100% màu và vườn. Trong đó, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện đến thời điểm này là 5.263 ha, tăng 1.154 ha so năm 2015. Hiện diện tích đang cho trái chiếm khoảng 56,9 % tổng diện tích vườn; diện tích sản xuất xoài đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 127 ha/128 hộ tại 3 xã Cù lao Giêng. Diện tích áp dụng hệ thống tưới phun của toàn huyện trên cây ăn trái là 225 ha chiếm 4,3% diện tích trồng cây ăn trái, chủ yếu áp dụng cho cây có chiều cao từ 3m trở xuống. Mới đây, Chợ Mới được UBND tỉnh phê duyệt về việc đầu tư 700 ha rau ở xã Kiến An và 540ha xoài tưới nhỏ giọt ở ba xã Cù Lao, đến nay đã triển khai được 140ha ở xã Bình Phước Xuân và 61ha rau ở Kiến An, sau khi dự án này đạt hiểu quả sẽ tiếp tục nhân rộng thêm.
Việc chuyển dịch không chỉ phát triển mạnh mẽ ở ba xã Cù Lao Giêng mà còn phát triển rộng khắp tại các địa phương khác trong huyện. Tại xã Kiến An, xuất hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Đây là loại cây trồng mới nhưng với hiệu quả kinh tế bước đầu đem lại, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang mở ra một hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn huyện, đem lại giá trị thu nhập cao hơn và hứa hẹn sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian sắp tới.

Sự thành công của việc chuyển đổi của các loại giống cây ngoài xoài ba màu trước đó thì sự xuất hiện của nhiều loại giống cây trồng mới như cam xoàn, nhãn Ido hay thanh long ruột đỏ vừa nêu trên đang là hướng đi mới, hứa hẹn nhiều triển vọng.

Ngoài ra, trong sản xuất rau màu, hiện nay, trên địa bàn huyện diện tích áp dụng hệ thống tưới phun trên rau màu là 514 ha chiếm 10% diện tích canh tác rau màu. Nhà sơ chế rau an toàn xã Kiến An được tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn vẫn được duy trì hoạt động với công suất 400 - 500kg/ngày, để cung cấp cho thị trường. Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Long Thượng và ấp Long Hạ xã Kiến An đã đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn do Chi cục quản lý chất lượng chứng nhận (loại B) với diện tích của 2 vùng là hơn 10 ha (năm 2015) tiếp tục duy trì sản xuất rau an toàn. Năm 2016 vừa qua đã thực hiện khai trương và bán rau an toàn tại thị trấn Chợ Mới và thị trấn Mỹ Luông, bình quân mỗi ngày 02 điểm bán tiêu thụ khoảng 70 - 100 kg rau các loại. Được biết, thị trường tiêu thụ rau màu của huyện chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia. Bình quân mỗi ngày cung cấp 100 tấn rau màu các loại ra thị trường. Hay các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Nhà màng ươm cây con với diện tích 1.000m2 tại xã Hội An: Áp dụng kỹ thuật ươm cây con trong vĩ xốp, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Cây con tạo ra có độ đồng đều và chất lượng cây con tốt, thị trường chủ yếu là nông dân ở địa phương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm nhà màng sản xuất bình quân được từ 10 - 15 muôn cây con/tháng (1 muôn tương ứng 10.000 cây), lợi nhuận đạt được từ 80 - 120 triệu đồng/năm, bình quân khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng. Đồng thời, đã thực hiện 8 mô hình trồng rau màu trong nhà lưới. Các nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chủ yếu sản xuất cải ngọt, cải xanh, tần ô, bắp cải,... Kết quả bước đầu cho thấy sản xuất trong nhà lưới hạn chế sử dụng thuốc BVTV để phòng trị sâu bệnh, sản phẩm bán cao hơn khoảng 500đ - 1.000đ/kg so với rau trồng bên ngoài, lợi nhuận cao hơn từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng/vụ/1.000m2 so với bên ngoài tùy loại cây trồng.

Với những chủ trương hợp lý của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn thời gian qua đã và đang thu được những thành quả quan trọng, từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nông sản để giúp cho bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hải Đăng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708652