Truy cập hiện tại

Đang có 35 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Chợ Mới chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học

(TUAG)- Bước vào năm học mới, song song với công tác đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, các trường trên địa bàn huyện Chợ Mới còn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm bảo vệ tốt sức khỏe học sinh (HS). Đặc biệt là ở các trường mầm non - mẫu giáo tổ chức bán trú, công tác phòng, chống dịch bệnh càng được đặt lên hàng đầu. Với mục tiêu không để dịch bệnh xảy ra trong nhà trường.



Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Chợ Mới cho biết: Năm học này, trường có tổng số 390 cháu, bố trí 11 lớp. Trong đó, có 3 lớp mầm (cho trẻ 3 tuổi), 3 lớp chồi (cho trẻ 4 tuổi) và 5 lớp lá (cho trẻ 5 tuổi). Nếu so sánh, năm nay trường khởi đầu năm học mới có điểm thuận lợi hơn các năm trước, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh sốt xuất huyết giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ có xu hướng tăng. Trường mầm non, mẫu giáo có khả năng đối diện với nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan cao hơn, do vậy trước khi các cháu vào năm học mới, nhà trường đã phối hợp với Trạm Y tế thị trấn tổ chức phun, xịt thuốc khử khuẩn; tổ chức tổng vệ sinh trường lớp, sát khuẩn đồ chơi, trang trí lại các lớp cho sạch - đẹp, thoáng mát nhằm tạo môi trường sạch sẽ, an toàn cho các cháu; bố trí 3 bệ rửa tay lớn ở sân chơi trong khuôn viên và các bệ rửa tay trong khu vệ sinh; bố trí nước rửa tay khô, cồn vệ sinh cho từng lớp học. Khi thực học, nhân viên phụ trách thực hiện lau rửa, quét dọn vệ sinh khuôn viên trường từ 2 đến 3 lần trong ngày. Hằng ngày, các cô sẽ quan sát các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh khi đón - trả trẻ. Nhìn chung khâu phòng dịch thuận lợi do tất cả các cô giáo đều đã được tập huấn và có kiến thức cơ bản về bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết,…

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga - Hiệu trưởng trường Mẫu giáo thị trấn Chợ Mới thông tin: “Ngoài những biện pháp chúng tôi chủ động áp dụng bên trong nhà trường, thì trường còn tích hợp trong hoạt động giảng dạy của giáo viên. Trước khi vào hoạt động học thì giáo viên xây dựng chương trình về các chủ đề, chủ điểm khác nhau. Ví dụ như chủ đề trường mầm non, chủ đề gia đình thì giáo viên sẽ lồng ghép, tích hợp vào cách vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân, như là dạy trẻ vệ sinh đúng cách, đánh răng theo các bước, nhất là biết vệ sinh tay trước khi ăn hoặc là sau khi đi vệ sinh, trước khi vào lớp. Bên cạnh đó, giáo viên còn tuyên truyền với phụ huynh thông qua các bản tin ở lớp, bằng các thông điệp, tờ bướm. Trong họp phụ huynh đầu năm, giáo viên sẽ lồng ghép tuyên truyền về dịch bệnh và các biểu hiện nhận biết dịch bệnh, để phụ huynh nắm, phối hợp tốt với giáo viên chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lam - giáo viên Trường Mẫu giáo thị trấn Chợ Mới chia sẻ: “Khi lên tiết học, cô sẽ thực hành mẫu trước theo 6 bước rửa tay của Bộ Y tế. Cô dạy từng bước cho các bé; rồi cho các bé thực hiện mẫu chưa có xà bông; sau đó, khi các bé có đi vệ sinh mình sẽ chỉ bé thực hành, thực tiễn luôn. Quá trình học tập trong một ngày, thì trước khi vào lớp, các cô sẽ xịt nước rửa tay khô vệ sinh 2 bàn tay trước cho bé. Sau hoạt động học tại lớp, các bé được xuống sân tham gia hoạt động ngoài trời. Kết thúc hoạt động ngoài trời, cô sẽ hướng dẫn các bé rửa tay trước khi lên lớp. Đến giờ ăn, trước khi ăn cô nhắc nhở bé đi rửa tay và sau khi ăn phải rửa miệng, rửa tay. Cô cứ nhắc liên tục các bé dần hình thành thói quen, biết tự giác tự làm.”



Cũng là một trong những điểm trường có số lượng trẻ bán trú khá đông, trường Mầm non thị trấn Chợ Mới năm học này có 344 trẻ, với 7 lớp (mầm, chồi, lá) và 4 nhóm trẻ (từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi). Để đảm bảo phòng chống các loại dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe các cháu, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trước, trong và sau mỗi ngày học. Cùng với đó, là thường xuyên kết nối với các phụ huynh, gửi video clip tuyên truyền một số dịch bệnh qua Zalo nhóm lớp, cập nhật tình hình dịch bệnh, hình ảnh trực quan về cách phòng chống, biểu hiện của từng loại dịch bệnh trên bản tin của mỗi lớp; mời trạm y tế đến tuyên truyền trực tiếp với cha mẹ các bé, thông tin trao đổi với phụ huynh vào mỗi giờ đón và trả trẻ,… Riêng đối với trẻ, các cô cũng quan tâm giáo dục trẻ về ý thức tự giữ gìn vệ sinh. Đặc thù trẻ mầm non - mẫu giáo chưa biết đọc, chưa biết chữ, nên các cô lựa chọn những mẫu chuyện kể ngắn, thiết thực để trẻ vừa học, vừa chơi, vừa thực hành.

Cô Lý Kim Thanh - giáo viên trường Mầm non thị trấn Chợ Mới cho biết: “Các cô lồng ghép giáo dục trẻ trong các hoạt động hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, hoặc là ở trong các tiết dạy của cô. Như là dạy qua các bài thơ, câu chuyện, ví dụ như bài thơ “đôi mắt của em”, câu chuyện “tâm sự đôi mắt”, câu chuyện “tay chân miệng”, giúp trẻ khắc sâu hơn, nhớ lâu hơn về đề phòng dịch bệnh; đồng thời giúp cho trẻ tự bảo vệ chăm sóc với bản thân mình và các bạn xung quanh”.

Trong bối cảnh các loại dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các trường trên địa bàn huyện Chợ Mới đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt các biện pháp, không chủ quan, lơ là nhằm kiểm soát tốt sức khỏe học đường, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ trẻ trong sốt năm học./.

Thanh Liên, Bảo Dinh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40974266