Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Tịnh Biên: Nhiều định hướng mới cho thanh niên thông qua Hội nghị đối thoại với thanh niên

(TUAG)- Với chủ đề “Thanh niên Tịnh Biên tham gia thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số”, Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên với thanh niên năm 2023 đã đem lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo địa phương nắm bắt tình hình, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của thanh niên và có nhiều định hướng mới cho thanh niên trong thời đại mới.
 

Quang cảnh hội nghị
 

Các diễn giả tại Hội nghị đối thoại 

Hội nghị đã được thanh niên trên địa bàn thị xã phát huy hiệu quả với nhiều câu hỏi sâu, sát thực tế trong xã hội ngày nay như: những cơ hội và thách thức của Tịnh Biên khi tham gia chuyển đổi số, để bức phá, vươn lên, cơ hội việc làm sẽ thay đổi như thế nào khi chuyển đổi số và nguy cơ thất nghiệp khi xã hội được số hóa.

Với tinh thần cởi mở, nhiệt huyết, cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành thanh niên nắm bắt kịp thời, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn chia sẻ: Chuyển đổi số sẽ làm một số nghề biến mất hoặc xuất hiện. Để đưa ra dự đoán chính xác ngành nghề nào biến mất và ngành nghề nào xuất hiện là không dễ, vì mọi thứ đều đang thay đổi, nhiều ngành nghề mới vào lúc này con người vẫn chưa biết cụ thể. Trong tương lai gần, những công việc được tự động hóa nhiều sẽ là những việc không đòi hỏi kỹ năng xã hội và sự sáng tạo. Một số ví dụ về những nghề nghiệp ít bị ảnh hưởng gồm: Chuyên gia trị liệu, biên đạo múa, bác sĩ phẫu thuật, nhà tâm lý, nhà nhân chủng và khảo cổ học, kiến trúc sư, giám đốc điều hành kinh doanh…

Lo lắng về mất việc đều đã xảy ra khi xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhưng cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đều đã không gây ra thất nghiệp lớn, mà ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp có xu thế giảm đi. Thất nghiệp tăng chủ yếu là do suy thoái kinh tế. Các cuộc cách mạng công nghiệp mới làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới, nhiều cơ hội mới về việc làm. Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động, và nhận thức và thích ứng nhanh với cuộc cách mạng mới. Chuyển đổi số lại có thể hỗ trợ tích cực cho đào tạo lại, cũng như tạo ra các công cụ, nền tảng để các nghề mới dễ học, dễ làm hơn. Chuyển đổi số sinh ra các trường đại học số, sinh ra các nền tảng đào tạo từ xa giúp cho việc đào tạo dễ dàng hơn, có thể học bất kỳ lúc nào, thực hành bất kỳ thời gian nào, thi, kiểm tra bất kỳ lúc nào, thông qua vật bất ly thân của chúng ta là điện thoại di động hay máy tính bảng (thiết bị thông minh). Mặt khác, ứng dụng các tiến bộ công nghệ không hoàn toàn lấy đi công việc của con người, mà thực tế còn tạo ra nhiều công việc khác với cấp độ cao hơn, đòi hỏi con người phải học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới. Các công việc liên quan đến quản lý con người, ý tưởng sáng tạo và có tính tương tác về mặt cảm xúc, xã hội cao sẽ không dễ bị đào thải trong tương lai. Top 10 trong số đó phải kể: quản lý và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng IoT, công nghệ thông tin, kinh tế và quản trị kinh doanh số như Fintech, EduTech,… và thiết kế vật liệu mới.
 

Thanh niên đưa ra các câu hỏi tại hội nghị

Đối với chủ đề về phương hướng, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cụ thể của các tổ chuyển đổi số cộng đồng trong thời gian tới, Phòng Văn hoá và Thông tin cho biết: Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, thị xã hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ. Đến nay, 100% các xã, phường và khóm, ấp trên địa bàn thị xã Tịnh Biên đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, các tổ này hoạt động khá sôi nổi với sự xung kích, nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn khóm, ấp, thực hiện ở mức tuyên truyền các nội dung cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thông tin về định danh điện tử…

Tuy nhiên, do mới thành lập, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động và nhằm phát huy vai trò nòng cốt của thanh niên trong các tổ công nghệ số cộng đồng. Phòng Văn hoá và Thông tin phối hợp với Thị Đoàn Tịnh Biên tổ chức 3 lớp tập huấn nhận thức về chuyển đối số, Đề án 06 cho trên 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên và tổ chức 14 lớp tập huấn cho trên 450 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã, phường, khóm, ấp. Thời gian tới, để tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Phòng Văn hoá và Thông tin sẽ tham mưu cho UBND thị xã Tịnh Biên sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; in các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích hoặc tờ rơi để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng; phát sóng các tài liệu hướng dẫn cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số để tuyên truyền phổ biến hướng dẫn gián tiếp đến người dân cài đặt và sử dụng trên hệ thống truyền thanh thị xã, đài phát thanh xã, phường v.v.
 

Thanh niên rất quan tâm đưa ra các câu hỏi về khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ 

Thanh niên Huỳnh Thị Ánh Tuyết, đoàn viên ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo đưa ra câu hỏi tại hội nghị đối thoại: Hiện nay, thị xã có chính sách hỗ trợ gì cho thanh niên, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không? Điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài là như thế nào? Và cụ thể gồm những nước nào? Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Tịnh Biên cho biết: Người lao động cần phải đáp ứng các điều kiện để đi làm việc ở nước ngoài, tập trung làm việc chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,… Chính sách hỗ trợ cho người lao động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang và Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 12/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang. Thị xã đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 12/5/2021 triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thị xã Tịnh Biên.

Hỗ trợ chi phí ban đầu, mức hỗ trợ đối với lao động thuộc là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn: được hỗ trợ với mức khoán không quá 15.000.000 đồng/lao động để hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí đi lại (01 lượt đi và về), lệ phí cấp hộ chiếu, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chi phí khám sức khỏe (ngân sách tỉnh). Ngoài nhóm đối tượng trên được hỗ trợ mức khoán 5.000.000 đồng lao động. Hình thức hỗ trợ: Người lao động nhận hỗ trợ tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh nếu người lao động đăng ký trực tiếp tại các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật được Sở LĐ-TB&XH thẩm định hoặc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thuộc Sở LĐ-TB&XH.

Về hỗ trợ tín dụng, mức vay được vay tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng tối đa là 100 triệu đồng/lao động. Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định. Thời hạn vay vốn không vượt quá thời hạn làm việc ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho người lao động “Không thuộc diện chính sách” được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để xuất khẩu lao động (nguồn vốn ngân sách thị xã) ủy thác qua Ngân hành Chính sách xã hội thị xã hỗ trợ cho vay thêm phần kinh phí chênh lệch của hợp đồng để người lao động đảm bảo đóng đủ chi phí khi tham gia (nếu người lao động có nhu cầu). Kinh phí vay thêm từ nguồn ngân sách ủy thác qua ngân hành huyện lãi suất và thời hạn vay giống như từ Trung ương và tỉnh quy định.
 

Trao hoa cho các diễn giả tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên với thanh niên năm 2023

Rất nhiều câu hỏi của thanh niên về những giải pháp gì để thúc đẩy việc học tập trên môi trường số trong và ngoài nhà trường; ngành y tế đã tham gia chuyển đổi số vào các hoạt động chuyên môn nào, nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn; Thị Đoàn sẽ làm gì để đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp; những tiêu chuẩn, yêu cầu cần thiết để lực lượng thanh niên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay… đã được chủ tọa hội nghị giải đáp thắc mắc cho ĐVTN đầy đủ và sâu sắc. Từ đó có những lời khuyên, thông điệp và định hướng mới để thế hệ trẻ tiếp tục xung kích, phấn đấu đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguyễn Hảo
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40051225