Truy cập hiện tại

Đang có 146 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Hợp tác xã nông nghiệp Tây Phú phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân

(TUAG)- Thời gian qua, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn) đã phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

HTX nông nghiệp Tây Phú được thành lập năm 2015 gồm 31 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Đây là một trong số các HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Thoại Sơn hoạt động có hiệu quả và đang từng bước phát triển. Trong hoạt động, HTX nông nghiệp Tây Phú đã phát huy được vai trò cầu nối, vừa liên kết nông dân với nhau tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, vừa kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho thành viên và nông dân, nhờ đó lúa đầu ra không ảnh hưởng bởi thị trường, nông dân không lo tình trạng “được mùa, mất giá” khi vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, HTX còn chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa nguyên liệu theo giá đã ký hợp đồng, trung bình mỗi năm HTX nông nghiệp Tây Phú thực hiện liên kết tiêu thụ trên diện tích sản xuất khoảng 800 hecta lúa của thành viên và nông dân địa phương. Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tây Phú, cho biết: “Hiện nay HTX liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu lúa sau khi thu hoạch. Vì vậy, các thành viên trong HTX rất an tâm, phấn khởi với các chuỗi liên kết, mọi người không cần phải lo việc bán lúa ở ngoài và bị thương lái ép giá như trước đây”.


Các thành viên HTX nông nghiệp Tây Phú thường xuyên thăm đồng trao đổi kỹ thuật sản xuất

Cùng với tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp Tây Phú còn tập trung chú trọng phát triển đa dạng các dịch vụ trong hoạt động nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của thành viên và nông dân. Hiện nay, HTX đang thực hiện các dịch vụ, gồm: cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ lúa, bơm tiêu chống úng, sản xuất lúa giống và định hướng dịch vụ cung ứng gạo an toàn cho thành viên và nông dân ở địa phương. Cụ thể, ngay từ đầu vụ sản xuất, HTX sẽ cung ứng và hỗ trợ chi phí vật tư nông nghiệp cho các thành viên, gồm: giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… đến cuối vụ và chiết khấu 5% tổng chi phí đầu vào trong sản xuất. Song song đó, trong quá trình sản xuất, các cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp liên kết với HTX sẽ cùng với nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận trong sản xuất. Ông Bùi Văn Thanh, thành viên HTX nông nghiệp Tây Phú, chia sẻ: “Trước đây, trồng lúa đến khi bán thì đều bị các thương lái ép giá, nhưng từ khi vào HTX thì tôi không còn sợ cảnh buôn bán lúa khó khăn nữa và giá bán lúa cũng cao hơn trước vì HTX có ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Các cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp cũng thường xuyên hướng dẫn cách canh tác và chăm sóc lúa nên những vụ mùa qua ruộng lúa của tôi đạt năng suất cao và chất lượng tốt”.

Bên cạnh đó, HTX định hướng thành viên và nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua lúa xuất khẩu góp phần nâng cao thu nhập trong sản xuất. “HTX sẽ cho các thành viên và nông dân đăng ký lựa chọn theo mô hình sản xuất lúa an toàn hay mô hình sản xuất lúa truyền thống. Các thành viên và nông dân chọn mô hình sản xuất lúa an toàn, khi bán lúa sẽ được cộng thêm 100-150 đồng/kg lúa, như vậy sẽ tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích. Còn nếu chọn mô hình sản xuất lúa truyền thống, HTX vẫn ký kết hợp đồng với các công ty tiêu thụ lúa phù hợp để tạo đầu ra ổn định giúp các thành viên và nông dân an tâm sản xuất”- ông Nguyễn Phi Sơn Hổ, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tây Phú, cho biết.

Theo kế hoạch hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới của tỉnh tham gia đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư ký ban hành, có 4 mô hình HTX nông nghiệp được tham gia thí điểm. Trong đó, HTX nông nghiệp Tây Phú với mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. HTX được tham gia thí điểm sẽ được giới thiệu, phổ biến các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường, bảo vệ quyền lợi cho HTX; hướng dẫn áp dụng các TCVN, QCVN, hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng cho HTX. Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng sản phẩm; tư vấn xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào sản xuất; đăng ký chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… Ngoài ra, HTX còn được rà soát, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh An Giang. Qua đó, giúp HTX phát triển thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành của HTX. Việc triển khai kế hoạch nhằm cung cấp cơ sở thực tiễn về HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về kinh tế tập thể. Qua triển khai thí điểm, sẽ xây dựng các mô hình HTX trở thành kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX. Đồng thời, hoàn thiện mô hình HTX thí điểm để làm cơ sở xây dựng phương án nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026 - 2030) ở nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tây Phú cho biết, thông qua các đề án, gói hỗ trợ của tỉnh đã giúp HTX và các thành viên, bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Trong thời gian tới, HTX nông nghiệp Tây Phú sẽ tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn thêm những doanh nghiệp uy tín để liên kết đưa ra các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chung của thành viên, tạo ra các sản phẩm chất lượng, hạn chế chi phí đầu tư và tăng giá trị sản phẩm cạnh tranh với thị trường. Qua đó góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với giá cả ổn định, thu hút thêm thành viên tham gia mô hình liên kết gắn với các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững.

THÚY UYÊN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40060360