Truy cập hiện tại

Đang có 74 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Phụ nữ huyện Châu Phú khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, từng bước khẳng định vị trí của mình

(TUAG)- Luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp,… các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Phú đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự sản xuất - kinh doanh, không ngừng sáng tạo, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Với quyết tâm khởi nghiệp, khởi sự sản xuất - kinh doanh; cùng sự hỗ trợ, tiếp sức của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp; sự kiên trì, phấn đấu không ngừng, luôn miệt mài nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện đã giúp nhiều hội viên phụ nữ trong huyện có kinh tế gia đình ổn định, phát triển.



Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển kinh tế với mô hình du lịch vườn sinh thái, cô Nguyễn Thị Do – khóm Vĩnh Phú, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, chủ vườn sinh thái Sáu Tơm cho biết: “Trước đây, gia đình cô canh tác 10.000m2 đất trồng lúa nhưng kinh tế không ổn định. Mỗi năm thu về từ các vụ lúa chỉ khoảng 60 - 62 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí trồng lúa và chi phí của gia đình, khoản dôi dư còn lại không nhiều, chỉ đủ sống không có dư để phát triển kinh tế. Được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ thị trấn, cô tham gia vào các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở địa phương, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, cô đã mạnh dạn chuyển đổi 10.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vườn (chủ lực là bưởi da xanh), kết hợp đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái. Sau khi chuyển đổi, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, thu nhập từ việc trồng bưởi kết hợp mô hình du lịch sinh thái mỗi năm thu về từ 100 - 130 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ngày một phát triển. Bên cạnh còn giúp cho 05 chị phụ nữ trong xóm có thêm việc làm từ chính mô hình này”.

Cô Do cho biết thêm: Để tiếp sức cho cô trong việc đầu tư mở thêm một số dịch vụ phục vụ khách tham quan, đồng thời cải tạo lại hệ thống tưới tiêu, làm sạch đất và tiến hành nuôi trùng quế để bón cho cây thay thế một số sản phẩm hóa học, cô được Hội Phụ nữ thị trấn giới thiệu vay một khoản vốn với lãi suất ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện,... Mảnh vườn của cô hiện đang dần chuyển đổi sang phương pháp canh tác hữu cơ nhằm phấn đấu đạt chuẩn theo yêu cầu của sản phẩm OCOP.

Cũng như cô Do, cô Võ Thị Bé - ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Mỹ Tây đã mạnh dạn chuyển đổi 12.000m2 đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Trong đó, chuyển đổi 8.000m2 sang trồng mít, 4.000m2 trồng chanh. Ngoài ra còn xen kẻ một số cây ăn trái ngắn ngày như ổi… Hiện tại, diện tích vườn đã cho trái, lợi nhuận bình quân khoảng 120 triệu đồng/năm.

Còn chị Huỳnh Thị Kim Hai - ấp Long Hưng, xã Ô Long Vĩ quyết định khởi nghiệp kinh doanh trên chính quê hương mình, đã thành công trong việc kinh doanh “cơm cháy chà bông”. Chị Kim Hai chia sẻ: “Lúc trước vợ chồng làm nghề bán đá bào, phải chạy đi bán ở nhiều nơi, thu nhập rất bấp bênh. Sau khi học hỏi và biết làm cơm cháy chà bông, chị đã mạnh dạn chuyển sang nghề này với mong muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên chính quê nhà của mình. Đến nay cơ sở làm “cơm cháy nếp chà bông 9 Lai” của vợ chồng chị đã được nhiều người dùng trong và ngoài địa phương biết đến, công việc làm ăn ngày một khấm khá”. Nhờ sự cần cù, chịu khó, luôn tích cực học tập, lao động sáng tạo mà sau 05 năm khởi nghiệp kinh doanh, vợ chồng chị Kim Hai nuôi được 02 con ăn học, cất nhà, mua đất và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 04 lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Cũng như mọi người khi bắt đầu khởi nghiệp, các cô, các chị hội viên phụ nữ chia sẻ: Khởi nghiệp đối với phụ nữ không dễ dàng, để có được sự thành công như hiện tại, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của bản thân người phụ nữ, sự ủng hộ của gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ của hội LHPN các cấp, của địa phương, của Ngân hàng chính sách xã hội, nhất là sự hỗ trợ vốn vay từ các chương trình, dự án.



Đồng hành cùng quá trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ, các cấp Hội trong huyện đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận được các khoá học, các mô hình hay, hiệu quả; giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 76 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp cho 03 chị; hỗ trợ vốn cho 73 chị. Cụ thể, Hội đã giới thiệu giải ngân nguồn vốn quỹ hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh đợt 1 cho 19 chị hội viên xã Đào Hữu Cảnh vay mua bán nhỏ, số tiền 188 triệu đồng; đợt 2 cho 37 chị hội viên xã Khánh Hoà và xã Bình Chánh, số tiền 111 triệu đồng. Ngoài ra, hội LHPN các xã, thị trấn khảo sát, tư vấn kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 20 hội viên, qua đó đã giới thiệu Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho 17 trường hợp, với số tiền 810 triệu đồng để thực hiện phương án khởi nghiệp.

Từ những gương điển hình về phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh khởi nghiệp trên địa bàn huyện Châu Phú thời gian qua cho thấy: Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó vươn lên, cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Trúc Mai
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37187938