Truy cập hiện tại

Đang có 187 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Tri Tôn: Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2019 - 2022

(TUAG)- Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm vừa qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên nông dân của huyện.


Qua 9 kỳ đại hội, toàn huyện Tri Tôn có 57.731 lượt cá nhân và 22 lượt tập thể đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Chất lượng phòng trào ngày càng được nâng lên, nông dân đăng ký tham gia ngày càng tăng cao qua từng năm; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả ngày càng lan tỏa và được nhân rộng trên địa bàn dân cư, giúp nông dân vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên khá, giàu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện nhà. Hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn đã hưởng ứng tích cực phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" bằng những việc làm thiết thực như: thi đua phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ nhau làm ăn kinh tế… Vì vậy, số hộ SXKDG ngày càng nâng lên.

Trong giai đoạn 2019-2022, mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn do khí hậu, thời tiết dịch bệnh. Với chủ đề “Tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị”, phong trào luôn được các cấp Hội triển khai, phát động sâu rộng đến từng chi, tổ hội. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện tích cực, đa dạng bằng nhiều hình thức như thông qua sinh hoạt chi, tổ nhóm, câu lạc bộ nông dân, hội thảo, tập huấn, tham quan học tập các mô hình tiên tiến… đặc biệt là thông qua kênh tuyên truyền thông tin đại chúng về các gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu từ đó được đông đảo hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng.

Qua phát động tổng số hộ nông dân tham gia đăng ký 11.520 nông dân đạt 103% chỉ tiêu phát động. Qua xét chọn có 8.982 lượt nông dân đạt danh hiệu nông dân XSKDG các cấp, trong đó cấp tỉnh là 880 lượt, cấp huyện 2.681 lượt và cấp xã là 5.421 lượt. Số nông dân giỏi là người dân tộc Khmer 3.402 lượt chiếm tỷ lệ 37,88%; số nông dân giỏi là nữ 137 lượt đạt tỷ lệ 1,53%, bao gồm các ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là trồng lúa,  dịch vụ - kinh doanh, hoa màu, chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản và ngành nghề khác.

Ông Trần Văn Mì - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn cho biết: Trước hết, có thể thấy, phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ngày càng tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, chăn nuôi heo theo lối công nghiệp, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học hay trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, trồng nấm rơm trong nhà kín và trồng chuối cấy mô theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, mô hình đa canh. Từ kết quả trên cho thấy phòng trào ngày càng nổi bậc chất lượng ngày càng nâng cao. Số hộ nông dân SXKDG có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng tăng hơn so với kỳ trước, thu hút và tạo việc làm vài chục lao động, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, lợi nhuận tăng nhanh và đã từng bước nâng cao về chất lượng. Đặc biệt có nhiều nông dân không những vươn lên làm giàu cho bản thân với mức doanh thu đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn như: Mô hình kinh doanh nông nghiệp; mô hình trồng chuối cấy mô kết hợp chăn nuôi trang trại bò; mô hình sản xuất lúa và dịch vụ nông nghiệp; mô hình đa canh và dịch vụ nông nghiệp; mô hình tiểu thủ công nghiệp; mô hình lúa, vườn,… Bên cạnh đó, nông dân đã đổi mới tư duy trong cách làm ăn, nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất để hạ giá thành sản xuất từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ. Góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, các cánh đồng lớn,… để liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Một số hộ còn mạnh dạn đưa vào sản xuất thử nghiệm các mô hình sản xuất mới, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, hội viên, nông dân có nhiều cơ hội, điều kiện tiếp cận với tiến bộ KHKT. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân cùng các ngành có liên quan qua đó đã có gần 22.000 lượt nông dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT; các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ… Đồng thời, thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo, các hội viên nông dân có điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất... Nhờ đó, trình độ KHKT, kinh nghiệm sản xuất của hội viên, nông dân ngày càng được nâng lên để nâng cao hiệu quả sản xuất.


Ngoài việc đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, nông dân giỏi còn tham gia tích cục các phong trào xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng phát triển nông thôn mới với nhiều việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc như đóng góp làm cầu, đường, cất nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà chính sách, mua xe chuyển bệnh, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất, hỗ trợ hội viên, nông dân bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, vui Xuân đón Tết và nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường liên ấp, đường ra cánh đồng,… với tổng số tiền trên 7 tỷ 259 triệu đồng, cùng với hơn 6.937 ngày công lao động, cất mới và sửa chữa 29 cây cầu nông thôn, nâng cấp và sửa chữa trên 47km đường giao thông nông thôn, nạo vét 30km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Ngoài ra, Hội Nông dân cơ sở còn duy trì và xây dựng mới các điểm sáng biên giới, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, phòng chống buôn lậu qua biên giới và tệ nạn xã hội. Không chỉ góp phần tích cực trong chương trình giảm nghèo ở địa phương, phong trào còn nâng cao đời sống của nông dân. Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành tỉnh, huyện tổ chức dạy nghề cho nông dân thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho 3.820 hộ với số tiền trên 80 tỷ đồng giúp cho nhiều hộ nông dân từ nghèo khó vươn lên có cuộc sống ổn định, nhiều người đã trở thành nông dân giỏi. Từ đó phong trào đã góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn huyện. Đồng thời phong trào đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong các khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tri Tôn./.

Cẩm Vân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36705489