Truy cập hiện tại

Đang có 129 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Phú Tân: Quyết tâm đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay

(TGAG)- Đó là một trong những mục tiêu của Đề án phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, vừa được UBND huyện Phú Tân ban hành. Với mục tiêu, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên, vừa tham gia và đứng vững trên thị trường trong tiến trình hội nhập một cách độc lập. Đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.


Quy mô hoạt động của HTX, THT còn nhỏ, số lượng dịch vụ còn ít và đơn điệu. Ảnh: TTXVN.

Hiện tại, toàn huyện có 19 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với tổng diện tích làm dịch vụ là 16.290 ha, chiếm 72,88% diện tích sản xuất, có 1.860 thành viên tham gia vốn góp; tổng số cổ phần 153.938 cổ phần; có 58 tổ hợp tác (THT) với 740 tổ viên, diện tích làm dịch vụ 3.557ha, vốn cổ phần 4.153 triệu đồng. Tổng diện tích làm dịch vụ các HTX, THT là 19.847 ha chiếm 88.79% diện tích sản xuất, vốn cổ phần 19.546.800.000 đồng. Các HTX trên hiện chuyển đổi mô hình theo Luật Hợp tác xã 2012 có chỉ có 08/19 HTX.

Doanh thu bình quân của HTX ước thực hiện đến năm 2015 là 2.131 triệu đồng/năm; tăng 19,6% so với mục tiêu kế hoạch năm 2011-2015. Trong đó (doanh thu bình quân của HTX với thành viên 781 triệu.). Lãi bình quân và tỷ suất lãi của HTX ước thực hiện đến năm 2015 là 204 triệu đồng/năm; tăng 25,1% so với mục tiêu kế hoạch năm 2011-2015. Còn doanh thu bình quân của THT ước thực hiện năm 2015 là 1.286 triệu đồng/năm; tăng 4,89% so với mục tiêu kế hoạch năm 2011-2015. Lãi bình quân và tỷ suất lãi của THT ước thực hiện năm 2015 là 117 triệu đồng/năm; tăng 23,1% so với mục tiêu kế hoạch năm 2011-2015.

Trong thời gian qua các hợp tác xã có chú trọng đến tích lũy với tỷ lệ trích lập quỹ phát triển sản xuất phổ biến ở các HTX là 30%, cao hơn so với quy định của Luật hợp tác xã, điều này đã giúp cho các hợp tác xã có thêm vốn để mở rộng các loại hình dịch vụ.

Các dịch vụ mà hợp tác xã thực hiện chủ yếu là thủy lợi, làm đất, sấy, gặt đập liên hợp, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống lúa… trong đó dịch vụ thủy lợi là chủ lực. Nhìn chung những dịch vụ này cơ bản đáp ứng được nhu cầu hợp tác và sử dụng các dịch vụ nông nghiệp của nông dân. Ngoài ra, thông qua các dịch vụ này đã góp phần làm giảm giá thành sản xuất nông nghiệp cho thành viên và nông dân thông qua việc giảm giá dịch vụ cung cấp; các thành viên tham gia hợp tác xã còn được chia lãi theo vốn góp trung bình 3%/tháng.

Tuy nhiên thời gian qua, các HTX, THT chậm được mở rộng, dịch vụ đơn điệu (bơm tưới, có 13/19 HTX – 68,42% ), một số chất lượng dịch vụ chưa cao; chưa chủ động trong liên kết; quản lý nghiệp vụ kế toán, tài chính chưa sâu sát, chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia… nguyên nhân một số Ban quản trị, Ban kiểm soát lớn tuổi,  chưa sâu sát đồng ruộng, hiểu biết về công tác quản lý tài chính chưa sâu, thiếu kinh nghiệm khi thị trường thay đổi, ngại khó khi mở rộng dịch vụ mới...

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh ở một vài HTX tỷ lệ lãi quá cao, không hài hòa lợi ích (lãi ròng cao, 6 HTX có tỷ lệ từ  5 – 8,99%/tháng; chưa chú trọng tăng tích lũy tái đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng hoặc mở tín dụng nội bộ, mặc dù cơ cấu trích quỹ bình quân (năm 2014: 34,17%) tăng 0,24% so 2013(33,9%) vừa lệch mục tiêu phát triển.

Qua đó, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Phú Tân còn tồn tại khá nhiều yếu kém, chưa phát huy hết tiềm năng: Quy mô hoạt động còn nhỏ, số lượng dịch vụ còn ít và đơn điệu, chất lượng chưa cao, chậm được mở rộng; quản lý kém, khó thích ứng với biến động của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là trình độ nhân sự quản lý điều hành thấp, kém nhại bén, thiếu vốn. Chính sách cho kinh tế tập thể chưa tạo được sự chuyển biến phát triển cho khu vực kinh tế tập thể. Nhận thức về kinh tế tập thể còn nhiều khác biệt. Công tác quản lý nhà nước chưa được kiện toàn và chưa đồng bộ. Nhu cầu tổ chức lại sản xuất ngày càng bức thiết...

Để tận dụng cơ hội, phát huy thế mạnh, khắc phục yếu kém và sẵn sàng đối phó với thách thức thì cần thiết phải có đề án đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để định hướng và thực hiện. Để đạt mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh hàng hóa và quy mô lớn, đáp ứng tốt nhu cầu liên kết; duy trì và phát huy lợi thế so sánh, tạo thế cạnh tranh cho 2 sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất với số lượng lớn, chất lượng cao. Triển khai tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn huyện, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2016-2020 cần tập trung một số mục tiêu:

- Triển khai Kế hoạch xây dựng HTX nông nghiệp Phú An thành mô hình điểm gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020; Nhân rộng mô hình điểm thông qua việc củng cố nâng chất các HTX còn lại, cụ thể: Duy trì số lượng hợp tác xã 19, tổ hợp tác 58. Số lượng thành viên hợp tác xã, tổ viên tổ hợp tác tăng 3%/năm. Doanh thu bình quân của hợp tác xã, tổ hợp tác tăng 2%/năm.

- Duy trì tỷ lệ lãi/cổ phần từ bằng lãi suất ngân hàng trở lên (từ 2%/tháng trở lên). Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã 17 triệu đồng/năm. Nâng số hợp tác xã có kế toán đạt trình độ trung cấp hoặc đang học lên 90% trong tổng số hợp tác xã. Duy trì từ 2 - 3 hợp tác xã/năm có liên kết với các doanh nghiệp gắn với việc nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết.

- Đến 2020 có từ 1 - 2 hợp tác xã thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn theo đúng tiêu chí. Hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, xóa tên, giải thể các hợp tác xã yếu kém, các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động không đúng Luật Hợp tác xã. 100% hợp tác xã được chuyển đổi và hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012...
 
Ông Nguyễn Thành Ân - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: huyện sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai..., tạo điều kiện cho các Hợp tác xã tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất  kinh doanh, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã, tham gia hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Tổ chức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý kinh tế tập thể tham gia hội thảo, tập huấn, tham quan, học tập các mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế...

Để thực hiện có hiệu quả, huyện Phú Tân tiếp tục triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX 2012, Nghị định 193/2013-NĐ-CP, Thông tư số 03/2014TT-BKHĐT và các văn bản có liên quan. Phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn An Giang tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, cán bộ HTX nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các chức danh quản lý. Tăng cường công tác hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật HTX và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn huyện./.
VĂN HẢI
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37033752