Truy cập hiện tại

Đang có 278 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Xã vùng sâu Vĩnh Nhuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(TUAG)- Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.


Nông dân thu hoạch dưa leo

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, xã Vĩnh Nhuận tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân…

Đến nay, xã Vĩnh Nhuận đã chuyển đổi được gần 85ha sang trồng cây ăn trái và gần 60ha rau màu. Nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, như: trồng cam, mít Thái, cà na Thái, quýt, sầu riêng, dâu tằm, dưa lưới, dưa leo, nấm rơm... Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại tín hiệu khả quan, nhiều hộ nông dân tiếp tục cải tạo đất để chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác…

Tiêu biểu như gia đình chị Hồ Thị Lựu (ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Nhuận). Nhận thấy việc trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên vợ chồng chị vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, vừa mở rộng dần diện tích trồng nhiều loại rau màu. Theo chị Lựu, dưa leo dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chi phí đầu tư thấp, xuống giống hơn 1 tháng là cho thu hoạch liên tục 20 ngày. Vụ hè thu năm nay, chị trồng gần 1,5ha dưa leo, đạt năng suất từ 3,5-4 tấn/công (1.000m2), được thương lái thu mua với giá khá cao (bình quân 9.000 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, chị còn lãi từ 10-12 triệu đồng/công.

Đối với anh Phan Thành Chiến (ngụ ấp Vĩnh Thuận), đã phát triển thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Qua 2 năm thực hiện, vườn dưa lưới của anh Chiến tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao, ổn định và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà màng, với 1.000m2.


Anh Phan Thành Chiến thu hoạch dưa lưới

Theo anh Chiến, dưa lưới được trồng khoảng 90 ngày thì cho thu hoạch, sản lượng 3,5-4,5 tấn/1.000m2. Với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg (loại I), 25.000-28.000 đồng/kg (loại II), sau khi trừ các chi phí, vườn dưa lưới mang về thu nhập cho gia đình anh Chiến từ 100-120 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, anh Chiến cho ra thị trường khoảng 250 cặp dưa lưới khắc chữ, bán cho người dân chưng Tết với giá 300.000-450.000 đồng/cặp, tăng thêm thu nhập…

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận Hồ Thị Hồng Phượng cho biết, thời gian tới, xã triển khai kế hoạch chuyển đổi cụ thể trên từng vùng canh tác phù hợp với quy hoạch, điều kiện canh tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, khuyến cáo chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Xã Vĩnh Nhuận tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

TRUNG HIẾU
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37046674