Truy cập hiện tại

Đang có 103 khách và không thành viên đang online

Năm Chủ tịch ASEAN: Vị thế và vai trò Việt Nam

(TGAG)- Với thế và lực mới của đất nước sau 10 năm kể từ Năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã và đang sẵn sàng để tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong Cộng đồng ASEAN, duy trì đà tiến triển của ASEAN trong đời sống chính trị toàn cầu. Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 trong buổi lễ chuyển giao được tổ chức tối 4/11 sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Trong thông điệp khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng với ý thức trách nhiệm cao nhất để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; Việt Nam vui mừng chào đón các nước đến với Việt Nam năm 2020.

Thủ tướng đã công bố chủ đề và giới thiệu các ưu tiên của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời khẳng định “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng” là điều ASEAN cần nhất để xây dựng thành công Cộng đồng.

Chủ đề Năm Chủ tịch 2020 mà Việt Nam chọn là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.

Trong khi đó, yếu tố "chủ động thích ứng" có nghĩa là linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến trong tình hình quốc tế và khu vực, thách thức đan xen những cơ hội, như sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn và các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua các thách thức bởi hiện nay chính là thời điểm để tất cả các quốc gia và cộng đồng thế giới quan tâm đến khu vực Đông Nam Á. Và Việt Nam là khu vực ổn định trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc. Đồng thời Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới. Do đó, năm 2020 tới đây sẽ là thời điểm để Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN phát triển bằng những chính sách do mình đề ra.

Đơn cử như việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiện nay chỉ còn Ấn Độ chưa đồng ý, trong khi 15 nước tham gia đàm phán còn lại đã đều nhất trí cho một hiệp định thương mại tự do có tổng giá trị tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN và các nước thành viên khác của RCEP cùng nhau nỗ lực thuyết phục Ấn Độ gia nhập hiệp định càng sớm càng tốt.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 càng thêm có ý nghĩa khi sự kiện này đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào "mái nhà chung" ASEAN. Cũng trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là những hoạt động ngoại giao quan trọng để Việt Nam thể hiện vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ như Liên Hợp Quốc.

Một vấn đề nữa vừa là cơ hội, song cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN tới đây khi các nước cùng thúc đẩy đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam đã xây dựng và đưa ra 5 định hướng ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đó là: (1) tăng cường thực hiện vai trò và đóng góp của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (2) thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; (3) thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN nhằm tạo dựng các giá trị chung của ASEAN; (4) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; (5) nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của ASEAN thể hiện qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm 2020, giờ là lúc bắt tay vào triển khai cụ thể. “Trước mắt, chúng ta sẽ tập trung chuẩn bị cho Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào tháng 01/2020 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là hoạt động lớn đầu tiên, mở đầu cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, với trọng tâm là thống nhất các định hướng, ưu tiên xuyên suốt năm 2020 của ASEAN dưới sự chủ trì và điều hành của Việt Nam”.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được xem là sự kiện đa phương lớn nhất của Việt Nam, trong bối cảnh ASEAN đi được nửa chặng đường triển khai các kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025. Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tiến độ và những thành tựu giữa kỳ, qua đó quyết định những bước đi tiếp theo để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025./.

NGỌC HÂN (Tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40576504