Truy cập hiện tại

Đang có 114 khách và không thành viên đang online

Quan hệ nước lớn - nước nhỏ

(TGAG)- Nước lớn (cường quốc, siêu cường) là khái niệm dùng để chỉ những quốc gia có diện tích rộng, dân số đông và có nguồn lực phát triển vượt trội so với nhiều nước khác. Đó là nước có tiềm lực, sức mạnh và ảnh hưởng vượt trội về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa, có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối, định hình chính sách và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới cũng như chi phối sự vận động của hệ thống quan hệ quốc tế, của các xu thế quốc tế và việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Hiện nay, không có một nhận thức thống nhất hay một định nghĩa chung về nước lớn. Việc phân định nước lớn - nước nhỏ phụ thuộc vào góc nhìn từ mỗi quốc gia dựa trên sự so sánh tương quan sức mạnh, vị thế và sự ảnh hưởng của quốc gia đó với các quốc gia khác. Theo đó, một quốc gia có thể là nhỏ trong mối quan hệ này nhưng lại được xem là lớn trong mối quan hệ với những nước khác và ngược lại. Ví dụ như: Canada, Braxin và Australia là nước lớn trên thế giới về mặt diện tích lãnh thổ và nguồn lực tài nguyên; Ấn Độ, Indonexia, Pakixtan là nước lớn về dân số. Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp của các quốc gia này chưa đạt tới vị thế của một cường quốc thế giới. Trên thực tế, trong việc phân định và đánh giá một nước là lớn hay nhỏ, yếu tố sức mạnh tổng hợp mà nổi bật là sức mạnh quân sự, kinh tế và khoa học - công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, dựa vào tổng hợp các tiêu chí nhận diện như đã nêu trên và theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì 05 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp được xem là các nước lớn hay cường quốc. Ngoài ra, Đức và Nhật Bản cũng được nhìn nhận như là những cường quốc bởi sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng quốc tế của họ. Trong đó, Mỹ là siêu cường toàn cầu duy nhất sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc và Nga được xếp ở cấp độ thứ hai sau Mỹ. Hai cường quốc này được xem là hội tụ đầy đủ những tiêu chí và khả năng để có thể vươn lên thành những siêu cường thế giới, đối trọng và sánh ngang với Mỹ. Xét về diện tích, dân số và tiềm lực phát triển thì Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản có thể chỉ được nhìn nhận như những cường quốc khu vực hay châu lục nổi bật. Nhưng trên một số khía cạnh như: kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ và ảnh hưởng quốc tế thì 04 quốc gia này cũng có thể được xem như những nước lớn của thế giới. Bên cạnh đó, một số nước lớn được ví như là những cường quốc khu vực, hay là những cường quốc tầm trung, như: Braxin và Canada ở châu Mỹ, Ấn Độ và Australia ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tính chất của mối quan hệ nước lớn - nước nhỏ hiện nay

Quan hệ quốc tế ngày càng được dân chủ hóa, được điều chỉnh bởi Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhưng chính trị dựa trên sức mạnh vẫn là bản chất cốt lõi của chính trị quốc tế và ngoại giao. Theo đó, các nước lớn luôn có ảnh hưởng chi phối đối với các nước nhỏ, cũng như đóng vai trò chi phối, thậm chí quyết định sự vận động, phát triển của các xu thế quốc tế và cục diện thế giới. Nguồn gốc quy định bản chất của mối quan hệ nước lớn - nước nhỏ bao gồm: 1) tính chất bất đối xứng rõ rệt về sức mạnh tổng thể; 2) tâm lý và hành vi nước lớn - nước nhỏ hình thành từ hai phía, xuất phát từ tính chất bất đối xứng về sức mạnh; 3) trải nghiệm lịch sử khó khăn của mối quan hệ nước lớn - nước nhỏ.

Xuất phát từ sự chênh lệch vượt trội về tầm vóc và sức mạnh, các nước lớn thường mang tâm lý “đại quốc” và do đó thường có hành vi coi thường, lấn lướt và bắt nạt “tiểu quốc”. Ngược lại, các nước nhỏ thường phải kiềm chế, nhẫn nhịn, tôn trọng vị thế nước lớn, có khi, buộc phải “tuân theo” các nước lớn để được yên ổn. Sự bất đối xứng càng lớn cộng với sự gần gũi về mặt địa lý và những va chạm lịch sử sẽ càng làm gia tăng tâm lý và hành vi nước lớn - nước nhỏ. Trong mối quan hệ nước nhỏ với nước lớn, nước lớn thường làm chủ và có ảnh hưởng chi phối. Thông qua những đòn bẩy đa dạng, các nước lớn có thể ràng buộc, tác động tới việc định hình chính sách và hành vi, khiến các nước nhỏ hơn phải quan tâm tới lập trường, ý kiến và lợi ích của họ. Trong mối quan hệ lợi ích, các nước lớn thường bỏ qua hoặc xem nhẹ lợi ích của các nước nhỏ. Khi mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp xảy ra thì các nước lớn thường gây sức ép, buộc nước nhỏ phải thuận theo mình, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước nhỏ. Xuất phát từ xu hướng về thái độ, tâm lý và hành vi nước lớn - nước nhỏ mà hai bên thường nghi ngờ nhau, thiếu lòng tin chiến lược.

Xét đến cùng, chính trị cường quyền (power politics) là quy luật mang tính bản chất của chính trị quốc tế, dù quan hệ giữa các quốc gia ngày nay đã khác xưa. Bối cảnh thế giới đương đại đã tạo ra những tiền đề và điều kiện để các nước nhỏ có thể khắc phục và vượt qua quan niệm “chư hầu - thiên tử” trong quan hệ với các nước lớn để có thể tự khẳng định mình như những chủ thể độc lập, bình đẳng trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Một là, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, sự bình đẳng giữa các quốc gia không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Với sự hình thành Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, các nước nhỏ đã có thêm sức mạnh quốc tế để bảo vệ độc lập chủ quyền trước các nước lớn. Hai là, các nước nhỏ ngày nay có nhiều điều kiện và đòn bẩy hơn để khắc phục và giảm thiểu tính chất bất đối xứng, gia tăng sức mạnh và vị thế của mình trong quan hệ với các nước lớn. Ba là, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia có sự đan xen lợi ích chặt chẽ và phức tạp, tùy thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc. Theo đó, giữa nước nhỏ với các nước lớn cũng như giữa các nước lớn với nhau có sự ràng buộc và gắn kết lợi ích linh hoạt, đa dạng, chồng chéo trong mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh rất phức tạp. Hơn nữa, thế giới toàn cầu hóa cũng tạo ra cơ hội cho các nước nhỏ, thậm chí rất nhỏ có thể nhanh chóng giàu mạnh và cường thịnh, từ đó có vị thế xứng đáng trên thế giới, nhận được sự tôn trọng và vị nể của các nước lớn.

Trong xử lý quan hệ với các nước lớn, các nước nhỏ thường theo đuổi những chính sách như: 1) “phù thịnh” (bandwagoning) là chính sách được nhiều nước nhỏ theo đuổi trong quan hệ với nước lớn. 2) Cân bằng sức mạnh (power balancing) là một lựa chọn khác mà theo đó, nước nhỏ tìm cách đối trọng hay đối đầu với nước lớn thông qua các chính sách nhằm tăng cường sức mạnh bên trong cũng như xây dựng các liên minh quốc tế nhằm đối trọng với mối đe dọa được nhận thức bởi một nước lớn gây ra. Lựa chọn này thường rủi ro dẫn tới xung đột, chiến tranh và khi đó các nước nhỏ thường chịu nhiều thiệt hại. 3) “Phòng bị nước đôi” (Hedging) là theo đuổi đồng thời nhiều chính sách khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa thỏa hiệp, vừa phòng bị, răn đe... để giữ mối quan hệ ổn định với nước lớn, khai thác được những lợi ích và mặt tích cực trong quan hệ với các nước lớn, đề phòng rủi ro chiến lược từ nước lớn. Trong một số trường hợp, các nước có thể kết hợp cả ba chiến lược trên cùng với những yếu tố khác của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa thể chế tân tự do.

Dù lựa chọn nào thì trong quan hệ với nước lớn, “nhẫn nhịn”, “kiềm chế”, giữ được “hòa hiếu” là lựa chọn của hầu hết các nước nhỏ. Nhưng nhẫn nhịn và kiếm chế đến đâu là hợp lý, là giới hạn vừa đủ là vấn đề không dễ xác định trên thực tế, đặc biệt là khi nước lớn và nước nhỏ có mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích quốc gia cơ bản.

Nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu cũng là một nhân vật điển hình của việc ứng xử với các nước lớn. Ông có công lao đưa tiểu quốc này từ một làng chài nhỏ bé, nghèo nàn, không tài nguyên, lại đứng giữa vòng vây thù địch của các nước lớn trong vòng gần ba thập kỷ trở thành một trong các quốc gia cường thịnh của thế giới. Singapore đã và đang nhận được sự nể trọng của tất cả các nước và là một mẫu hình phát triển cho nhiều quốc gia, trong đó có cả các nước lớn.

Như vậy, mối quan hệ của nước nhỏ với nước lớn là thực tế khách quan và luôn tồn tại trong chính trị quốc tế. Các nước nhỏ bằng sự đoàn kết, tầm nhìn, sự thông minh, ý chí và lòng quả cảm, có thể vượt lên, tạo ra và thay đổi được số phận của chính mình.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn

Do vị trí địa chính trị của mình mà Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn. Những bài học lịch sử của tổ tiên trong ứng xử với phương Bắc cùng với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá cho ngoại giao Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế ngày nay là mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi. Do đó, trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta phải đặt mình trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, không để mình bị cuốn vào vòng xoáy của trò chơi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, không thách thức nước lớn, không đi theo cường quốc này chống lại cường quốc khác, không theo phe cánh để đối trọng nhau mà biết khai thác mặt tích cực trong quan hệ với tất cả các nước lớn, giữ cân bằng ảnh hưởng và lợi ích của các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, xây dựng được các mối quan hệ song phương, đa phương đa dạng, mạnh mẽ, gắn kết, tin cậy và cùng có lợi với các quốc gia khác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các nước lớn cùng chia sẻ lợi ích, phải biết dựa vào các cơ chế đa phương khu vực, quốc tế, phải giữ vững tính chính nghĩa và dựa vào luật pháp quốc tế và những nguyên tắc phổ quát của mối quan hệ giữa các quốc gia được quốc tế thừa nhận để đối phó với nguy cơ từ nước lớn. Trong mối quan hệ giữa nước nhỏ với nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy của nghệ thuật ứng xử. Người đã khôn khéo xây dựng và giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước lớn, thậm chí ngay khi các nước lớn đó mâu thuẫn xung đột gay gắt với nhau. Từ đó, Người đã tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thậm chí, Người nhận được sự tôn trọng của cả những nước lớn đang là kẻ thù của dân tộc. Tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người vẫn luôn là kim chỉ Nam cho mọi quyết sách mà Đảng, Nhà nước ta kiên định và vận dụng linh hoạt vào quá trình hội nhập quốc tế.

Thực tế cho thấy, các nước nhỏ cần kết hợp linh hoạt, uyển chuyển và khôn khéo giữa chủ nghĩa hiện thực chính trị, những nguyên tắc của chủ nghĩa lý tưởng mang bản sắc chủ nghĩa quốc gia và những nhân tố của chủ nghĩa tự do trong thời đại toàn cầu hóa. Trong đó, “đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả” phải là nguyên tắc xuất phát điểm, là cơ sở, là mục tiêu cho việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, và cũng là thước đo để đánh giá chính sách đối ngoại. Vượt qua rào cản ý thức hệ đã từng bó buộc ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tiếp cận nguyên tắc “đối tác - đối tượng” và nguyên tắc “lợi ích quốc gia” trong xử lý các mối quan hệ quốc tế là những bước đột phá trong tư duy ngoại giao Việt Nam. Trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trước các nước lớn, cần giữ vững nguyên tắc và lập trường. Trong đó, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia cốt lõi, căn bản nhất phải kiên quyết đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ. Bên cạnh đó, phát triển phải là động lực quan trọng hàng đầu để được chú ý trong mọi chính sách quốc gia. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm an ninh, thịnh vượng, bền vững, cũng như có được sự nể trọng của quốc tế. Việc bảo vệ cái bất biến của lợi ích quốc gia phải được thực hiện thông qua việc kiên định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, nhưng biết ứng biến linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Muốn vậy, phải nhận biết được lợi ích trực tiếp, trước mắt với lợi ích gián tiếp, mang tính chiến lược, lâu dài. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật ngoại giao, sự nhạy cảm chiến lược trước những thay đổi của bối cảnh khu vực và thế giới, của xu thế thời đại và trật tự quốc tế, của tương quan sức mạnh giữa các lực lượng khu vực và toàn cầu, của xu thế chiến lược hợp tác - cạnh tranh giữa các nước lớn với nhau, cũng như của tiềm lực, sức mạnh tổng hợp và vị thế quốc tế của quốc gia. Từ đó, nhận thức đúng đắn các thách thức và nắm bắt chính xác thời cơ để điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp với thực tế.

Muốn quan hệ bình đẳng, có sự tôn trọng và vị nể của nước lớn thì phải giữ được độc lập tự chủ, tự cường, có sức mạnh nội lực. Tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước là một trong những nhân tố then chốt tạo nên vị thế “lớn” hay “nhỏ” của một quốc gia và đó là bệ đỡ quan trọng nhất cho ngoại giao, về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.

Thế giới đã cho thấy có những nước và vùng lãnh thổ với diện tích nhỏ, dân số rất ít, tiềm năng phát triển rất hạn chế nhưng họ không hề nhỏ bé với sức mạnh cứng, mềm và ảnh hưởng quốc tế vượt trên tầm vóc của chính mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, Việt Nam cần phải gia tăng sự đoàn kết và ổn định nội bộ, chủ động hội nhập quốc tế, tập trung cởi bỏ các nút thắt phát triển, khai thác hiệu quả các thế mạnh và nguồn lực trong nước, tranh thủ vị trí địa chính trị quan trọng và lợi thế so sánh của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế để phát triển đất nước, nhanh chóng đưa đất nước đi tới cường thịnh./.

P.TTCTTG
(nguồn BTGTW)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40563529