Truy cập hiện tại

Đang có 39 khách và không thành viên đang online

Một số tư liệu về Quốc hội 70 năm qua

(TGAG)- Trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước. Căn cứ vào từng thời kỳ tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, Quốc hội nước ta đến nay gồm các khóa như sau:

1. Khóa I (1946 - 1960)

Bầu cử ngày 6/1/1946. Tổng số đại biểu 403.

Quốc hội khóa I ra đời sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I là mốc son đánh giá bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta; thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của nhân dân đồng thời phản ánh niềm tin tưởng sâu sắc của Đảng đối với quần chúng cách mạng.

Đối với nhân dân Nam Bộ, bầu cử Quốc hội là dịp thể hiện ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm chống xâm lược.

Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua các kế hoạch khôi phục , cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

2. Khóa II (1960 - 1964)

Bầu cử ngày 8/5/1960. Tổng số đại biểu: 453, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm.

Quốc hội khóa II phát huy vai trò của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với việc kiện toàn bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân, đối với việc đoàn kết toàn dân và nâng cao ý thức làm chủ đất nước của nhân dân ta.

Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

3. Khóa III (1964 - 1971)

Bầu cử ngày 26/4/1964. Tổng số đại biểu: 453, trong đó có 87 đại biểu miền Nam lưu nhiệm.

Quốc hội khóa III tạo điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời những yêu cầu của chiến tranh; đã tỏ rõ sự nhất trí, sự tín nhiệm của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt  Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Khóa IV (1971 - 1975)

Bầu cử ngày 11/4/1971. Tổng số đại biểu: 420.

Quốc hội khóa IV góp phần trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà.

5. Khóa V (1975 - 1976)

Bầu cử ngày 6/4/1975. Tổng số đại biểu 424.

Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.      

6. Khóa VI (1976 - 1981)

Bầu cử ngày 25/4/1976. Tổng số đại biểu 492.

Quốc hội khóa VI ra đời sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Quốc hội khóa VI thể hiện thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam, là kết quả của quá trình đấu tranh 45 năm dai dẳng của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất dân tộc, vì dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

7. Khóa VII (1981 - 1987)

Bầu cử ngày 26/4/1981. Tổng số đại biểu 496.

Quốc hội khóa VII đã minh chứng rằng: đồng bào, chiến sĩ và cán bộ cả nước ta mặc dù đang gặp nhiều khó khăn về đời sống nhưng đã thực hiện quyền làm chủ tập thể qua lá phiếu của mình, theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; luôn tuân thủ nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.

8. Khóa VIII (1987 - 1992)

Bầu cử ngày 19/4/1987. Tổng số đại biểu: 496.

Quốc hội khóa VIII quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, góp phần tăng cường và củng cố Nhà nước chuyên chính vô sản.

9. Khóa IX (1992 - 1997)

Bầu cử ngày 19/7/1992. Tổng số đại biểu 395.

Quốc hội khóa IX đã thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân, tiêu biểu cho trí tuệ của nhân dân cả nước; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất, xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

10. Khóa X (1992 - 2002)

Bầu cử ngày 20/7/1997. Tổng số đại biểu 450.

Quốc hội khóa X thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam trong sạch và vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào thế kỷ XXI

11. Khóa XI (2002 - 2007)

Bầu cử ngày 19/5/2002. Tổng số đại biểu 498.

Quốc hội khóa XI đã thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí, sinh hoạt dân chủ trong xã hội có bước tiến bộ rõ rệt; Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

12. Khóa XII (2007- 2011)

Bầu cử ngày 20/5/2007. Tổng số đại biểu 493.

Quốc hội khóa XII quyết các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

13. Khóa XIII (2011 – 2016)

Bầu cử ngày 22/5/ 2011. Tổng số đại biểu Quốc hội: 500.

Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn.

Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong thời kỳ này là Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo thêm khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành xã hội toàn bộ đời sống trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh hóa trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

70 năm qua, với 13 khóa Quốc hội đã thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc cùng hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình và phát triển./.

Phòng Lịch sử Đảng
(tổng hợp tư liệu)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40821105