Truy cập hiện tại

Đang có 167 khách và không thành viên đang online

Tình hình Trung Quốc thời gian gần đây

(TUAG)- Sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn đứng đầu thế giới, kể cả trong 02 năm đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, Trung Quốc luôn giữ vững vị trí là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới kể từ năm 2010, là động lực chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu với dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ngoại thương lớn nhất thế giới, đầu tư quốc tế đứng đầu… Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người năm 2021 lần đầu tiên vượt ngưỡng thu nhập trung bình của thế giới, đưa Trung Quốc bắt đầu bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao (12.695 USD).

Sau Đại hội 18 vào năm 2012, Trung Quốc có những thay đổi lớn mang tính chiến lược:

Về chính trị nội bộ, Trung Quốc xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, xác định lộ trình phục hưng dân tộc, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới vào giữa thế kỷ 21.

Hệ thống tư tưởng Tập Cận Bình với mục tiêu bao trùm là thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” - “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại ”, đưa Trung Quốc từ “đứng lên” trong thời đại Mao Trạch Đông sang “giàu lên” trong thời đại Đặng Tiểu Bình đến “mạnh lên” trong thời đại Tập Cận Bình, gồm 03 mục tiêu gắn liền với 03 mốc thời gian cụ thể. Đó là: (1) xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021 (mục tiêu này, năm 2021 Trung Quốc đã tuyên bố hoàn thành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc), (2) cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và (3) xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2049, tức 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.

Về xây dựng chế độ chính trị: Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng bố cục tổng thể “Năm trong một” là: kinh tế thị trường XHCN, chính trị dân chủ XHCN, văn hóa tiên tiến XHCN, xã hội hài hòa XHCN, văn minh sinh thái XHCN trong 01 chỉnh thể là: Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Xây dựng bố cục chiến lược “Bốn toàn diện” gồm: (1) đi sâu cải cách toàn diện, (2) xây dựng xã hội khá giả toàn diện, (3) quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, (4) quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện.

Trung Quốc tăng cường củng cố lý luận về thể chế giám sát của Đảng và Nhà nước; xác lập và bảo vệ “sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, địa vị hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình” (Trung Quốc gọi tắt là hai xác lập).  


Về kinh tế, Trung Quốc đã và đang chuyển từ mô hình kinh tế phát triển tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao, tăng cường sức mạnh tổng hợp toàn diện, nhất là về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ. Sức mạnh kinh tế ngày càng mạnh hơn với một thị trường lớn, sức tiêu thụ đứng đầu thế giới hơn 1,4 tỷ dân:

+ GDP năm 2021 của Trung Quốc đạt 17.700 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2012 (là 8.500 tỷ), rút ngắn chênh lệch với Mỹ từ 7.600 tỷ USD năm 2012 xuống còn 4.000 tỷ USD năm 2021, tương đương 77% GDP của Mỹ (22.940 tỷ USD); gấp hơn 03 lần GDP Nhật Bản, vượt tổng GDP của 27 nước Châu Âu cộng lại; chiếm 17% tỷ trọng GDP toàn cầu (trong khi Mỹ chiếm 24%), mức độ đóng góp cho sự tăng trưởng GDP thế giới vượt Mỹ (năm 2020 Trung Quốc là 32,4%, Mỹ là 20,3%). Riêng tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có GDP vượt Nga, Hàn Quốc; GDP tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vượt Úc, Tây Ban Nha.

+ Trung Quốc là nước có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới với 220 ngành nghề có sản lượng đứng đầu thế giới ; 11 năm liền dẫn đầu thế giới về giá trị gia tăng ngành chế tạo, chiếm gần 30% tỷ trọng toàn cầu; hơn 40% sản phẩm chế tạo của Trung Quốc có sản lượng lớn nhất thế giới.

+ Trung Quốc là nền kinh tế số lớn thứ 2 (quy mô 5800 tỷ USD) và có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới (9,6% trước Covid-19, nay có thể chỉ 3.3% năm 2022 nhưng cũng rất ấn tượng rồi).

+ Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, đã xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng hiện đại lớn nhất thế giới: dẫn đầu thế giới về đường bộ, đường sắt cao tốc, hiện có 37.900 km đường sắt cao tốc, chiếm 70% thế giới và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.

+ Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, Trung Quốc là nước hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư FDI (Năm 2021, xuất nhập khẩu và thu hút FDI của Trung Quốc đạt mức kỷ lục, lần lượt là 6.000 tỷ USD và 173,4 tỷ USD), dữ trữ ngoại tệ liên tiếp trong 13 năm đứng đầu thế giới (cuối năm 2021 đạt 3.250 tỷ USD); đầu tư trực tiếp ra nước ngoài luôn tăng trưởng mạnh, tổng đạt 50,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2021, nộp 6,6 tỷ USD thuế phí và tạo ra 390.000 việc làm cho các nước sở tại.

Về quốc phòng, Trung Quốc đã triển khai cải cách quân đội với quy mô lớn nhất từ trước đến nay theo hướng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Quân ủy Trung ương, đẩy nhanh hiện đại hóa, xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại với các trọng tâm: tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, ưu tiên phát triển lực lượng hải quân, không quân, tên lửa chiến lược, tác chiến điện tử và không gian mạng; từng bước chuyển hướng chiến lược sang “tấn công”, chuyển từ chú trọng phòng thủ biển gần sang mở rộng tác chiến tại các vùng biển xa và tạo cơ sở pháp lý bảo vệ lợi ích bên ngoài lãnh thổ.

Trung Quốc hiện đã là cường quốc quân sự số 1 Châu Á, ngân sách quốc phòng đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ (năm 2022 là 229 tỷ USD), số lượng quân lớn nhất thế giới (2,69 triệu quân); hiện được trang bị 355 tàu chiến, 2.500 máy bay, 1.250 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm bắn từ 500-5500 km, khoảng 320 đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc cũng đang triển khai chiến dịch đóng tàu với quy mô lớn chưa từng thấy trong đó đang đóng sân bay thứ 3; lượng tàu ngầm vượt Mỹ (74 tàu so với 66 tàu của Mỹ), tự chủ về công nghiệp sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội như làm chủ công nghệ bắn hạ vệ tinh, phóng vũ khí siêu thanh.

Về an ninh, mở rộng và tăng cường đảm bảo an ninh toàn diện, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh lãnh thổ, an ninh chế độ, ngăn chặn và trấn áp các hoạt động phá hoại, lật đổ...

Về đối ngoại, đi đôi với thế và lực gia tăng do được tích lũy trong suốt 40 năm qua, Trung Quốc từ bỏ đường lối đối ngoại “giấu mình chờ thời” để chuyển sang “tích cực hành động”, chủ động và tự tin hơn trong triển khai ngoại giao nước lớn; đẩy mạnh quảng bá “mô hình Trung Quốc”, “phương án Trung Quốc”; đề xuất nhiều sáng kiến ở phạm vi toàn cầu như Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI), từng bước chủ động dẫn dắt, kiến tạo, định hình luật chơi mới mà Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.

Về kiểm soát dịch bệnh: 06 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại 30/31 địa phương buộc Trung Quốc phải tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid linh hoạt”, phong tỏa, hạn chế đi lại trên quy mô lớn. Về cơ bản, đến nay, sau một số tháng quyết liệt áp dụng chính sách trên, Trung Quốc đã chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh và đưa cuộc sống tại các vùng tâm dịch dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc cũng gây ra không ít hệ lụy như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp bị đóng cửa, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải tạm dừng hoạt động.


Tình hình chuẩn bị Đại hội 20

Đến nay, công tác chuẩn bị cho Đại hội 20 của Trung Quốc cơ bản đang theo kế hoạch. Đến cuối tháng 6/2022, đã hoàn tất công tác tổ chức Đại hội ở 31/31 tỉnh, thành, khu tự trị; đẩy mạnh điều động, sắp xếp nhân sự tại các bộ ngành Trung ương ; thành lập Tiểu ban biên soạn văn kiện Đại hội do Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình làm Trưởng Tiểu ban, đồng thời hoàn tất các quy trình như dự thảo văn kiện, trưng cầu ý kiến quần chúng và đảng viên, thị sát địa phương để lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định Đại hội 20 sẽ khai mạc ngày 16/10/2022 tại Bắc Kinh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác chuẩn bị Đại hội của Trung Quốc tập trung vào các mặt như:

- Đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ với việc từ đầu năm 2022 đến nay đã điều tra 143 nghìn vụ vi phạm kỷ luật, xử lý 116 nghìn cán bộ trong đó có 24 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 63 cán bộ thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, 216 cán bộ cấp tỉnh.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, kiểm soát dư luận xã hội, siết chặt quản lý trật tự an ninh xã hội.
Trung Quốc hết sức coi trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị và tuyên truyền, trong đó Đảng lãnh đạo tuyệt đối, thống nhất và toàn diện công tác tư tưởng và tuyên truyền. Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ quan quản lý cao nhất về công tác tư tưởng, tuyên truyền của Trung Quốc, bên cạnh việc quản lý, tuyên truyền về ý thức hệ, cơ quan này gần đây được điều chỉnh, tăng cường chức năng quản lý toàn diện về công tác xuất bản, báo chí, chuyển chức năng quản lý xuất bản báo chí từ Tổng cục Phát thanh truyền hình và Xuất bản báo chí sang cho Ban Tuyên truyền Trung ương (sau khi Tổng cục Phát thanh truyền hình và Xuất bản báo chí chuyển thành Tổng cục Phát thanh Truyền hình). Trung Quốc đã thành lập Trung tâm Thực tiễn văn minh thời đại mới thuộc Ban Tuyên truyền Trung ương để thúc đẩy công tác giáo dục tư tưởng chính trị, trọng tâm là tuyên tuyền, giáo dục Tư tưởng Tập Cận Bình cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường quản lý dư luận xã hội, áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kiểm duyệt mạng xã hội và thông tin xấu, sai lệch như: thực hiện chế độ “báo tên thực” khi đăng ký tài khoản các mạng xã hội (từ tháng 10/2017 trước đại hội 19); sử dụng công nghệ cao như bigdata, mạng 4G, 5G để tăng cường công tác tuyên truyền chính thống, đồng thời thực hiện kiểm duyệt thông tin;  chặn các nền tảng xã hội lớn của nước ngoài như Facebook, viber, google, chỉ cho phép sử dụng các nền tảng của Trung Quốc như Wechat, QQ, Baidu nhằm theo dõi, kiểm duyệt thông tin (ví dụ: khi sử dụng công cụ tìm kiếm baidu để tìm kiếm “từ khóa” về một vấn đề nhạy cảm nào đó của Trung Quốc thì sẽ không cho kết quả tìm kiếm, ví dụ thời điểm hiện tại đánh từ khóa “Tập Cận Bình liên nhiệm” (Xijinping lianren) sẽ không có kết quả).

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc không đến mức “quá nghiêm ngặt” như báo chí phương Tây đưa tin. Các nền tảng xã hội của Trung Quốc như wechat, qq…, chỉ cấm người dùng đưa thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Đảng, chống phá chế độ, gây kích động, bạo lực, không đúng với chủ trương, quan điểm chính thống của Trung Quốc.    

Trước Đại hội 20, Trung Quốc thắt chặt quản lý xã hội, không gian mạng và truyền thông báo chí, tập trung xử lý tin đồn thất thiệt về Đại hội 20 (Riêng từ nửa cuối năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã xóa hơn 22 triệu thông tin, xử lý 1,34 tỷ tài khoản và đóng hơn 3.200 trang web vi phạm); tăng cường quản lý, giám sát đối với cán bộ đảng viên; ban hành “Ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên hưu trí trong thời kỳ mới”, yêu cầu cán bộ hưu trí không tự ý bàn bạc, bình luận tiêu cực về các chủ trương, chính sách của Đảng; ban hành quy định quản lý vợ/chồng, con cái và con dâu/con rể của cán bộ lãnh đạo thực hiện kinh doanh và điều hành doanh nghiệp.

- Điều chỉnh một số chính sách, cách thức triển khai chưa hợp lý trong công tác kiểm soát dịch bệnh, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội thời gian qua; triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ dân sinh để ổn định tình hình xã hội.

- Về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đường lối phát triển theo hướng phát triển chất lượng cao, tăng cường tính độc lập, tự chủ, tự cường trong cung ứng, sản xuất, tiêu dùng; coi trọng thị trường trong nước với chính sách “tuần hoàn kép”, “phát triển lấy con người làm trung tâm”; đẩy mạnh chủ trương “cùng giàu có”./.

H.B (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40002397