Truy cập hiện tại

Đang có 175 khách và không thành viên đang online

Một số đánh giá của dư luận quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022

(TUAG)- Trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình khu vực, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng từ các yếu tố xung đột chính trị quân sự giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, lạm phát gia tăng dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm lại tại nhiều quốc gia... Trong khi đó, ở trong nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng nặng nề hơn, nhất là việc khắc phục hậu quả sau 02 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.


Tại cuộc họp thường niên tháng 8/2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được các kết quả cơ bản, khá toàn diện như: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được đảm bảo; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; đối ngoại được tăng cường. Đảng và Nhà nước ta vẫn duy trì quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022 là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD - tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Chỉ số IIP 8 tháng năm 2022 tăng 9,4%; mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức tăng này, một số chuyên gia nhận định, nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trọn vẹn theo kế hoạch đặt ra, tiến trình phục hồi nền kinh tế của Việt Nam sẽ rất tích cực, hiệu quả và bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối diện với nhiều khó khăn, Việt Nam thực sự đang trở thành một điểm sáng trong phục hồi và được các chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín đánh giá hết sức tích cực, lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong cả trung và dài hạn. Tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 06/9/2022 đánh giá, triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng tăng trưởng chậm lại ở châu Á, với lạm phát tương đối thấp - điểm khác biệt với quy luật chung trong khu vực. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn một điểm phần trăm so với 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 08/8/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022; lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm 2022. Bên cạnh đó, báo cáo Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của tổ chức Fitch Solutions cho quý III năm 2022 đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực Đông và Đông Nam Á. Việt Nam đứng thứ 5/35 quốc gia châu Á, đứng thứ 20/201 thị trường được đánh giá về độ mở của nền kinh tế, đạt 74,6/100 điểm, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5. Việt Nam đạt 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu; mức độ cởi mở đầu tư đạt số điểm trung bình là 60, đứng thứ 8 trong châu Á và thứ 62 trên toàn cầu. Trang Business Times (Singapore) dẫn đánh giá của hãng phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu Moody’s Analytics cho rằng nền kinh tế của Việt Nam là một điểm sáng giữa những biến động trong khu vực.

Nhiều chuyên gia quốc tế uy tín cho rằng, Việt Nam ngày nay là động lực kinh tế và có thể giúp những quốc gia tương đồng có được những “bài học hữu ích”. Đồng thời, chính giới nhiều nước cho biết doanh nghiệp nước ngoài coi Việt Nam là quốc gia hấp dẫn để tăng cường đầu tư với đội ngũ lao động chất lượng, sức cầu cao, có tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh và đầu tư trong dài hạn.
Những đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam những tháng cuối năm 2022 là sự khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả trong các chủ trương, điều hành kinh tế của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cho thấy những tín hiệu tích cực đối với việc thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Để lan tỏa điều này, trong thời gian tới, công tác thông tin, tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:



Thứ nhất, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách, các biện pháp của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội phê duyệt.

Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế chung của đất nước và của từng địa phương, đặc biệt là thông qua các đánh giá, nhận xét khách quan từ các tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín. Từ đó, huy động, thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài, phục vụ hiệu quả các mục tiêu trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

H.T
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39916700