Truy cập hiện tại

Đang có 137 khách và không thành viên đang online

TPP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

12 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement - TPP) đã kết thúc đàm phán. Khi hoàn tất quá trình xem xét nội dung và được Quốc hội các nước thành viên thông qua, TPP sẽ chính thức trở thành khu vực kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu, với hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 giá trị thương mại thế giới.

TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là P4) ký năm 2005, giữa bốn nước Singapore, Chile, New Zealand và Brunei. Từ tháng 9-2008, lần lượt các nước Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản tham gia đàm phán thành lập TPP.

Hiệp định này được các thành viên kỳ vọng sẽ thiết lập một trật tự thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ thương mại, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cải cách thể chế ở các nước. TPP có được thuận lợi cơ bản do các thành viên tham gia đàm phán đều là các nước đã và đang cam kết mạnh mẽ với thương mại tự do.

Tổng số các hiệp định thương mại tự do FTA mà nhóm nước này đã ký kết lên tới khoảng 80 và trải đều ở các cấp độ, từ FTA thế hệ thứ nhất tới FTA thế hệ ba.

Hơn nữa, hầu hết các nước trong nhóm đàm phán đều đang là thành viên của một FTA có vai trò khá lớn đối với hợp tác phát triển nội khu vực nói riêng và hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Các nước thành viên tham gia thành lập TPP đã tổ chức 25 vòng đàm phán xoay quanh các nội dung có mức độ tự do hóa thương mại và mở cửa đầu tư rất rộng và rất sâu.

Với những cam kết đã được tiết lộ, TPP được đánh giá là một hiệp định mẫu mực cho thế kỷ 21, bởi so với các thỏa thuận thương mại khác ở khu vực cũng như toàn cầu, nó vượt trội ở cả tầm vóc và sức ảnh hưởng.

Về phạm vi, các yêu cầu đàm phán trong TPP mở rộng hơn nhiều so với khung khổ các cam kết trong WTO. Nội dung hiệp định bao gồm tự do hóa hầu hết các lĩnh vực liên quan đến thương mại hàng hóa của khoảng 20.000 dòng hàng (chiếm 90% tổng số các dòng hàng hóa của các nước thành viên), tự do hóa thương mại dịch vụ ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực được nhiều nước coi là "nhạy cảm" như tài chính - ngân hàng... tăng cường các biện pháp tiếp cận thị trường ở cả những ngành trước đây từng được một số nước xem là thuộc phạm trù "an ninh quốc gia".

Những quy định sở hữu trí tuệ cũng được đề cập trong các vòng đàm phán TPP với các yêu cầu cao hơn, chế tài mạnh hơn. Bảo hộ sản phẩm trí tuệ là yêu cầu của mọi quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức, không bảo vệ được sản phẩm trí tuệ sẽ khiến giới doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư mới. Yêu cầu bảo hộ trí tuệ đối với dược phẩm, thuốc thực vật... mặc dù vấp phải sự quan ngại của nhiều nước do tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho rất nhiều ngành như sản xuất nông nghiệp, y tế,... đã được đưa vào nội dung TPP.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung phi thương mại, liên quan các vấn đề có thể sẽ tạo ra những đòi hỏi về một cuộc cải cách sâu rộng ở nhiều nước thành viên, cũng được đưa vào nội dung Hiệp định như minh bạch hóa mua sắm Chính phủ, tiêu chuẩn lao động, vai trò của công đoàn và tự do lập hội, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ở nội dung này, cho đến nay, TPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có riêng một phần nội dung về các doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Xét về năng lực cạnh tranh, quy mô nền kinh tế và những bất cập của hệ thống thể chế hiện tại, khá nhiều sự ngạc nhiên dành cho Việt Nam khi bày tỏ nỗ lực tham gia TPP khá mạnh mẽ. So với các thành viên khác, Việt Nam có nền kinh tế kém sức cạnh tranh nhất, hệ thống pháp luật lỏng lẻo, nhiều kẽ hở nhất. Hơn nữa, cho dù đã đã có những kinh nghiệm nhất định khi tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế 20 năm qua, Việt Nam còn thiếu các trải nghiệm ở môi trường hội nhập có mức độ cạnh tranh và yêu cầu cao khi mới chỉ làm quen với các FTA thế hệ 1, nơi mà các cam kết mở cửa và áp lực cải cách dễ được chấp nhận trong một nền kinh tế đang chuyển đổi có nhiều nét đặc thù.

Trong khi đó, những quy tắc TPP đề ra qua các vòng đàm phán được đánh giá vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất nhiều. Đâu là động cơ của Việt Nam khi gia nhập TPP?

Trong số các thành viên tham gia đàm phán TPP, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do FTA với bảy nước bao gồm các thành viên của tổ chức đa phương ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunei và các hiệp định song phương với Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile. Tuy nhiên, các FTA trên có phạm vi tác động và hàm ý cải cách khá hạn chế do quy mô hiệp định và mức độ cam kết khá nghèo nàn so với các FTA khác trên thế giới. FTA có Mỹ tham gia luôn chứa đựng những yếu tố khiến các nền kinh tế chuyển đổi tập trung mối quan tâm. Bên cạnh sự thu hút của một thị trường khổng lồ với nền tảng công nghệ cao, không chỉ tạo ra lợi ích thương mại và kinh tế lớn hơn mà còn có thể tạo ra những chuyển biến về kỹ thuật cho các nước đối tác, các yêu cầu mở cửa thị trường hoặc các vấn đề kỹ thuật đàm phán từ phía Mỹ thường rất cao và thường gây ra áp lực cải cách toàn diện. Những cải cách nội địa không dễ được đẩy mạnh nếu thiếu đi sự hấp dẫn lợi ích cũng như sức ép từ những FTA như vậy.

Cũng cần nhận thấy, sau khi gia nhập WTO, tốc độ cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vẫn khá chậm chạp. Nền kinh tế cơ bản vẫn chưa hình thành các cơ sở của sự tăng trưởng bền vững khi các doanh nghiệp nhà nước, vốn vẫn được xem là xương sống của nền kinh tế, vẫn thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ hơn khiến cho hiệu suất tăng trưởng không hiệu quả. Trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn chưa mạnh mẽ nhiều hơn do nội lực yếu kém và bị phân biệt đối xử so với khu vực nhà nước. Kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đề ra với nhiều tham vọng song không kế hoạch nào được thực hiện đúng lộ trình trong nhiều năm qua có lý do chính là thiếu sức ép cải cách. Với TPP, Việt Nam có thể hy vọng tiến thêm một bước mới trên con đường cải cách, thiết lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, tạo dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh thực chất.

Nhiều năm qua Việt Nam đã khởi xướng chính sách Đổi mới, mở cửa. Thành tựu ban đầu là rất đáng khích lệ và tự nó lại đặt ra những đòi hỏi mới đối với yêu cầu cải cách. Kinh tế tăng trưởng nhanh trong hai thập niên qua đã đưa nền kinh tế Việt Nam lên một vị thế mới, từ nền kinh tế chậm phát triển trở thành nền kinh tế tiệm cận mức thu nhập trung bình. Quá trình cải cách kinh tế đã giúp hình thành một hệ thống kinh tế có nhiều thành phần tham gia. Sự phát triển vượt trội của khu vực kinh tế tư nhân khiến khả năng chi phối của khu vực quốc doanh trong tổng thể nền kinh tế ngày càng giảm, hơn nữa khu vực FDI cũng ngày càng cho thấy họ không muốn bị bó buộc trong phạm vị chật hẹp của các cam kết tiếp cận thị trường hiện tại. Những lực lượng này đang ngày càng đóng một vai trò lớn hơn đối với các hoạt động kinh tế cũng như các mục tiêu xã hội như tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Do đó, những đòi hỏi về một môi trường có sự cạnh tranh công bằng hơn ngày càng tăng lên từ phía họ là hoàn toàn cấp thiết và chính đáng.

Lý do thứ hai của việc tham gia TPP là thúc đẩy tăng trường kinh tế. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công và thương mại quốc tế. Những năm dồn sức chống lạm phát vừa qua khiến cho việc sử dụng bừa bãi ngân sách làm yếu tố chính kích cầu tăng trưởng trước đây cho thấy là một sự lựa chọn tồi. Trong khi sức mua của nền kinh tế còn yếu và năng lực giới doanh nghiệp nội địa còn mỏng, việc tham gia một hiệp định FTA cỡ lớn là lối thoát cho việc tìm kiếm thị trường và mở rộng sản xuất ở những ngành kinh tế hướng xuất khẩu cũng như giải quyết việc làm vốn đang khan hiếm ở một nền kinh tế có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa khá nhanh. Bằng chứng hội nhập cho thấy, thương mại quốc tế đóng góp rất lớn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đến nay. Trong trung hạn, vẫn chưa thấy rõ khả năng xây dựng được mô hình tăng trưởng dựa vào sức cầu nội địa. Để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" nền kinh tế cần tăng tốc nhanh và thị trường rộng lớn 790 triệu dân có mức thu nhập bình quân đầu người cao của TPP là cơ hội cho những tham vọng này.

Với quy mô của các nền kinh tế thành viên và những điều khoản tự do hóa thương mại của Hiệp định, việc gia nhập TPP rõ ràng là tạo thuận lợi khá lớn cho việc nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam ít nhất là trong khu vực Đông - Nam Á ở cả khía cạnh tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như cầu nối FDI. Dưới góc nhìn kinh tế, Việt Nam có thể là nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ hiệp định TPP.

Thứ nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép, các sản phẩm và thiết bị điện tử,... là hiện thực khi Việt Nam có thể kết hợp sự cắt giảm thuế quan cùng những kinh nghiệm đã có ở các thị trường này.

Thứ hai, cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất sáng, nhất là của các tập đoàn lớn cũng rất rõ ràng. Việc tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada,... kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành lực hút đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, ngay trong nội bộ TPP, Việt Nam cũng có thể thu hút dòng vốn đáng kể từ các nước thành viên nhờ tư cách thành viên các tổ chức kinh tế khu vực khác như AFTA, ACFTA.

Thứ ba, cơ hội tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là rất triển vọng. Các ngành sản xuất xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, thủy sản,... được mở rộng sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng thu nhập từ sản xuất trong nước, từ đó hỗ trợ sự gia tăng của tổng cầu.

Thứ tư, cơ hội hình thành một cơ cấu kinh tế toàn diện hơn. TPP có khả năng kích thích các nhà đầu tư nội địa cũng như trong khu vực đầu tư sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ tạo nguồn nguyên vật liệu tại chỗ nhờ quy định nguồn gốc xuất xứ được đặt ra rất cao.

Thứ năm, Việt Nam có cơ hội hoàn hiện các thể chế điều hành cơ chế kinh tế thị trường. TPP đặt ra một cơ sở pháp lý rõ ràng để không chấp nhận những ưu đãi với bất kỳ doanh nghiệp nào. Với những yêu cầu minh bạch chính sách rất cao và đi trước thực tiễn so với nhiều hiệp định khác, TPP có thể trở thành một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế và thị trường một cách sâu rộng và toàn diện.

Tuy nhiên, trong số các quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thách thức từ cơ cấu các ngành sản xuất chưa phù hợp với các quy định của TPP. Sự chuẩn bị của nền kinh tế rõ ràng là chưa tốt khi ngành công nghiệp phụ trợ còn rất yếu kém. Với các yêu cầu về xuất xứ được thông qua, các ngành đang là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện tử,... sẽ không dễ dàng khai thác được các ưu đãi từ TPP bởi các yếu tố đầu vào của chúng đều không mang nhiều yếu tố nội địa.

Thách thức từ sự trì trệ của hệ thống doanh nghiệp. Khả năng thích ứng với kinh tế thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn bộc lộ sự yếu kém, khả năng chủ động khai thác cơ hội là rất yếu. Không có một chiến lược đầu tư cho sản xuất công nghiệp phụ trợ được triển khai hiệu quả và việc "an phận gia công" làm lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị thua thiệt, đồng thời làm tăng gánh nặng lên điều hành kinh tế vĩ mô.

Thách thức khi hạn chế vai trò doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc dân nằm trong nội dung của TPP. Tuy nhiên, sức ép bên ngoài chỉ trở thành đồng thuận nếu nó tiệm cận với lợi ích mà cộng đồng bên trong đang theo đuổi. Nếu lựa chọn TPP đối với Việt Nam chỉ bao hàm phạm trù thương mại - kinh tế đơn thuần nó sẽ không gây ra những phản ứng chống đối cải cách trong hệ thống DNNN.

Thách thức từ sự cạnh tranh gia tăng của các hàng hóa đến từ thành viên TPP. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được bảo vệ khá chặt chẽ bởi mức thuế cao. Xu hướng và yêu cầu cắt giảm thuế quan bằng không sẽ được thực hiện đối với các thành viên trong TPP vào thời gian tới. Phân tích cơ cấu xuất khẩu của các nước TPP, có thể thấy những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là công nghiệp ô-tô, các ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi vốn chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún sẽ không có khả năng cạnh tranh trước các đối thủ có kinh nghiệm và truyền thống sản xuất lớn.

Thách thức từ những yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP tỏ ra khắc nghiệt hơn nhiều. Nguy cơ "hầu tòa" liên tục do vi phạm luật sở hữu trí tuệ là hiện hữu đối với các quốc gia trước nay vốn chưa có sự chuẩn bị kĩ cho luật sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, các đòi hỏi tăng cường mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại có thể đưa giá thuốc leo thang, tạo ra gánh nặng y tế đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Không chỉ có vậy, các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến sinh học còn tác động đến nông nghiệp, nơi sinh sống của trên 60% dân số Việt Nam. Giá các loại nông hóa phẩm như thuốc thú y, phân bón... theo đó sẽ tăng lên đáng kể, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung.

Xét về cả nhu cầu cải cách kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới là không thể chậm hơn. Vấn đề là Việt Nam cần làm gì để lộ trình hội nhập sắp tới sẽ thuận lợi hơn.

Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính và "mạnh tay" xử lý tham nhũng là việc quan trọng nhất hiện tại. Kinh nghiệm cho thấy, WTO là kinh tế thị trường tự do vì thế nó chỉ có thể vận hành và phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từ sau khi tham gia WTO đến nay, kinh tế Việt Nam chưa thật sự kiến tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, tham nhũng lại tạo thêm điều kiện cho các nhóm lợi ích hoành hành, làm méo mó cả những quốc sách tốt của Nhà nước. Nếu các chính sách không hướng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hệ thống doanh nghiệp, nếu thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê, phiền hà, nạn tham nhũng vẫn phá tan sự minh bạch cần có trong quản lý doanh nghiệp, thì TPP không là cơ hội, mà là thách thức với toàn bộ hệ thống.

Thứ hai, cải cách môi trường pháp lý, chính sách để bảo đảm hướng tới một "chuẩn" thống nhất theo quy định của TPP là một khó khăn đối với Việt Nam. Nhưng trong dài hạn, cải cách môi trường thể chế, hướng tới các "luật chơi" quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực hiện các cam kết cải cách chính sách thương mại, hệ thống quy định pháp lý, áp dụng các tiêu chuẩn hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật... trong khuôn khổ quy định của TPP sẽ là những ràng buộc mang tính pháp lý, bắt buộc phải thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết. Theo cách tiếp cận như vậy, mặc dù điều chỉnh hệ thống chính sách liên quan đến các quy định của TPP là một quá trình khó khăn và phát sinh chi phí đáng kể, cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên TPP có thể coi như một "cú huých" từ bên ngoài để tạo thêm đà cho những nỗ lực trong nước hướng đến một môi trường thể chế minh bạch, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, tổ chức thông tin hoàn hảo đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vào đội ngũ doanh nghiệp và đội ngũ sản xuất tại nông thôn. Tham gia TPP khi người nông dân có sự cập nhật thông tin chậm, sẽ có khả năng mất thị trường, chịu áp lực cạnh tranh lớn thậm chí là thất thế về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp và kiện tụng.

Thứ tư, trọng tâm là cải cách DNNN và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với dân số và nhu cầu tăng trưởng kinh tế, số lượng doanh nghiệp hiện rất thấp. Đây là hạn chế lớn trong việc phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tạo ra thị trường cạnh tranh và huy động nguồn lực của xã hội.

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhu cầu việc làm lớn việc phát triển loại hình doanh nghiệp này vừa phù hợp với năng lực nội tại vừa phù hợp với những ưu đãi của TPP. Định hướng cơ bản để thực hiện việc này là cải cách DNNN một cách thực chất, tạo điều kiện để doanh nghiệp có môi trường kinh doanh minh bạch./.

TS BÙI THÀNH NAM
Nguồn: Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37175249