Truy cập hiện tại

Đang có 62 khách và không thành viên đang online

Một số kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế nước ta 06 tháng đầu năm 2021

(TUAG)- Mặc dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng tăng trưởng kinh tế 06 tháng đầu năm của nước ta vẫn tăng ở mức 5,64%, cao gấp 3 lần so với mức tăng GDP cùng kỳ năm trước.



Tính chung 06 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỉ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 06 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỉ USD. khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 06 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 06 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011 - 2021. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 06 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 06 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 06 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế chỉ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014 - 2021.

Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế khu vực và thế giới, những kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta đạt được trong 06 tháng đầu năm 2021 đã tác động tích cực đến tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân.

Đại đa số các tầng lớp nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận cao của Nhân dân trong việc kiên trì thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Nhiều người cho rằng, mặc dù chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu như mong muốn, nhưng mức tăng trưởng 5,64% trong 06 tháng đầu năm 2021 là một con số khá ấn tượng, bởi trong bối cảnh hiện nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Qua đó, cho thấy, những giải pháp của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phát huy tác dụng tích cực, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 (trong đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp có những đóng góp vào nền kinh tế).  

Theo các chuyên gia, có 4 điểm sáng trong bức tranh kinh tế 06 tháng đầu năm là: (i) Tăng trưởng GDP quý II/2021 cao hơn quý I mức 0,39% cho thấy nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng cao; (ii) Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 32,2% thể hiện con số kỷ lục và có thể tạo đà để tổng kim ngạch đạt khoảng 650 tỉ USD hết năm 2021. Thị trường xuất nhập khẩu mở rộng thể hiện tác động của việc khai thác triệt để thị trường, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do. Động lực thị trường toàn cầu định hướng cho nền kinh tế Việt Nam; (iii) Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, thể hiện cơ hội kinh doanh đang được định hình và thực hiện. Đầu tư tư nhân tăng cho thấy sự mở rộng tổng cung và tổng cầu; (iv) Đầu tư công tăng trên 7% tạo chỗ dựa cho đầu tư tư nhân. Những tín hiệu lạc quan này sẽ giúp chúng ta có niềm tin vào tốc độ tăng trưởng mạnh hơn của nền kinh tế 06 trong những tháng cuối năm 2021.
    
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn băn khoăn, lo lắng về khả năng nước ta thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2021 đạt 6% mà Quốc hội đề ra (mục tiêu của Chính phủ là 6,5%) là rất khó khăn. Muốn đạt được mục tiêu đề ra cần phải có những “cú hích” mạnh đến từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã chỉ rõ, sự phục hồi kinh tế thời gian qua chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu do tác động của dịch bệnh. Đây là thách thức chính đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Sự phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” 06 tháng cuối năm 2021 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Để đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2021, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, cùng với đó là chủ động nghiên cứu nguồn vaccine trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công...

Để góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra trong năm 2021 công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền đầy đủ về những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế 06 tháng đầu năm 2021, qua đó khẳng định, sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền sâu rộng về các giải pháp khắc phục khó khăn để duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế, góp phần thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội đề ra.

Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế của cả năm 2021, từ đó góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực trong việc khắc phục khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các kịch bản đối phó với dịch bệnh Covid-19 để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37187160